MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO SSIAM: Xu hướng đầu tư vào các quỹ mở gia tăng, NĐT nước ngoài ưa thích với ETF nội trong khi NĐT cá nhân vẫn còn hạn chế

CEO SSIAM: Xu hướng đầu tư vào các quỹ mở gia tăng, NĐT nước ngoài ưa thích với ETF nội trong khi NĐT cá nhân vẫn còn hạn chế

Bà Lê Thị Lệ Hằng – Giám đốc điều hành SSIAM (thuộc SSI), một trong những công ty tiên phong trong ngành quản lý tài sản non trẻ của Việt Nam từ năm 2007. Bà đã tham gia hội đồng quản lý tài sản của Hubbis tại Việt Nam vào cuối tháng 7 năm nay. Chúng tôi dẫn lại một số thông tin mà CEO SSIAM đã chia sẻ với Hubbis mới đây về thực tế và tầm nhìn của bà đối với ngành quản lý tài sản trong tương lai.

ETF nội thu hút dòng vốn nước ngoài, nhà đầu tư nội vẫn còn hạn chế

Quan điểm của bà Hằng là khi lãi suất và lãi tiền gửi ngân hàng có xu hướng giảm đáng kể từ năm 2020, thị trường vốn đương nhiên trở thành hình thức đầu tư thay thế hấp dẫn với hầu hết nhà đầu tư Việt Nam. 

"Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy khoảng 500.000 tài khoản mới được mở ra trong 6 tháng đầu năm, nâng tổng số lên gần 3,5 triệu tài khoản giao dịch hiện nay", bà Hằng nói. 

Tuy nhiên với 100 triệu dân, đó vẫn là một tỷ lệ khá thấp và tiềm năng vẫn còn rất lớn, bà lưu ý. Khối lượng giao dịch được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư cá nhân, những người chiếm gần 85% giá trị giao dịch hàng ngày. "Phần lớn trong số này là các nhà đầu tư ngắn hạn khi họ cố gắng nắm bắt cơ hội từ thị trường", bà nói. 

"Nhưng đồng thời chúng tôi cũng nhận thấy xu hướng đầu tư vào các quỹ mở, đặc biệt là với những người không có nhiều vốn đầu tư ở một thời điểm". 

Bà Hằng giải thích rằng các nhà đầu tư Việt Nam từ lâu đã đặt số tiền tích luỹ của mình vào tiền gửi vì lãi suất ngân hàng. Nhưng với sự hấp dẫn của thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhu cầu đối với các sản phẩm này đang tăng lên, cũng như việc mua bán được thực hiện qua quỹ. 

"Chúng tôi thực sự đã thấy dòng tiền lớn chảy vào các quỹ thu nhập cố định của các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những khách hàng lớn tuổi, vì lợi suất ròng của quỹ thu nhập cố định cao hơn tiền gửi. Xu hướng này đã tiếp tục kể từ năm ngoái". 

Bà giải thích rằng các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang mua vào rất nhiệt tình chứng chỉ quỹ ETF nội như SSIAM VNFinlead, DCVF VNDiamond và VN30. 

SSIAM VNFinlead là quỹ ETF tập trung đầu tư theo lĩnh vực đầu tiên tại Việt Nam, hướng đến các công ty tài chính hàng đầu. Quỹ đã mang lại tỷ suất lợi nhuận 68,18% trong 6 tháng đầu năm. Các quỹ chủ chốt của SSIAM gồm có: VNFIN LEAD ETF, SSIAM VNX50 ETF và SSIAM VN30 ETF. 

Bà Hằng nói với Hubbis rằng: "SSIAM là nhà cung cấp quỹ ETF lớn tại Việt Nam. Kể từ khi ra mắt quỹ VNX50 ETF, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích ETF thế nào vì họ thiếu thông tin cần thiết để mua cổ phiếu trực tiếp".

"ETF thực sự là một cách hoàn hảo để tham gia thị trường, vì chúng rẻ hơn và dễ dàng tiếp cận hơn. Chúng cũng không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và quỹ ETF như chúng tôi cung cấp được coi là nhà đầu tư trong nước".

CEO SSIAM bổ sung, dù các quỹ ETF hút được nhiều sự quan tâm của từ nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, nhưng nhìn chung vẫn chưa thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Hiện các nhà đầu tư cá nhân nội chỉ chiếm từ 2 – 9% tổng AUM trong các quỹ ETF. 

Giới trẻ đang nhanh chóng tìm hiểu về thị trường, lập kế hoạch tài chính sớm

Một xu hướng đáng chú ý khác mà bà Hằng nói đến là sự trở lại của sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài. Họ phải thay đổi kế hoạch của mình sau đại dịch, nhiều người thấy cha mẹ của họ đầu tư và quyết định tìm hiểu về thị trường. 

"Việc mua vào các quỹ tương hỗ và đầu tư trực tiếp cũng có thể thực hiện qua các công ty FinTech tại Việt Nam. Những công ty này đã mở ra cơ hội tiếp cận cho các nhà đầu tư trẻ tuổi chỉ với số tiền đầu tư khiên tốn ban đầu. Bạn có thể bắt đầu đầu tư với số tiền dưới 100 USD, thậm chí thấp nhất 2 USD tương đương giá cốc cà phê. Giới trẻ ngày nay đang nhanh chóng tìm hiểu về thị trường và thậm chí lập kế hoạch tài chính và phân bổ tài sản ngay từ đầu. Trong tương lai, đó thực sự sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy thị trường quản lý tài sản phát triển tại Việt Nam", bà nói. 

Bà Hằng cũng nhận xét về cách các thị trường có thể phát triển trong tương lai. Bà đồng ý giáo dục là ưu tiên hàng đầu và nói thêm rằng sự xuất hiện của các công ty fintech giúp cải thiện khả năng tiếp cận và nâng cao nhận thức.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi và các công ty quản lý tài sản khác tại Việt Nam đã thực sự làm rất tốt việc nâng cao trình độ và kiến thức thị trường cho các khách hàng và đối tác". 

Đón đầu xu hướng là bí quyết cạnh tranh 

Bà Hằng cũng nhận xét về môi trường cạnh tranh giữa các nhà quản lý tài sản. Bà lưu ý rằng việc đổi mới và hướng tới mục tiêu là người dẫn đầu là lợi thế chính của SSIAM. 

Bà giải thích: "Hiểu thị trường, đón đầu các xu hướng chính của nhu cầu cả trong và ngoài nước là những kỹ năng quan trọng. Yếu tố còn lại là hiệu suất vì nếu chúng tôi có thể giúp các nhà đầu tư thực hiện điều đó, họ sẽ gắn bó với chúng tôi. Cuối cùng, chất lượng của các dịch vụ chúng tôi cung cấp và phạm vi cung cấp, bao gồm thu nhập cố định, vốn chủ sở hữu và đầu tư thay thế (alternative investment). Nói tóm lại, chúng tôi cần cung cấp đầy đủ các phân bổ tài sản, chiến lược lập kế hoạch tài chính và cung cấp với chất lượng phù hợp". 

Cuộc hành trình mới chỉ bắt đầu

Theo bà Hằng, ưu tiên bây giờ của công ty làm tiếp tục phát triển AUM để nắm bắt mức độ tăng trưởng của thị trường ngày càng rộng mở. 

"Với khoảng 100 triệu dân và 3,5% nhà đầu tư trong số đó, rõ rằng tiềm năng tăng trưởng là rất lớn. Việc quản lý tài sản mới dừng lại ở giai đoạn đầu tại Việt Nam, vì vậy nếu chúng ta có thể duy trì tiến độ này, chúng ta có thể tiếp tục giáo dục tầng lớp trung lưu đang phát triển. Chúng ta có thể giúp họ nhìn nhận dài hạn và hoạch định tương lai tài chính của họ. Nếu chúng ta có thể kết nối với các thế hệ trẻ, tương lai màu hồng sẽ ở phía trước". 

*Hubbis: Công ty truyền thông trong ngành Quản lý Tài sản

Đông A

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên