MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO PNJ: Áp dụng công thức vật lý PE = mgh để tối ưu hoạt động của doanh nghiệp trước khó khăn "kép"

19-09-2022 - 14:51 PM | Doanh nghiệp

CEO PNJ: Áp dụng công thức vật lý PE = mgh để tối ưu hoạt động của doanh nghiệp trước khó khăn "kép"

Doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với khó khăn kép. Trong khi nhu cầu tiêu dùng từ khách hàng giảm sút thì chi phí sản xuất lại tăng vọt.

Chia sẻ tại Hội nghị VNHR Summit 2022 mới đây,CEO Lê Trí Thông của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã có một ví dụ áp dụng công thức tính Thế năng và Động năng trong vật lý lớp 10 để nói về chiến lược kinh doanh trong giai đoạn sau đại dịch, với những biến động lớn từ kinh tế - chính trị toàn cầu.

CEO PNJ: Áp dụng công thức vật lý PE = mgh để tối ưu hoạt động của doanh nghiệp trước khó khăn kép - Ảnh 1.

Theo đó, ông Thông chỉ ra ba chiến lược mới lên ngôi, bao gồm:

Thứ nhất là chiến lược tăng và giảm m (m: khối lượng ~ quy mô công ty). Trong đó, tăng m là hoạt động phát triển mở rộng quy mô và lĩnh vực kinh doanh. Có thể kể đến như việc Masan và Thaco xoay chuyển cục diện thị trường bán lẻ, hay Thế giới Di động (MWG) nhắm mục tiêu tập đoàn bán lẻ đa ngành khi khai trương 5 chuỗi mới. Giảm m là thu hẹp quy mô công ty – tập trung – rút lui như việc các công ty công nghệ lớn toàn cầu cắt giảm nhân sự hoặc ngưng tuyển dụng.

Thứ hai là chiến lược tăng và giảm h (h: độ cao ~ vị thế thị trường). Trong đó, nâng cao h là hoạt động chiếm lĩnh thị phần – nâng cao vị thế cạnh tranh như câu chuyện cạnh tranh thị phần của Grab và Uber ngày xưa, song song đó là với Gojek, hay bài toán cạnh tranh giữa ngân hàng với fintech, giữa các ví điện tử…

Thứ ba là chiến lược tăng và giảm v (v: vận tốc ~ tốc độ tăng trưởng). Trong đó, tăng v là các hoạt động tăng tốc - bứt phá – chiếm lĩnh thị trường (vd FPT tăng tốc mở rộng phủ chuỗi nhà thuốc Long Châu); giảm v là giảm tốc để chấn chỉnh – thu mình trước “cơn bão” (ví dụ như Google đóng băng tuyển dụng trong 2 tuần).

Theo các chuyên gia tại hội nghị, doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với khó khăn kép. Trong khi nhu cầu tiêu dùng từ khách hàng giảm sút thì chi phí sản xuất lại tăng vọt. Doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu) muốn sinh tồn trong bối này phải tái tạo: Làm sao thống nhất tổ chức từ gốc, thiết kế lại từ tư duy, chiến lược, hệ thống, quy trình và cả nguồn nhân lực cho phù hợp với mô hình kinh tế chung hiện nay.

Nhìn chung, theo ông Lê Trí Thông, cơ hội kinh doanh lúc này ở Việt Nam là sáng nhưng không dành cho tất cả. Các doanh nghiệp có nền tảng nội tại tiếp tục đi lện mạnh mẽ và có các doanh nghiệp phải xuống hạng. Do đó, mỗi doanh nghiệp phải tìm cho mình một chiến lược riêng, tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, thống nhất để đạt hiệu suất lợi nhuận cao trên đồng vốn bỏ ra, cũng như linh hoạt thay đổi giữa bối cảnh nhiều biến động, dễ đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay.

Bảo An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên