MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’

22-09-2022 - 08:19 AM | Sống

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’

Ở thời điểm bắt đầu, Lê Lưu Dũng thành lập công ty nhưng không có bất kì một nhân viên nào. Anh làm việc đến gần 20 tiếng/ngày trong suốt 1 năm đầu. Song đối với anh làm du lịch mạo hiểm là làm với đam mê của chính mình nên dường như không có mệt mỏi.

Nhìn Lê Lưu Dũng ngoài đời, ít ai có thể nghĩ đây là một CEO. Không phải comlee hay sơ mi, anh xuất hiện với bộ đồ thể thao khoẻ khoắn, cùng chiếc mũ lưỡi trai màu đen, khá giản dị, đúng chất của một nhà thám hiểm đã gắn bó với rừng đã lâu. 

 4 năm làm bảo tồn thiên nhiên cùng 9 năm làm du lịch mạo hiểm, đối với Dũng được gắn bó với rừng là đam mê. Song chỉ có đam mê là chưa đủ, hành trình để gây dựng nên Jungle Boss – đơn vị khai thác du lịch mạo hiểm là cả một chặng đường phát triển.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 1.

Từ một nhà bảo tồn, cơ duyên nào đưa anh đến việc hình thành Jungle Boss? 

 Thích khám phá thiên nhiên, tôi gắn bó với công việc này từ 2008-2012. Khi đó công việc của tôi là làm trợ lý hiện trường và bảo tồn các động vật hoang dã. Thực tế, đây là công việc xung đột ít nhiều với lợi ích của người dân. 

Cách đây 10 năm, người dân thường vào rừng kiếm sống và phụ thuộc phần lớn vào rừng. Trong khi công việc của chúng tôi là ngăn chặn các hoạt động phá rừng, săn bắt động vật hoang dã và giáo dục ý thức cho người dân. 

Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy cái khó là làm sao vừa tạo được sinh kế cho người dân nhưng hạn chế họ vào rừng. Trong khi rừng là nguồn sống của người dân địa phương.

Trăn trở với vấn đề này, năm 2013 tôi chuyển công tác và hoạt động trong công ty về du lịch mạo điểm. Tuy nhiên làm việc 2 năm với kinh nghiệm có được, tôi muốn được tự mình tạo trải nghiệm khác lạ cho du khách cũng như đưa hoạt động du lịch gắn với cộng đồng người dân địa phương. Năm 2015, tôi thành lập Jungle Boss.

Thời gian đầu, Jungle Boss phát triển theo mô hình homestay với vỏn vẹn 3 cái nhà gỗ. Làm công ăn lương, không quá dư dả tài chính, tôi phải mượn sổ đỏ của mẹ để vay ngân hàng lấy tiền đầu tư homestay. Kinh phí hạn chế nên nơi tôi làm việc cũng chỉ là cái lều lá, hệt mấy quán cà phê chòi. Trái ngược hoàn toàn với những gì Jungle Boss hiện có là trụ sở rộng 650m2, quản lý hai khu homestay trên diện tích 700m2.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 2.

Tại sao ở thời gian đầu Jungle Boss lại đi theo mô hình homestay? 

 Năm 2015, Phong Nha bắt đầu được nhiều khách quốc tế biết đến. Nhiều chủ đầu tư đến đây để mua đất của người dân để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, khách sạn. Nhận thấy hướng đi này không bền vững, trong khi đó mô hình homestay chưa xuất hiện, tôi là người tiên phong cùng người dân địa phương phát triển homestay.

Hoạt động này giúp người dân vẫn có thể phát triển và kinh doanh trên chính mảnh đất của quê hương thay vì bán đất và đi làm trong những khu công nghiệp.

Sau 6 tháng phát triển homestay, tôi bắt đầu phát triển tour trekking đi về trong ngày. Và trong suốt 1 năm đầu, một mình tôi làm hết mọi công việc từ dẫn khách đi tour đến sale, marketing… Thậm chí tôi còn phải tự học làm website và thiết kế cho công ty. Nói chung, mỗi ngày tôi chỉ có 4-5 tiếng nghỉ ngơi, ăn uống, còn lại dành cho công việc.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 3.

Khi phát triển Jungle Boss theo mô hình du lịch mạo hiểm - lĩnh vực khá mới ở thời điểm 2015, khó khăn anh gặp phải là gì?

Ở giai đoạn đầu, bài toán của Jungle Boss là vấn đề nhân sự. Bởi ở Quảng Bình, đội ngũ nhân sự chất lượng cao chuyên về marketing và sale… rất ít. Những bạn có trình độ chuyên môn cao thường tập trung ở các thành phố lớn. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng hạn chế nên để tiếp cận với người nước ngoài nhằm hỗ trợ đào tạo nhân sự của mình cũng là cản trở.

Song khi đã xác định được khó khăn, tôi chuyển hướng tập trung đào tạo lao động địa phương. Bởi tôi cho rằng sử dụng người địa phương dẫu sẽ mất thời gian đào tạo vài tháng thậm chí là một năm. Song đây là hướng đi bền vững. Bởi thay vì bỏ một số tiền lớn để tuyển những người từ nơi khác đến, việc sử dụng lao động địa phương khi họ có gia đình tại đây thì họ sẽ gắn bó lâu dài với mình hơn. Thực tế, nhiều người đã làm việc tại Jungle Boss từ những ngày đầu cho đến thời điểm hiện tại.

Điểm đặc biệt trong nguồn nhân sự của chúng tôi chủ yếu là những người ở phía bên kia chiến tuyến – từng vào rừng săn bắt, khai thác gỗ trái phép... Jungle Boss muốn giúp họ vừa có việc làm nhưng vẫn giữ được đam mê đi rừng. Thay vì vào rừng khai thác trái phép, họ có thể vào rừng làm du lịch với mức thu nhập cao và ổn định hơn.

Sau một thời gian làm du lịch, họ lại chính là những người có ý thức bảo vệ rừng rất cao. Bởi họ hiểu rằng bảo vệ được rừng sẽ đem đến sự phát triển bền vững cho cả thế hệ mai sau.

Ngoài phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi còn gặp khó khi nơi làm việc ở sâu trong rừng nên việc đi lại khảo sát mất nhiều thời gian nên mỗi sản phẩm du lịch trước khi được ra đời mất vài tháng, thậm chí là 2 năm. Hơn nữa, công việc này đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng. Vì thế đòi hỏi mỗi nhân sự phải có đam mê và nhiệt huyết đểvượt qua nỗi sợ.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 4.
CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 5.

Trong lần đi khảo sát địa điểm mới, đã khi nào anh và các cộng sự của mình rơi vào tình thế nguy hiểm? 

Sau nhiều năm làm nghề, dẫu đã hiểu phần nào về tự nhiên song cũng có những lần chúng tôi gặp nguy hiểm khi đi khảo sát.

Năm 2017, khi đi khám phá hang Over, tôi và 6-7 cộng sự đi theo chỉ dẫn của bản đồ. Vì mùa hè trong hang thường xuất hiện sương mù nên khó phát hiện đường đi. Sau 1 tiếng trong hang, chúng tôi lại thấy chính dấu chân mình. Đến lúc này, cả đoàn nhận ra mình đã đi lạc. Chúng tôi chia người để tìm lối ra thay vì quay lại điểm xuất phát tốn nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi không phát hiện được lối ra gần nhất. Cả đoàn buộc phải quay lại điểm xuất phát và cắt đường đi ngược lên đỉnh của hang. Đến đây chúng tôi gặp phải một hố sụt thẳng đứng. Nếu muốn xuống, mọi người phải đu sợi dây mây của người dân địa phương đã buộc tại đó mà không dám chắc có an toàn hay không. Vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, không còn lựa chọn nào khác chúng tôi buộc phải theo sợi dây để đi xuống. May mắn, cả đoàn tiếp đất an toàn.

Sau này khi đi khám phá hang Pygmy, chúng tôi từng phải đu một sợi dây đồng gỉ sét đã buộc vào nhũ đá trước đó bằng tay trần để tiếp cận vách đá dựng thẳng đứng cao khoảng 6-7m. Dẫu lúc đó tay của tất cả các thành viên đã ứa máu song chúng tôi vẫn phải bám chắc bởi nếu không sẽ rơi xuống vực.

Những ngày tiền khởi đi khảo sát chưa nắm rõ địa hình như thế nào nên sẽ có những hiểm nguy rình rập. Từ đây, chúng tôi mới bắt đầu có kế hoạch thiết kế hệ thống an toàn để triển khai những tour khám phá.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 6.

