CEO Shopee Việt Nam: Đừng hiểu Shopee là công ty liên quan đến Trung Quốc
"Shopee là công ty "sinh ra" ở Đông Nam Á, vì vậy mong mọi người đừng hiểu nhầm là công ty liên quan tới Trung Quốc" - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Ngày 14-8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức".
Theo PGS-TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT-TT), tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.
Ngoài ra, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến trên thương mại điện tử để tăng cường khả năng tiếp thị, quảng bá các dịch vụ của mình.
Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 ngàn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19. "Không gian cho thương mại điện tử ở Việt Nam có thể đạt được mức trung bình của thế giới là rất rộng mở" - ông Tuấn chia sẻ.
Hiện, Bộ TT-TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (trực tiếp là Cục Thương mại và Kinh tế số) cùng thúc đẩy một chương trình chung để thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ là được chuyển đổi số đưa lên không gian mạng.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh thông tin năm 2023 thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất rộng lớn, bởi thương mại điện tử đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhìn nhận cùng với quá trình phát triển của thương mại điện tử, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp, đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn.
Về vấn đề này, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết đã làm việc với rất nhiều các nhà kinh doanh nhỏ lẻ và thấy rằng ở Việt Nam có những thế mạnh rất lớn về sản xuất, ví dụ như ngành may mặc.
Tuy nhiên, những sản phẩm này chưa tiếp cận được quá nhiều trong thị trường nội địa vì một số lý do: Hiểu biết về thị trường nội địa từ các nhà kinh doanh xuất khẩu chưa nhiều; cách tiếp cận người tiêu dùng qua thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn mới; nhu cầu và thị hiếu của thị trường Việt Nam cũng khác với thị trường xuất khẩu.
Theo đó, đại diện sàn thương mại điện tử này cho biết đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để giúp họ cung cấp cho thị trường nội địa trước.
"Chúng tôi cũng đang cố gắng có những chương trình huấn luyện, giúp cho mọi người tiếp cận những công nghệ mới, những cách tiếp cận thị trường mới như livestream, dùng những người nổi tiếng để quảng bá… hiện tại đó là những các tiếp cận mua bán tiên tiến trên thế giới" - ông Tuấn Anh cho biết.
Đồng thời, ông Tuấn Anh nhấn mạnh thêm rằng: "Shopee là một công ty sinh ra ở Đông Nam Á, phục vụ được thị trường Đông Nam Á. Do vậy, nếu đâu đó nhiều người vẫn nghĩ chúng tôi là công ty có liên quan tới Trung Quốc là không đúng. Shopee mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, các bộ ngành địa phương để hỗ trợ cả người mua và người bán được tiếp cận dịch vụ tốt nhất".
Báo Người lao động