MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Nguyễn Văn Khoa: FPT muốn Bình Định trở thành trung tâm AI của khu vực và thế giới

26-04-2023 - 10:25 AM | Kinh tế số

Tập đoàn FPT vừa nhận giấy phép đầu tư triển khai Dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ của FPT tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Khoa, CEO FPT.

Mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người dân Bình Định

Ông có thể thông tin thêm về dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ của FPT ở Bình Định dự kiến khởi công giai đoạn 1 trong quý III/2023?

CEO Nguyễn Văn Khoa: Tại Bình Định, FPT luôn kỳ vọng góp phần chung tay dựng xây nơi đây thành tổ hợp công nghệ, điểm đến đáng mơ ước của những tài năng trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Và quan trọng hơn là FPT mong muốn mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người dân - những người con miền biển chịu thương chịu khó của miền đất võ, trời văn.

Đó chính là động lực, để chúng tôi cam kết đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại Quy Nhơn, Bình Định. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công giai đoạn một trong quý III/2023.

Trước đó, chúng tôi cũng đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định tin tưởng, chấp thuận việc triển khai dự án xây dựng Trung tâm trí tuệ nhân tạo - đô thị phụ trợ của FPT. Dự án có quy mô khoảng 94 ha với tổng mức đầu tư hơn 4.362 tỷ đồng. Tập đoàn FPT sẽ xây dựng một khu đô thị hiện đại về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan; đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với tính chất chính là đô thị trí tuệ nhân tạo.

CEO Nguyễn Văn Khoa: FPT muốn Bình Định trở thành trung tâm AI của khu vực và thế giới - Ảnh 1.

CEO FPT Nguyễn Văn Khoa. Ảnh: FPT cung cấp.

Dự án sẽ hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội, trí tuệ nhân tạo phục vụ con người, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị dịch vụ; khu ở, đất công cộng - dịch vụ đô thị, cây xanh mặt nước và hạ tầng kỹ thuật.

Vì sao FPT lại chọn Bình Định là điểm đến cũng như kỳ vọng khi dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động?

CEO Nguyễn Văn Khoa: Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng vô cùng lớn của Bình Định - một vùng đất lành hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, cả về điều kiện tự nhiên, lẫn phát triển kinh tế - xã hội. Với bờ biển dài và đẹp, hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư kết nối lan tỏa ra hướng biển, Bình Định đã tạo ra sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư lớn.

Hơn thế, Bình Định ưu tiên dành gần 200 ha đất ven biển để thành lập khu đô thị khoa học. Trong các cơ chế thu hút đầu tư thì đầu tư về khoa học được tỉnh đặt lên hàng đầu, đó là đầu tư cho tương lai. Bên cạnh đó, Quy Nhơn có lợi thế là một thành phố về khoa học và giáo dục, là nơi duy nhất của Việt Nam hàng năm có tới trên 25 hội nghị về khoa học cấp quốc tế, có trên 8.000 nhà khoa học tham dự mỗi năm và đã từng có 14 nhà khoa học đoạt giải Nobel từng về thăm và tham dự các sự kiện khoa học cấp quốc tế. Bình Định cũng có rất nhiều nhân tài toán học, hàng năm có học sinh dự thi Olympic toán quốc tế. Đây là nguồn nhân lực tương lai cho ngành AI.

Với dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ, trong tương lai, chúng tôi đặt mục tiêu đây sẽ là nơi làm việc, nghiên cứu phát triển, học tập của 20.000 nhân sự công nghệ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương cũng như thu hút nhân lực quốc tế, mang đến cơ hội cho rất nhiều nhân tài của Bình Định - vùng đất nổi tiếng có truyền thống hiếu học.

Đồng thời, tổ hợp cũng sẽ cung ứng các dịch vụ công nghệ cao phục vụ thị trường toàn cầu, dựa trên các công nghệ là xu hướng thế giới như AI, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, tự động hóa … từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, cũng như thúc đẩy công nghệ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Định. FPT hướng đến mục tiêu đưa Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của khu vực châu Á và thế giới…

Và chúng tôi có cơ sở tự tin với mục tiêu này, khi mà trước đó, Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới - Mila đã đến, ký hợp tác với FPT trong vòng 3 năm. FPT cũng đưa chương trình AI và Robotics của UBTech vào phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam để trở thành một phần trong chương trình Trải nghiệm thế giới thông minh. Tất cả những yếu tố này thúc đẩy việc FPT phát triển Trung tâm Nghiên cứu AI hàng đầu thế giới tại Quy Nhơn.

CEO Nguyễn Văn Khoa: FPT muốn Bình Định trở thành trung tâm AI của khu vực và thế giới - Ảnh 2.

Phối cảnh

Trở thành thị trường có sức hút lớn nhất trong lĩnh vực AI

Chính quyền Bình Định đã có những động thái gì để đồng hành cùng FPT?. Những thách thức khi triển khai dự án thưa ông?

FPT rất cảm kích khi nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các sở, ban, ngành tỉnh Bình Định.

Và nhờ vậy, những nỗ lực của FPT đã có những kết quả bước đầu. Trong lĩnh vực đào tạo, Đại học FPT mở phân hiệu tại Bình Định đào tạo các cấp đại học, sau đại học, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của khoảng 8.000 đến 10.000 học sinh, sinh viên. Trường THPT FSchool Bình Định thành lập từ năm 2021 có hơn 500 học sinh và tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm. FSchool Bình Định đã đạt được nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh và giải thưởng Tin học trẻ Bình Định.

Trong lĩnh vực phần mềm, chúng tôi đã có hơn 550 nhân sự, thu hút hơn 20 doanh nghiệp là tập đoàn lớn trên thế giới đến thăm cũng như hợp tác với công ty tại Bình Định. Dự kiến con số này sẽ đạt 3.000 người vào năm 2025. Năm ngoái, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ, UBND tỉnh Bình Định tổ chức chương trình AI Hackathon (AI4VN), dùng AI để nâng tầm trải nghiệm du lịch tại TP. Quy Nhơn và đã nhận được sự tham dự của hàng trăm thí sinh trong và ngoài nước cùng với hàng ngàn bài dự thi gửi về.

Những chương trình như vậy đang được FPT nỗ lực triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số tổng thể và toàn diện tỉnh Bình Định trên cả ba trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số. Bình Định đã chính thức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); đưa vào sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung; triển khai các chương trình đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi số quy mô lớn; tư vấn triển khai các giải pháp y tế số, nông nghiệp số, doanh nghiệp số…

Về thách thức, Bình Định trước đây chưa có nhiều công ty, tập đoàn lớn về Công nghệ thông tin mở chi nhánh cũng như văn phòng. Khi FPT đặt chân đến Bình Định - năm 2018 mới chỉ có FPT và TMA solution là những đơn vị tiên phong đặt chi nhánh tại đây. Cũng chính vì chưa có những công ty tên tuổi lớn về công nghệ thông tin hiện diện, nên thời điểm đó rất thách thức để thu hút và đào tạo nguồn lực công nghệ có kinh nghiệm. Chính vì vậy, FPT đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để ươm mầm tài năng công nghệ tại tỉnh, thông qua giáo dục, đào tạo.

FPT mong muốn được đồng hành cùng Bình Định để cùng đến mục tiêu: Đưa nơi đây trở thành trung tâm AI của khu vực và thế giới. Để làm được điều này cần phải tạo ra 3 điểm khác biệt.

Một là nơi đây phải trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty công nghệ, các công ty khởi nghiệp, các thành phần của chuỗi cung ứng công nghệ cao… với các chính sách ưu đãi về đầu tư như chính sách: Thuế thu nhập; chất lượng an sinh xã hội

Hai là Bình Định phải trở thành cái nôi về đào tạo và nghiên cứu AI, với nguồn nhân lực AI được đào tạo bài bản từ khi còn là học sinh cho đến đại học, sau đại học.

Ba là Bình định phải trở thành thị trường có sức hút lớn nhất trong lĩnh vực AI. Đây cũng là cơ hội để nuôi dưỡng nguồn nhân sự tài năng tại địa phương, thu hút được nguồn lực lao động từ khắp nơi trên thế giới đến với Bình Định, với Việt Nam thông qua các chính sách thông thoáng về visa, thủ tục lao động cho người nước ngoài.

Bình Định nên có cơ chế tạo trung tâm thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh để thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ đáp ứng xu hướng xuất khẩu nhân lực hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Theo Thục Anh

Nhà đầu tư

Trở lên trên