Là người đầu tiên tìm ra Kong – một trong những hố sụt sâu nhất hành tinh, tour độc quyền có mức độ mạo hiểm cao nhất Việt Nam được hình thành như thế nào?

Tôi vẫn thường chia sẻ với mọi người rằng việc Jungle Boss tìm được hố sụt Kong là cái duyên. Trước đây, chúng tôi đã có tour khám phá hang Hổ. Trong khi đó hố sụt Kong thuộc một phần của hang Hổ, nằm ngay bên kia bãi cắm trại, cách dòng sông ngầm chừng 500m nhưng không ai biết.

Tình cờ cuối năm 2018, nhóm quay phim của Jungle Boss đi ghi hình cho video quảng cáo. Lúc đó, chúng tôi dùng flycam và quay được một phần hốc mặt của hố sụt. Khi về dựng video và đưa lên màn hình lớn, chúng tôi mới phát hiện ra cái lỗ ở trong hang. Khi đó mọi người hỏi nhau nhưng không ai biết đây là gì và cũng chưa từng đặt chân đến.

Từ đây, chúng tôi quyết định tìm đến địa điểm này. Thời điểm xem được video chúng tôi vẫn nghĩ Kong chỉ là hang động, chứ không phải hố sụt. Tuy nhiên khi flycam tiến gần đến hốc mắt, chúng tôi nhìn thấy vách đá sâu phía trong. Từ đây chúng tôi cắt đường, đi theo flycam đến lúc lạc vào giữa hố sụt mà không ai phát hiện ra.

Đến 17h30, mọi người leo xuống phía dưới để lấy nước uống. Khi đó ngước lên, chúng tôi mới nhận ra mình ở trong khu rừng phía trong hố sụt. Đêm đó, để tiết kiệm thời gian chúng tôi đã bơi qua hang Hổ để về được bãi cắm trại. Chúng tôi mất 5-6 ngày để khám phá và khảo sát hố sụt.

Đến tháng 3/2020, Jungle Boss mời Hiệp hội hang động của Mỹ sang để khảo sát và tình cờ tìm được lối xuống từ hốc mắt. Từ đây chúng tôi bắt đầu khảo sát để tìm ra những trải nghiệm mới. Sau đó Jungle Boss trình phương án cho Uỷ ban tỉnh Quảng Bình để được cấp phép khai thác. Sau 2 năm, đến cuối 2021, tour chính thức được phép đón du khách.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 7.

Trong suốt 2 năm, đâu là điểm đáng nhớ của hành trình này?

Trong lần đi đo độ sâu của hố sụt, 4 người của Jungle Boss đi cùng 2 chuyên gia người Mỹ. Ở những lần khảo sát trước, chúng tôi ước tính độ sâu chỉ khoảng 150m nên chỉ mang vào 200m dây. Chúng tôi chia thành 2 nhóm với 3 người sẽ men theo đường cắt đi lên đỉnh hố sụt, còn lại tôi và một bạn nữa ở dưới này để tiến hành đo đạc. Tuy nhiên, theo lời của những bạn đảm nhận trách nhiệm đi lên phía trên kể rằng đường lên hố sụt còn khó hơn lên trời bởi đoạn đường cắt đi lên nhanh nhất toàn đá tai mèo rất sắc.

Khi lên đến đỉnh, chúng tôi bắt đầu thả 200m dây xuống. Song, đoạn dây chỉ trải dài được khoảng ½ độ cao của hang. Khi đó chúng tôi phát hiện mình đã phán đoán sai độ cao của hố sụt.

Không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi vận dụng công thức tính gia tốc hòn đá rơi tự do để đo được độ cao. Khi đó 3 bạn ở phía trên tiến hành thả hòn đả từ đỉnh hố sụt xuống dưới. Trong lúc đó, những người ở dưới bấm thời gian từ khi bắt đầu thả cho đến khi hòn đá chạm đất. Chúng tôi làm liên tục như vậy 5 lần, đưa lên công thức để tính ra được độ cao của hố sụt ước tính 450m.

Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một hòn đá rơi mà ngỡ như chiếc lá rơi ở dưới hố sụt trong vòng 9 giây. Nó tạo ra một âm thanh rất lạ, như tiếng máy bay phản lực đang ngược gió đi lên.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 8.

Tại sao tour đu dây hố sụt Kong có mức giá 35 triệu đồng/người?

Thứ nhất, để phục vụ một đoàn tối đa 10 khách trong 4 ngày 3 đêm cần khoảng 30 người phục vụ trong đó có hướng dẫn viên, đội ngũ trợ lý an toàn, đầu bếp và porter để mang vác hành lý của cả đoàn. Nếu tính trung bình, ước tính một khách sẽ có khoảng 3 người phục vụ.

Thứ hai, để đảm bảo an toàn cho du khách trang thiết bị phục vụ tour này đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Đồng thời, những trợ lý an toàn cần có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn. Ngoài ra những tour này chúng tôi đều phải trả một phần doanh thu vào phí bảo vệ rừng cho nhà nước.

Chi phí cao song đây là một trải nghiệm độc đáo, xứng đáng để tham gia. Hiện tại tour Kong là sản phẩm chiếm đến hơn 50% doanh thu của công ty. Bởi mức giá tương đối cao và lượng khách đặt tour khá nhiều kể từ khi ra mắt.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 9.

Mỗi ngày chỉ được phép đưa 10 khách xuống hố sụt trong khi tour Kong là sản phẩm chiếm đến 50% doanh thu của công ty, Jungle Boss phải làm gì để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất? 

Tôi xác định tour Kong là sản phẩm chiến lược. Ngoài ra, Jungle Boss còn có 7 sản phẩm du lịch khác nhằm đem đến những trải nghiệm khác cho du khách bởi không phải ai cũng đủ sức khoẻ và điều kiện tài chính để tham gia tour này.

Chúng tôi có những tour dành cho gia đình, trẻ em với mức giá dưới 10 triệu đồng để khách hàng dễ lựa chọn. Hiện tại để phát triển chúng tôi phục vụ tour khai thác theo hình thức teambuilding trong rừng cho những doanh nghiệp.

Để đạt tăng trưởng nhanh Jungle Boss đang làm mới những sản phẩm của mình như cuối năm 2022 sẽ cho ra mắt sản phẩm bay dù lượn ngắm di sản Phong Nha – Kẻ Bàng từ trên cao. Năm 2023, chúng tôi sẽ triển khai mô hình glamping cho những gia đình muốn hoà mình vào thiên nhiên nhưng vẫn muốn được trải nghiệm các dịch vụ đẳng cấp và sang trọng.

Trong tương lai, Jungle Boss sẽ nhân rộng mô hình này sang các địa phương khác. Tôi đã nghiên cứu địa hình vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên cũng có thể phát triển du lịch mạo hiểm với nhiều hoạt động từ những thác nước cao.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 10.

Hiện Jungle Boss có những giải pháp nào để hạn chế tác động của con người đến thiên nhiên khi đang khai thác trực tiếp vào cùng lõi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng?

Đối với sản phẩm du lịch mạo hiểm để được khai thác, chúng tôi phải có sự cấp phép của Uỷ ban tỉnh với những đề án khai thác chi tiết. Thêm nữa các quy định về bảo vệ môi trường như không được chặt cây trong rừng, sử dụng bếp ga thay vì bếp củi… đều được quy đinh rõ ràng với du khách. Thậm chí chất thải của du khách trong hang cũng được ủ vi sinh bằng trấu để tạo thành phân hữu cơ.

Khi đi trong hang, mọi người phải men theo lối có gắn miếng phản quang nhằm hạn chế giẫm đạp lên thạch nhũ. Ngoài ra, du khách vào hang đều phải đeo gang tay bởi mồ hôi ở tay người có thể làm đổi màu thạch nhũ.

Đối với việc lắp đặt hệ thống an toàn trong hang động, Jungle Boss cũng hạn chế tối đa việc tác động vào môi trường hang động như các thiết bị an toàn được sử dụng đa số là dây chịu lực, trong những trường hợp bắt buộc mới dùng đến các neo nhân tạo khoan vào vách đá.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 11.

Trong thời điểm dịch Covid-19, khó khăn lớn nhất của Jungle Boss là gì?

Tài chính là vấn đề chúng tôi gặp khó bởi phải trả lãi ngân hàng, lãi vay, phát triển sản phẩm mới… trong khi đó vẫn cần duy trì nguồn thu nhập cho nhân viên. Là một công ty vừa mới phát triển, quỹ dự phòng của chúng tôi khá thấp nên khó xoay xở. Chúng tôi từng phải thanh lý những tài sản không cố định để thu hồi vốn nhằm tập trung duy trì nguồn nhân lực.

Tuy nhiên trong cái rủi lại có cái may, dịch Covid-19 lại là cơ hội để chúng tôi nhìn nhận lại thị trường khách du lịch của mình. Sau khi đường bay nội địa được mở cửa, chúng tôi được tiếp nhận một lượng lớn du khách trong nước. Bởi sau một thời gian dài dãn cách, mọi người có xu hướng tìm về thiên nhiên và thích chinh phục những trải nghiệm độc đáo. May mắn, tour đu dây hố sụt Kong lại ra đời vào chính thời điểm này. Nên thay vì số lượng khách quốc tế chiếm đến 90% thị phần như trước đây thì nay khách Việt là chủ yếu.

Với thực trạng này, chúng tôi không gặp quá nhiều khó khăn. Xác định chất lượng sản phẩm là trọng tâm. Từ đây chúng tôi chuyển hướng chiến lược tiếp cận khách hàng, thay đổi giao diện website, sử dụng cả 2 ngôn ngữ Anh và Việt trên các trang mạng xã hội.

Vì vậy, sau dịch Covid-19, với sản phẩm đu dây hố sụt Kong, Jungle Boss đã khẳng định được thương hiệu của mình. Đây cũng chính là bước ngoặt trong hành trình 7 năm từ khi hình thành công ty.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 12.

Ở thời điểm hiện tại, Jungle Boss xác định vị trí của mình như thế nào so với các đơn vị kinh doanh cùng mô hình?

Chúng tôi luôn tự hào mình là một trong những đơn vị khai thác du lịch mạo hiểm hàng đầu ở Việt Nam. Cũng khai thác các hoạt động khám phá hang động song cách vận hành tour của Jungle Boss có nhiều điểm khác lạ. Các sản phẩm của Jungle Boss luôn hướng đến những trải nghiệm thực tế để du khách có cảm giác như mình là một nhà thám hiểm. Để làm được điều này, chúng tôi buộc phải làm mới các trải nghiệm để du khách tham gia tour có thể khám phá mọi loại địa hình từ trekking cho đến lội suối, bơi trong hang hay đu dây lơ lửng ở độ cao 100m… Jungle Boss hướng đến phát triển các sản phẩm độc quyền, tự làm mình trở nên khác biệt so với đối thủ.

Chúng tôi xác định chỉ bán những trải nghiệm chứ không đơn giản là bán tour du lịch thông thường. Đó là cơ sở để Jungle Boss có chỗ đứng vững chắc trên thị trường khai thác du lịch mạo hiểm ở Việt Nam.

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 13.

Chia sẻ trên Shark Tank, anh nói khi làm du lịch mạo hiểm là làm với niềm đam mê của chính mình. Vậy khi khởi hành đam mê, anh có nghĩ mình đạt được những thành công như hiện tại?

 Thú thực tôi không nghĩ mình có thể làm được như ngày hôm nay. Bởi tôi đâu có biết mình gặp được hố sụt Kong hay hang Pygmy. Ở thời điểm đầu, Jungle Boss chỉ phát triển những tour trekking trong ngày hay cắm trại qua đêm và có những bước tiến khá chậm. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, chúng tôi đã làm được nhiều hơn những gì mình muốn. Đặc biệt sau năm 2019 khi Jungle Boss phát hiện ra hố sụt Kong, đây thực sự là bước tiến ngoài mong đợi.

Vậy nên, tôi luôn cảm thấy may mắn khi được làm công việc mình yêu thích lại đem đến nguồn thu nhập cho xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, một quả tim nóng cần song hành với cái đầu lạnh để không biến mình thành con thiêu thân.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

CEO Jungle Boss – người phát hiện ra hố sụt Kong: ‘Làm du lịch mạo hiểm phải có đam mê bởi đôi khi đánh đổi cả tính mạng’ - Ảnh 14.
Đinh Anh
NVCC, Shark Tank
Hải An

Đinh Anh

Theo Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên