CEO Sungroup chia sẻ kinh nghiệm "vượt bão" để bùng nổ sau dịch Covid-19
Không nằm ngoài vòng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, Sun Group cũng phải đối mặt vô vàn khó khăn. Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (TGĐ) Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ với chúng tôi những bí kíp để Tập đoàn du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam "vượt bão".
Thưa bà, lượng khách đến các khu nghỉ dưỡng của Sungroup sau dịch Covid-19 thế nào?
Hiện nay, sau thời gian mở cửa trở lại, lượng khách đến các khu vui chơi, khu du lịch do Sun Group vận hành chỉ đạt 20-30% so với cùng kỳ năm 2019 và chủ yếu vẫn là khách nội địa.
Ước tính hết tháng 5, lượng khách đến với các khu du lịch, vui chơi của chúng tôi sụt giảm khoảng 3 triệu khách, ước tính hết năm 2020 doanh thu chỉ đạt khoảng 70-80% so với cùng kỳ 2019, dự kiến đạt 70% so với kế hoạch kinh doanh của năm 2020.
Ngay cả khi các điểm du lịch của Sun Group đã bắt đầu hoạt động trở lại, chúng tôi cũng vẫn chưa thể vận hành hết công suất. Do đó, các nhân sự hiện vẫn đang được bố trí làm việc luân phiên. Đây là điều trăn trở của Sun Group trong giai đoạn hậu Covid-19.
Thưa bà, trong thời gian đóng cửa các khu du lịch do dịch Covid-19, các khu nghỉ dưỡng của Sungroup có "ngủ đông" hoàn toàn không?
Ngay từ khi đại dịch diễn ra và gây thiệt hại lớn cho công việc kinh doanh, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch ứng phó và phục hồi sau đại dịch. Cũng tôi tranh thủ quãng thời gian này để "thay đổi diện mạo" cho các khu du lịch Sun World, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn trên toàn quốc.
Ngưng đón khách nhưng các Sun World và các khách sạn, resort vẫn duy trì các hoạt động quan trọng hàng ngày như chăm sóc cây xanh, chỉnh trang, làm mới nhiều hạng mục cảnh quan, trồng thêm các loài hoa mới, bảo trì hệ thống cáp treo và các trò chơi…, chuẩn bị các chiến dịch kích cầu ngay để sẵn sàng đón khách trở lại, đem tới cho du khách những bất ngờ, mới mẻ.
Thung lũng hoa hồng thuộc khu du lịch Sun World Fansipan Legend tại Sa Pa vừa được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục "Thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam".
Những sản phẩm du lịch mới mẻ, bất ngờ đó là gì thưa bà?
Mặc dù lượng khách đến với các KDL chưa đông và chủ yếu là khách nội địa, giảm đến 70-80% so với cùng kỳ năm ngoái, song bước đầu, sự trở lại này đã tạo tâm lý hào hứng cho du khách, góp phần hâm nóng thị trường du lịch vốn bị tê liệt trong suốt thời gian qua.
Trong hai ngày 22-23/5 vừa qua, chúng tôi đã cho ra mắt hai sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hứa hẹn sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch nội địa bứt phá trong thời gian tới. Đó là thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam đã được Kỷ lục Việt Nam ghi nhận tại Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai) và giai đoạn I khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật đầu tiên của Việt Nam - Yoko Onsen Quang Hanh - tại thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ đưa vào vận hành tuyến cáp treo 3 dây vượt biển Cát Hải – Phù Long trong hệ thống cáp treo Cát Bà (Hải Phòng), đồng thời một tuyến cáp treo mới cũng sẽ sớm được ra mắt tại Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng).
Ngoài việc nỗ lực cho ra mắt những sản phẩm, công trình du lịch mới, Sun Group cũng tích cực phối hợp với các địa phương, hiệp hội du lịch các địa phương để tham gia các chương trình kích cầu quy mô lớn tại Sa Pa (Lào Cai), Quảng Ninh, Đà Nẵng…
Thách thức và khó khăn đi qua cũng mang tới nhiều bài học đắt giá và những cơ hội mới. Với Sun Group, cơ hội đó là gì, thưa bà?
Giai đoạn "ngủ đông" của Sun Group vẫn diễn ra như một quy luật tất yếu khó tránh khỏi trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng nó đã trở thành giai đoạn đầy ý nghĩa đối với từng cá nhân và với cả Tập đoàn. Đây cũng là quãng thời gian Sun Group tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn bị ra mắt hàng loạt dự án, sản phẩm du lịch mới, đón đầu giai đoạn du lịch bùng nổ sau dịch Covid-19.
Với các kế hoạch chủ động và luôn sẵn sàng của doanh nghiệp, cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời của Chính phủ và các Bộ ngành, chúng tôi tin rằng Sun Group sẽ phục hồi đà tăng trưởng, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam "hồi sinh" và bùng nổ với nhiều kết quả đáng khích lệ thời kỳ hậu Covid-19.
Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật đầu tiên của Việt Nam - Yoko Onsen Quang Hanh - tại thành phố Cẩm Phả.
Để thúc đẩy phát triển du lịch nội địa trong thời điểm này, theo bà chúng ta cần làm gì?
Vừa qua, TCDL phối hợp cùng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã tổ chức Hội nghị "Các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và Phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19". Rất nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị đã được lãnh đạo ngành, các chuyên gia, cũng như đại diện Doanh nghiệp đưa ra.
Về phía Sun Group, chúng tôi cũng xin có thêm một số kiến nghị toàn ngành cần nỗ lực vào cuộc, chung tay đoàn kết để đưa ra những sản phẩm du lịch kích cầu tối ưu nhất cho du khách: Giá rẻ nhất; chất lượng tốt nhất; địa điểm hấp dẫn nhất.... trong vòng ít nhất 2 tháng để kích thích du khách đi du lịch, kích thích chi tiêu. Do ảnh hưởng của Covid-19, thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng và sẽ phải cân nhắc kỹ càng trước khi du lịch. Do vậy việc đưa ra những gói kích cầu có mức giá hấp dẫn là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, mỗi điểm đến cần phải có được sản phẩm/dịch vụ mới hoàn toàn, để thôi thúc du khách nội địa quay trở lại chứ không chỉ đơn giản là đưa ra giá ưu đãi...Việc làm mới các điểm đến cần có sự vào cuộc từ chính quyền địa phương để nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch…
Ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới, đề xuất Bộ VHTTDL triển khai chương trình quảng bá "Việt Nam - Điểm đến an toàn" quy mô lớn như đã lên kế hoạch trước đó, để tạo ấn tượng cho du khách quốc tế về một Việt Nam hấp dẫn, an toàn, thân thiện đang chào đón họ trở lại.
Xin cám ơn bà!