MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Masan tiết lộ "hệ sinh thái tiêu dùng" sau M&A: Dùng AI xem khách thích Hảo Hảo hay Omachi, gửi cho từng khách giỏ hàng đã cá nhân hóa

08-11-2022 - 15:20 PM | Doanh nghiệp

CEO Masan tiết lộ "hệ sinh thái tiêu dùng" sau M&A: Dùng AI xem khách thích Hảo Hảo hay Omachi, gửi cho từng khách giỏ hàng đã cá nhân hóa

"Nếu coi đích đó là 10 thì hiện Masan mới đang được ở mức 2-3, sẽ mất 2-3 năm nữa để đẩy "online to offline", CEO Masan cho biết.

Nhiều năm qua, Masan vẫn được mệnh danh là ông trùm M&A khi thường xuyên thực hiện các thương vụ mua bán, thâu tóm để mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động. Từ 2019, Masan càng khẳng định chắc nịch vị thế này của mình khi liên tục "đi chợ" để chuyển mình từ một công ty sản xuất nước tương, nước mắm, mì ăn liền thành một hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng mới.

Cuối năm 2019, thương vụ "bom tấn" thâu tóm VinCommerce giúp Masan bước một chân vào mảng bán lẻ, khởi đầu cho hàng loạt thương vụ M&A quy mô lớn sau đó.

Năm 2021, qua 3 đợt rót vốn, Công ty TNHH The Sherpa - một thành viên của Tập đoàn Masan đã chi tổng cộng 280 triệu USD sở hữu 85% cổ phần Phúc Long.

Đến tháng 9/2021, cũng chính The Sherpa đã công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Mobicast ("Mobicast" hoặc "Reddi") với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông.

Tháng 4/2022, Tập đoàn này cũng đã chi 65 triệu USD để mua lại 25% cổ phần Trusting Social - công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu về chấm điểm tín dụng.

Tất cả những cái tên trong các thương vụ này đều có mặt trong hệ sinh thái tiêu dùng tất cả trong một mà Masan đang từng bước gây dựng hiện tại.

Mới nhất, Masan đã ra mắt mô hình cửa hàng tiện lợi WinLife - nơi phục vụ các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người Việt như: nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), chuỗi F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (Reddi).

Nói về những bước đi này, CEO Masan - Danny Lê cho biết việc Tập đoàn đi từ một công ty khá truyền thống, rồi lấn sân sang mảng thịt hay bán lẻ tiêu dùng là cách mà xã hội đang phát triển, cùng là cách để Masan phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, để cạnh tranh với các công ty trên thế giới, cần có sự tham gia của công nghệ bởi vì công nghệ đang thay con người vận hành, thay đổi cách người tiêu dùng mua hàng.

CEO Masan tiết lộ hệ sinh thái tiêu dùng sau M&A: Dùng AI xem khách thích Hảo Hảo hay Omachi, gửi cho từng khách giỏ hàng đã cá nhân hóa - Ảnh 1.

TS Nguyễn An Nguyên - nhà sáng lập Trusting Social trình bày tại ĐHĐCĐ thường niên Masan năm 2022

Việc hợp tác với Trusting Social cũng là cách mà Masan tìm kiếm các "DNA công nghệ" phù hợp để kết nối với "DNA sẵn có của Tập đoàn".

"Trusting Social là công ty có nền tảng, hiểu biết về AIML (ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo). Masan nghĩ rằng nếu muốn cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho 100 người tiêu dùng, mỗi người một khẩu vị riêng mà không có AIML thì sẽ cực kỳ khó làm. Với sự hợp tác cùng Trusting Social, chung tôi mong muốn xây nền tảng hiểu người dùng, đánh giá các khoản vay cho họ với giá hợp lý nhất. Đó là mảnh ghép cực kỳ quan trọng trong bức tranh của Masan" , CEO Danny Lê chia sẻ trong talkshow trên báo Đầu tư.

Nói cụ thể hơn về tham vọng và kế hoạch của mình trong việc xây dựng hệ sinh thái mới, ông Danny Lê cho biết Tập đoàn muốn thông qua hình thức "membership", qua số điện thoại, qua các dịch vụ khác từ Phúc Long, Techcombank, Dr.Win, Reddi để hiểu từng người tiêu dùng muốn gì, mua gì.

"Chúng tôi cần 6-9 tháng để tập hợp dữ liệu, dùng cách hiểu của Masan ngày xưa trên offline, đối chiếu với dữ liệu số để tổng hợp lại thành một bức tranh, xem với người dùng ở vùng này, vì sao họ thích sản phẩm Chinsu, sao họ thích mì Hảo Hảo hay Omachi, vì sao họ mua cái này mà không mua cái kia.

Từ đó, chúng tôi gửi cho từng khách hàng một danh sách những món đồ mà cá nhân người tiêu dùng đó thích, khách hàng có thể đặt hàng hằng tháng qua online và nhận hàng ngay tại nhà hoặc lấy tại cửa hàng. Nếu coi đích đó là 10 thì hiện Masan mới đang được ở mức 2-3, sẽ mất 2-3 năm nữa để đẩy "online to offline", CEO Masan nói thêm.

CEO Masan tiết lộ hệ sinh thái tiêu dùng sau M&A: Dùng AI xem khách thích Hảo Hảo hay Omachi, gửi cho từng khách giỏ hàng đã cá nhân hóa - Ảnh 2.

Tuy nhiên, ông Danny Lê cho biết trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Masan có dòng tiền để đầu tư nên khả năng cạnh tranh tốt hơn so với những công ty khác.

Nói về xu hướng đầu tư, M&A trong 12-18 tháng tới, vị CEO Masan cho rằng các nhà đầu tư sẽ đưa vốn của họ vào những tài sản an toàn. Bên cạnh đó, nếu như trước kia, nhà đầu tư luôn tìm kiếm cơ hội ở các công ty nền tảng có tăng trưởng mạnh về doanh thu thì trong thời gian tới, họ sẽ quan tâm đến những công ty tăng trưởng có lợi nhuận.

" Các công ty trên sàn chứng khoán Mỹ như Uber hay Grab trong 3 năm qua giá trị rất cao. Trong thời gian này, sức ép sẽ khiến giá trị co lại vì họ không có lợi nhuận. Thị trường sẽ rất khó để gọi vốn, nhất là với công ty startup". Ngược lại, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược có tầm nhìn dài hơn, kiên nhẫn hơn. Thị trường có thể sẽ chứng kiến nhiều thương vụ mà nhà đầu tư đầu tư để xây các nền tảng kinh doanh tốt hơn.

Theo Hoàng Thùy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên