CEO Tencent Pony Ma: Vị tỷ phú kín tiếng quyền lực bậc nhất giới công nghệ Trung Quốc
Tỷ phú Pony Ma (Mã Tử Đằng) dẫn dắt Tencent từ 'vua đạo nhái' trở thành 'ông trùm' công nghệ quyền lực bậc nhất Trung Quốc, nổi bật là 'siêu ứng dụng' WeChat.
- 22-11-2022Xác thực vân tay giải quyết thủ tục BHXH, BHYT: Bước tiến dài trong chuyển đổi số của ngành BHXH
- 22-11-2022CNBC: Dịch vụ của FTX đang được sử dụng để rửa tiền điện tử bị đánh cắp được từ chính FTX
- 22-11-2022Gia tăng số vụ lừa đảo qua mạng nhắm vào người dùng các dịch vụ tài chính
Các ứng dụng nhắn tin và thanh toán di động như QQ và WeChat của Tencent Holdings (Tencent) đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc. Tầm ảnh hưởng của tập đoàn này cũng vươn ra khỏi quốc gia tỷ dân, với vị thế là một trong 3 công ty game có vốn hóa thị trường cao nhất thế giới, chỉ sau Microsoft và Sony.
Có lẽ khi mới thành lập Tencent, ngay cả nhà sáng lập Ma Huateng (Mã Tử Đằng) cũng không ngờ rằng nó lại trở thành công ty Internet phi thường như ngày nay.
Theo Forbes, Ma Huateng hiện đang đứng thứ 34 trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới và là người giàu thứ 4 Trung Quốc với giá trị tài sản ròng đạt 37,2 tỉ USD.
Sinh năm 1971 tại Quảng Đông, Trung Quốc, Ma Huateng sử dụng từ "Pony" làm tên tiếng Anh cho mình, phỏng theo chính họ của gia đình ông ("Mã" trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là ngựa).
Thời niên thiếu, gia đình Pony Ma từng chuyển chỗ ở nhiều lần do bố phải đi khắp nơi để mưu sinh. Sau này, gia đình ông an cư tại Thâm Quyến.
Tài sản ròng của Ma Huateng - nhà sáng lập, CEO Tencent Holdings (Nguồn: Forbes) Hành trình xây dựng 'đế chế' Tencent
Sau khi tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến với tấm bằng khoa học máy tính, ông tìm được công việc phát triển phần mềm cho máy nhắn tin. Công việc này mang lại khoản thu nhập 176 USD/tháng cho chàng thanh niên trẻ Ponny Ma, đồng thời giúp ông tiếp cận với máy tính và internet ở thời điểm chỉ 1% dân số Trung Quốc biết đến những công nghệ này.
Nhận thấy thị trường đang cần một dịch vụ tin nhắn qua Internet riêng, Ma cùng ba người bạn đã thành lập Tencent vào năm 1998 với số vốn 120.000 USD có được nhờ chơi chứng khoán.
Họ đã tạo ra một dịch vụ giống như AOL Instant Messenger có tên là OICQ, sau đổi tên thành QQ, kết nối trên máy tính để bàn và điện thoại di động của người dùng.
Trong vòng 1 năm đầu, Tencent cho phép người dùng tải xuống miễn phí, đồng thời chỉ kiếm tiền thông qua quảng cáo và phí hàng tháng với người dùng cao cấp. Điều này ngay lập tức thu hút hàng triệu khách hàng trẻ tuổi nhưng cũng để lộ ra "lỗ hổng" của Tencent.
Hệ thống máy chủ của công ty không đủ lớn để cung cấp không gian hoạt động cho ứng dụng. Pony Ma đã định bán lại ứng dụng này chỉ với giá 42.000 USD nhưng không có thỏa thuận nào đi đến hồi kết.
Đến năm 2001, công ty đã huy động được hơn 32 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Được "tiếp thêm máu", Ma phát triển thêm nhiều dịch vụ khác, từ việc cho phép người dùng thanh toán một số dịch vụ thông qua ứng dụng, đến cho phép người dùng VIP điều chỉnh dịch vụ đi kèm.
Năm 2004, QQ trở thành ứng dụng nổi bật nhất Trung Quốc với khoảng 335 triệu người dùng, chiếm 74% thị trường. Cùng năm đó, cổ phiếu của Tencent chính thức được niêm yết thành công tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Với giá chào bán trên mỗi cổ phiếu ở mức 3,7 USD/cp, số tiền Tencent thu được vào khoảng 180 triệu USD.
Đến thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, mảng PC có dấu hiệu chững lại và di động nổi lên, Ma cho ra mắt ứng dụng Wechat dành riêng cho thiết bị di động dưới dạng một thực thể riêng biệt với QQ. Kể từ đó, ứng dụng này được mệnh danh là "ứng dụng thống trị tất cả".
"Siêu ứng dụng" Wechat của Tencent - ứng dụng thống trị tất cả
Wechat thường được so sánh với Facebook vì tính phổ biến của nó ở Trung Quốc. Song, theo CNBC, hình thức "siêu ứng dụng" của Wechat đã đi xa hơn nhiều so với Facebook khi có hơn 1 tỉ người dùng. Ứng dụng này cung cấp các tính năng như gọi điện, nhắn tin, chơi game, gửi tiền, mua hàng, thanh toán hóa đơn, gọi xe hay thậm chí hẹn hò online.
Bên cạnh Wechat, "gã khổng lồ" công nghệ xứ Trung cũng mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác như nhà cung cấp đám mây, liên doanh trí tuệ nhân tạo và giải trí. Tập đoàn của Ma cũng là chủ sở hữu của một số tựa game nổi tiếng như "Clash of Clans" hay "Honors of Kings". Mảng kinh doanh này đóng góp 10 tỉ USD vào doanh thu của Tencent trong năm 2016.
Mặt khác, Tencent cũng đầu tư vào một loạt các công ty phương Tây, kể như việc sở hữu 5% cổ phần Tesla, 10% cổ phần của Snap và 10% cổ phần của Spotify.
Năm 2017, Tencent đã trở thành công ty công nghệ châu Á đầu tiên được định giá hơn 500 tỉ USD và là công ty đại chúng có giá trị nhất châu Á thời điểm đó.
Ở thị trường Trung Quốc, người ta thường thấy cuộc đối đầu giữa hai "ông lớn" thương mại điện tử là Alibaba và Tencent khi cùng lúc nỗ lực bành trướng thị phần ở trong nước và nước ngoài.
Hai công ty đều cạnh tranh để giành quyền thống trị lĩnh vực thanh toán di động trị giá hàng nghìn tỉ USD của quốc gia đông dân nhất thế giới thông qua các dịch vụ như Ten Pay và Alipay.
Không ít ý kiến cho rằng, thành công của Tencent phần lớn nhờ vào đặc điểm bất thường của thị trường trong nước - nơi các ứng dụng phương Tây khó có thể chen chân vào. Song, cũng có quan điểm cho rằng, người có thể làm hài lòng tới 89% người dùng di động tại Trung Quốc phải là thiên tài chiến lược và Pony Ma là một trong số những người như vậy./.
Nguồn tham khảo: CNBC, Forbes
VietTimes