CEO MB Lưu Trung Thái: MB sẽ trở thành Tập đoàn tài chính đa quốc gia ngay trong năm nay, trước mắt tập trung vào thị trường Đông Nam Á
Ông Lưu Trung Thái
MB đang đưa ra những kế hoạch rất mạnh mẽ để hiện thực hoá kế hoạch top 3 ngân hàng hiệu quả nhất và là ngân hàng thuận tiện nhất.
- 13-04-2021MB sẽ đầu tư xây trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh trong năm nay
- 07-04-2021MB lên kế hoạch lãi 13.200 tỷ đồng trong năm nay, trả cổ tức 35% và tiếp tục bán vốn cho Viettel để tăng vốn lên gần 39.000 tỷ
- 06-04-2021MB ước lãi gần 4.600 tỷ đồng trong quý 1, lượng khách hàng mới bằng xấp xỉ 60% cả năm 2020
Ngày 27/4/2021, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) tổ chức cuộc họp quan trọng nhất trong năm giữa những người điều hành, quản trị với các "ông chủ" của họ - đại hội đồng cổ đông thường niên. Trước thềm đại hội, nhà băng này đã công bố một loạt kế hoạch lớn để trình cổ đông thông qua, trong đó đáng chú ý là mô hình tập đoàn MBGroup, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ít nhất 20%, trở thành ngân hàng thuận tiện nhất và hướng tới top 3 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất.
Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, ngân hàng hoàn toàn tự tin với những kế hoạch đặt ra. Thậm chí trong điều kiện thuận lợi và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được cấp phép cao như năm trước, lợi nhuận của nhà băng này thời gian tới còn bứt tốc mạnh hơn nữa.
Trong năm nay, ngân hàng cũng lên kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ tới 35%, là mức cao nhất trong toàn hệ thống, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu cho đối tác chiến lược và ưu đãi cho cán bộ nhân viên để giữ chân nhân tài, qua đó đưa vốn điều lệ lên mức gần 40 nghìn tỷ đồng, dẫn đầu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, thậm chí vượt cả một số "ông lớn" trong ngành.
Thưa ông, kế hoạch lợi nhuận của MB đặt ra cho năm nay là 13.200 tỷ đồng, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng được phép như năm 2020, lợi nhuận có thể lên đến con số bao nhiêu?
Ông Lưu Trung Thái: Lợi nhuận dự kiến năm nay là 13.200 tỷ đồng, với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là 10,5%. Ngay từ đầu năm 2021, MB đã duy trì quy mô tăng trưởng tín dụng tốt, và tiếp tục sẽ có các chiến lược kinh doanh linh hoạt, phù hợp thị trường, là cơ sở giúp MB đạt kế hoạch lợi nhuận như mục tiêu đã đặt ra.
Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi cộng với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng như năm 2020 là khoảng 23%thì dự kiến MB sẽ đạt mốc lợi nhuận ít nhất là 14.600 tỷ đồng.
Kết quả tăng trưởng tín dụng của MB các tháng qua thế nào? Với kết quả như vậy, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ra sao và có liệu có gặp khó khăn gì?
Đến hết quý I, MB đã có mức tăng trưởng tín dụng khoảng trên 8% và luôn đi kèm với các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng chặt chẽ.
Định hướng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng năm 2021 ở mức tương đương năm 2020 (tức khoảng 23%) tùy thuộc vào phê duyệt của NHNN. Định hướng tăng trưởng của MCredit là 11,5% và ngay từ đầu năm MB đã tập trung triển khai các chỉ đạo, chính sách điều hành bám sát mục tiêu tăng trưởng này và mọi thứ đang diễn ra rất thuận lợi.
Theo đó phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp SME siêu nhỏ tiếp tục là định hướng chiến lược của MB cùng với việc phát triển mạnh các sản phẩm kênh số, tăng trải nghiệm khách hàng sẽ là động lực giúp MB đạt được mục tiêu. Tuy nhiên việc thực hiện sẽ được điều hành phù hợp với phê duyệt của NHNN về giao mức tăng trưởng cho MB trong năm 2021. Đến hiện tại MB được phê duyệt tăng trưởng tín dụng ở mức 10,5%.
Khó khăn lớn nhất của việc tăng trưởng tín dụng, ngoài những con số về chỉ tiêu, là việc vừa có thể hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, đặc biệt sau những khó khăn do Covid-19 gây ra và vừa kiểm soát được tốt chất lượng tín dụng.
Ảnh: Tuấn Mark
Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, năm ngoái MB còn đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn 2019, vậy cơ sở nào để ngân hàng xây dựng kịch bản tăng trưởng 20% trong năm 2021 này và những giải pháp nào để đạt mục tiêu đề ra?
MB xây dựng các kịch bản tăng trưởng 20% chủ yếu xuất phát từ tính toán các tác động của các yếu tố vĩ mô, tác động của đại dịch Covid vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, nên kinh tế dự báo phục hồi và tăng tốc từ quý 2/2021. Cách tiếp cận của ngân hàng cũng phù hợp với chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng nhà nước là ngân hàng cần đồng hành với doanh nghiệp, phải giảm phí, giảm lãi suất thúc đẩy hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với mục tiêu "TOP 5, phấn đấu TOP 3 các NHTM về chất lượng và hiệu quả, dẫn đầu về số" tiếp tục tầm nhìn "MB là ngân hàng thuận tiện nhất", phấn đấu mục tiêu "số 1 về nền tảng số, nằm trong TOP 3 ngân hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam", ngân hàng cần phải đưa ra các định hướng phát triển.
Các giải pháp điều hành chính của năm nay bao gồm: Hoàn thành chiến lược giai đoạn 2017 – 2021 và xây dựng chiến lược kinh doanh giai đoạn mới, tạo lợi thế vượt trội trên nền tảng số; Xây dựng và triển khai mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng năng động, tạo lập một hệ sinh thái quy mô 20 triệu khách hàng bền vững; Chuyển đổi số toàn diện hoạt động kinh doanh ngân hàng; Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đột phá năng suất lao động, gắn chuyển đổi số và thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó ngân hàng tiếp tục đầu tư mạnh cho CNTT, chuyển dịch số, năng lực hệ thống hạ tầng CNTT tập đoàn; Ứng dụng Robotics cho các quy trình lõi (tín dụng, thanh toán quốc tế, LC…); Tập trung các giải pháp quản trị nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty thành viên; Tăng năng lực bán khai thác tối đa lợi thế Tập đoàn; Tăng trưởng thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng trên các nền tảng số, với tốc độ tăng trưởng cao gấp 2-3 lần so với 2020, hoàn thiện App MB và Biz MB để dẫn đầu thị trường.
Năm nay ngân hàng cũng sẽ tích cực tìm kiếm trụ sở cho khu vực Phía Nam, đầu tư phát triển tại TP HCM; Chuyển đổi mô hình hoạt động chi nhánh Campuchia sang Ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc Ngân hàng Liên doanh; Quy hoạch và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống mạng lưới đa kênh, đặc biệt kênh tự phục vụ Smart Bank.
Song song đó là triển khai quyết liệt các giải pháp tăng trưởng mạnh về doanh thu và kiểm soát chặt rủi ro; Tăng tính thông tin trong các hệ thống quản trị rủi ro; Tiếp tục ứng dụng các mô hình quản trị rủi ro, quản trị nợ xấu, giảm thiểu các ảnh hưởng của nợ xấu, cơ cấu nợ bị ảnh hưởng Covid từ năm 2020; Duy trì chất lượng tín dụng toàn Tập đoàn….
MB đang ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng số. Xin hỏi ông những kết quả đã đạt được trong năm qua và các tháng đầu năm nay?
Chuyển dịch số là 1 trong 3 chiến lược phát triển quan trọng bậc nhất của ngân hàng trong vòng 5 năm tới. Để phục vụ cho mục tiêu ấy, MB đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cả hạ tầng công nghệ, con người lẫn tập trung thay đổi trải nghiệm của khách hàng. Trong đó, đầu tư cho hạ tầng công nghệ không chỉ đơn thuần là công nghệ, mà về bản chất là tạo ra những quy trình sản phẩm mới, các mô hình kinh doanh mới và cách thức phục vụ khách hàng mới, hướng tới mục tiêu cuối cùng là sự trải nghiệm tốt nhất của khách hàng.
Dấu ấn số hóa của MB được thể hiện rõ nét nhất vào thời điểm giữa năm 2020, khi App MBBank đã trở thành ứng dụng App tài chính miễn phí được download nhiều nhất tại Appstore Việt Nam, vượt qua nhiều các tên tuổi lớn của thế giới như Facebook, Google hay Tiktok. Đây là minh chứng rất rõ ràng về mức độ khả thi trong việc thực hiện hóa các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2017-2021. Với tầm nhìn trở thành "Ngân hàng thuận tiện nhất" vào năm 2021, MB đã liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số như App MBBank, Biz MBBank, các sản phẩm cho vay trên kênh số, tạo sự thuận tiện cho khách hàng.
MB đã thực hiện hàng loạt các giải pháp và thực sự phát huy hiệu quả ngay cả trong đại dịch Covid như: Đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng công nghệ, đảm bảo năng lực phục vụ khách hàng; Triển khai đồng bộ nền tảng số dành cho cá nhân và doanh nghiệp như App MB, Biz MB; Triển khai hàng loạt các giải pháp công nghệ nền tảng như API, Microservice, eKYC, Digital OTP... để phục việc mở rộng kinh doanh trên môi trường mạng; Triển khai API Banking, kết nối đa ngành nghề, lĩnh vực từ y tế, giáo dục, giao thông, dịch vụ công,...để mở rộng điểm chấp nhận dịch vụ cũng như cung cấp dịch tài chính tới mọi mặt của đời sống; Cung cấp nền tảng banking service tới tất cả các hệ sinh thái chẳng hạn ví điện tử, y tế, giáo dục, giao thông...; Đã và đang tiếp tục triển khai số hóa dịch vụ, mục tiêu chuyển đổi 90% dịch vụ tại quầy lên kênh số như tiết kiệm, cho vay, chuyển tiền quốc tế, thanh toán thuế, hải quan....; Áp dụng Robotic, RPA để tự động hóa vận hành.
Với những tiện ích vượt trội mà ngân hàng số đem lại, đặc biệt qua App Mbbank, MB đã có tăng trưởng ấn tượng về quy mô Casa, trong đó 2020 là năm đầu tiên Casa vượt mốc 100.000 tỷ và tăng trưởng này đặc biệt ấn tượng từ nhóm khách hàng cá nhân và tỷ lệ này tiếp tục tăng cao trong quý đầu năm 2021. Hơn nữa, lượng khách hàng mới đăng ký giao dịch qua ngân hàng số của MB đã lên tới con số 1 triệu khách hàng, bằng 60% cả năm 2020. Tăng trưởng thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng trên ngân hàng số, với tốc độ tăng trưởng cao gấp 2-3 lần so với 2020.
Ảnh: Tuấn Mark
Các ngân hàng đều cạnh tranh mạnh mẽ ở ngân hàng số, vậy lợi thế của MB là gì?
Chuyển đổi số trong thời gian gần đây được các ngân hàng đặc biệt chú trọng bởi đây là trọng tâm phát triển của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Bối cảnh xã hội cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã làm dịch chuyển thói quen người tiêu dùng, MB đã tăng cường đầu tư về công nghệ để chuyển đổi số, định hướng tập trung nhằm tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới, tăng trải nghiệm khách hàng và tạo ra lợi thế cạnh tranh. MB luôn hiểu rõ những khó khăn, thách thức và tận dụng mọi cơ hội để tạo lợi thế cạnh tranh.
Về cơ hội, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking là 200% và hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Do vậy, ngân hàng sẽ dễ dàng tiếp cận khách hàng thông qua kết nối đa phương, cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử thay thế cho các giao dịch truyền thống; Dễ dàng tiếp cận được các mô hình chuyển đổi số thành công trên thế giới.
Về thách thức thì đó là sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty Fintech về cung cấp dịch vụ cho khách hàng với trải nghiệm dịch vụ tốt hơn, nếu không có những thay đổi kịp thời sẽ mất dần thị phần khách hàng. Thách thức nữa là sự tụt hậu khi không bắt kịp xu thế và tiến bộ của công nghệ. Ngoài ra, hành lang pháp lý cho ngân hàng thương mại quá chặt chẽ sẽ dẫn đến khó khăn cho khách hàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, do đó nếu không kịp thời vận dụng linh hoạt sẽ mất đi nhiều tệp khách hàng tiềm năng.
Vì sao ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ một cách đột ngột như vậy, tới 40%?
Tổng số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm của MB năm nay là 10.688 tỷ đồng, tức tăng khoảng 38% so với hiện tại.
Việc tăng vốn điều lệ để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực và vốn kinh doanh là xu thế chung của các ngân hàng hiện nay, các ngân hàng đều đề xuất mức tăng vốn trên 20% như BIDV tăng 20,6% từ 40.200 tỷ đồng lên 48.500 tỷ đồng, ACB tăng 25% từ 21.600 tỷ đồng lên 27.000 tỷ đồng, HDBank tăng 25% lên 20.110 tỷ đồng, SHB tăng 21% lên 21.300 tỷ đồng….
Việc tăng vốn sẽ được thực hiện từng bước theo phương án đã đệ trình ĐHĐCĐ dựa trên nguyên tắc an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cho các cổ đông, đảm bảo: Bảo toàn và phát triển vốn điều lệ và đảm bảo lợi ích cho cổ đông; Tăng vốn tự có cho MB, đảm bảo mức đệm vốn tốt, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng (duy trì tốt CAR mục tiêu), đồng thời, hướng đến những hợp tác mang lại lợi ích lâu dài cho cả 2 bên, đem lại sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, có chất lượng cho Khách hàng; Tăng vốn tự có cho MB, đồng thời tăng cường sự gắn kết, động lực phấn đấu cho các cán bộ nhân viên của MB.
Cổ đông lớn vốn Nhà nước phải thoái vốn khỏi ngân hàng theo quy định, nhưng vì sao MB lại đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu của Viettel ở ngân hàng?
Theo nội dung dự thảo báo cáo ĐHĐCĐ, các tiêu chí lựa chọn đối tác chào bán riêng lẻ và các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ nhằm tăng cường hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực này, góp phần hỗ trợ MB trong việc phát triển hệ sinh thái số gia tăng lợi ích cho MB và các cổ đông. Phương án phát hành của MB sẽ đảm bảo phù hợp với các quy định về giới han sở hữu của các cổ đông theo quy định và tuân thủ các giới hạn và quy định của UBCK NHNN và các cơ quan quản lý khác.
MB đề cập đến câu chuyện xây dựng ngân hàng thành mô hình tập đoàn tài chính, xin hỏi ông MBGroup đã triển khai từ bao giờ? Khi hoàn thiện sẽ giúp gì cho hoạt động kinh doanh chung và ngân hàng kỳ vọng gì từ mô hình này?
Trải qua 26 năm thành lập, ngân hàng MB đã phát triển với mô hình tập đoàn gồm 6 công ty thành viên hoạt động trong 6 ngành khác nhau như chứng khoán (từ năm 2000), quản lý quỹ (từ năm 2006); bảo hiểm phi nhân thọ (từ năm 2007), quản lý nợ và khai thác tài sản ( từ năm 2002); bảo hiểm nhân thọ ( từ năm 2016); tài chính tiêu dùng ( từ năm 2017) nhằm mục đích cung cấp cho khách hàng đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, đầu tư, bảo hiểm – đáp ứng hầu hết các nhu cầu và khẩu vị rủi ro khác nhau của khách hàng.
Để khách hàng yên tâm và tin tưởng với sản phẩm dịch vụ của tập đoàn MB, không chỉ riêng MB khẳng định chất lượng, vị thế trong ngành mà MB cũng yêu cầu và các công ty thành viên của MB đều là các công ty hoạt động an toàn, hiệu quả giữ nằm trong nhóm TOP đầu các doanh nghiệp trong ngành về thị phần/ hiệu quả.Việc thiết kế các sản phẩm bán chéo với mục tiêu đầu tiên là cung cấp được trọn bộ sản phẩm dịch vụ tài chính cho khách hàng, từ đó tối ưu trải nghiệm và lợi ích của khách hàng.
Trong giai đoạn 2016-2019, MB tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, giữ vững vị thế về quy mô và nâng cao được vị thế về huy quả so với các đối thủ với tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu đều cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân chung của toàn ngành và hoàn thành được mục tiêu chiến lược về tỷ trọng đóng góp của công ty thành viên trong tổng lợi nhuận tập đoàn.
Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ đóng góp của các công ty thành viên là 13,3%. Tuy nhiên, các công ty của MB ngày càng khẳng định được vị thế trong từng ngành hoạt động từ chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm,… Trong năm 2020 MBS giữ vững TOP 6 thị phần môi giới, TOP 4 thị phần chứng khoán phái sinh, TOP 3 doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư; MBC đứng TOP 5 về lợi nhuận, TOP 3 tăng trưởng quỹ mở trái phiếu, TOP 5 tăng trưởng quỹ mở cổ phiếu; MIC đứng TOP 6 về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ; MBAL đứng TOP 5 thị phần bảo hiểm về bancasurrance. MB Group đứng TOP 1 về doanh thu Bancas bảo hiểm nhân thọ; MCredit giữ TOP 4 dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng.
Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh - vị thế tập đoàn của MB mà chưa có ngân hàng nào ở Việt Nam xây dựng được.
Ảnh: Tuấn Mark
Việc bán vốn ngân hàng con tại Campuchia sẽ dựa trên tiêu chí gì để chọn lựa đối tác? Ngân hàng đã nhắm tới đối tác nào cụ thể hay chưa? Định hướng kinh doanh của ngân hàng này thời gian tới là gì?
Với việc chuyển đổi mô hình Chi nhánh tại Campuchia thành Ngân hàng 100% vốn hoặc liên doanh, cổ phần nước ngoài tại Campuchia, MB trở thành Tập đoàn tài chính đa quốc gia, trước mắt tập trung vào thị trường Đông Nam Á. Khách hàng của MB nói chung và MB Campuchia nói riêng sẽ được hưởng lợi với tư cách là khách hàng được phục vụ bởi Tập đoàn tài chính đa quốc gia với tiện ích tối ưu, đặc biệt trong các hoạt động chuyển tiền, đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp liên thị trường…
MB cũng tin rằng, việc lập công ty con tại Campuchia sẽ tăng khả năng huy động vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Campuchia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu của MB so với hiện tại. Công ty con sẽ là nền tảng để MB phát triển các dịch vụ tài chính khác một cách mạnh mẽ hơn tại thị trường Campuchia, nhất là lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán song song với việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng phát triển Digital Banking, thiết lập các công cụ quản trị ngân hàng vượt trội so với thị trường, mục tiêu của MB là đến năm 2025 sẽ trở thành Ngân hàng số hàng đầu tại Campuchia và đứng trong TOP đầu trong thị trường Micro Finance của quốc gia này.
Trong việc tìm đối tác cho ngân hàng con sắp tới, MB chủ trương hợp tác với các tập đoàn tài chính, công nghệ đa quốc gia có kinh nghiệm và uy tín trong khu vực. Sự hợp tác này tạo ra nhiều lợi thế độc quyền, sức mạnh riêng có giúp Ngân hàng thực hiện tham vọng "Ngân hàng số thuận tiện nhất" trên thị trường Campuchia.
Có thông tin trên thị trường rằng MB đang xúc tiến bán vốn tại các công ty con khác nữa, ông có thể tiết lộ đôi điều?
Năm 2021, MB định hướng tiếp tục triển khai tìm kiếm đối tác chiến lược cho các công ty còn là MIC, MBS. MB và các Công ty này đã đưa ra các tiêu chí và sẽ tổ chức triển khai lựa chọn đối tác một cách công khai, minh bạch, mục tiêu lựa chọn được đối tác phù hợp nhất, hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động cho các công ty thành viên.
MB là ngân hàng hiếm hoi chưa có đối tác nước ngoài và vẫn có kế hoạch tìm kiếm đối tác, vậy trong năm nay ngân hàng liệu có động thái gì mới?
Việc lựa chọn đối tác, MB xác định luôn phải cẩn trọng vì đây là việc quan trọng. Đối tác dù là nước ngoài hay trong nước đều phải đảm bảo mang lại lợi ích tối đa cho các cổ đông. Thực tế, ở những công ty thành viên của chúng tôi cũng đã có sự hợp tác với các đối tác nước ngoài, như Công ty bảo hiểm MB Ageas có đối tác của Bỉ và Thái Lan, Công ty tài chính tiêu dùng Mcredit có đối tác của Nhật Bản. Các đối tác này đều đã và đang có sự phối hợp và hỗ trợ rất hiệu quả cho hoạt động của các công ty thành viên của MB, góp phần vào kết quả chung toàn tập đoàn.
Nhịp sống kinh tế