CEO Thép Nam Kim (NKG): Giá thép tăng mạnh thì chắc chắn phải giảm, Công ty đã chốt giá bán đến hết quý 3/2021 và tăng quản trị rủi ro
Theo Thép Nam Kim (NKG), nhìn về dài hạn, nguồn cung chắc chắn tiếp tục tăng do nhu cầu tăng, nhiều thị trường đang thiếu nguồn cung lớn. Đây cũng là giai đoạn khôi phục lại nhu cầu và thị trường thép, ông Vũ nói. Dự báo cho năm 2021 đến năm 2023, thì nền kinh tế chắc chắn sẽ hồi phục, giá thép sẽ tăng theo tương ứng.
Sáng ngày 24/4/2021, Thép Nam Kim (NKG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021, thông qua kế hoạch kế hoạch doanh thu tăng 37,76% và lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi so với thực hiện năm 2021.
Chi tiết, tổng sản lượng năm nay dự đạt 900.000 tấn, tăng 28%; tổng doanh thu 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng. Công ty dự chia cổ tức 2021 tối đa 10% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Năm 2020, NKG đạt 11.614 tỷ doanh thu, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên LNST đạt 295 tỷ - cao gấp 6,3 lần so với năm 2019. NKG đang dần ghi nhận những dấu hiệu tích cực sau nhiều năm quyết liệt tái cấu trúc, đặc biệt là không còn băn khoăn về áp lực dòng tiền.
Với kết quả đạt được, HĐQT trình cổ tức đợt cuối năm 2020 tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu. Ngoài ra, HĐQT trình phương án thưởng cổ phiếu tỷ lệ 13%. Tổng tỷ lệ cổ tức và thưởng là 20% bằng cổ phiếu. Tương ứng, Công ty sẽ phát hành tối đa 1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), không bị hạn chế quyền chuyển nhượng với giá 10.000 đồng/cp, trong đó không phân phối cho Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám Đốc.
Chỉ tiêu tương đối thận trọng, nếu thị trường tăng tốt doanh thu 2021 có thể đạt đến 19.000 tỷ đồng
Chia sẻ tại đại hội, ông Vũ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc cho biết kế hoạch xây dựng đầu năm, thời điểm giá thép thấp hơn nhiều nên doanh thu thực tế năm nay có thể đạt 19.000 tỷ đồng. Tính từ đầu quý 4/2020 đến nay thì giá thép đã tăng gấp đôi, CEO nhấn mạnh.
Mặt khác, theo ban lãnh đạo, kế hoạch trên được đặt ra trên quan điểm thận trọng, bởi giá có tăng thì có giảm, chắc chắn! Quan trọng là quản trị rủi ro như thế nào, đại diện Công ty đặt vấn đề. Công ty theo đó đã sớm xây dựng dòng vốn hoạt động cho cả năm, dự phòng được sự biến động của giá. Hiện, NKG đang làm việc với các ngân hàng để tăng hạn mức, bởi khi giá tăng thì tiền mua nguyên vật liệu cũng tăng, chưa kể sản lượng đang đẩy tăng 40%.
Kết thúc quý 1/2021, NKG tiếp tục tăng trưởng mạnh trước sự thuận lợi của thị trường. Ghi nhận, doanh thu trong kỳ Công ty đạt 4.861 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số 2.459 tỷ cùng kỳ năm 2020. Trong kỳ, Công ty sản xuất 244.301 tấn, tiêu thụ 240.072 tấn. Lượng xuất khẩu cao kỷ lục với 151.992 tấn, các thị trường chủ lực hiện nay gồm các nước châu Âu và Mỹ.
Khấu trừ chi phí, NKG thu về gần 319 tỷ lãi ròng, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý của Công ty từ trước đến nay.
Chia sẻ bên lề Đại hội về giá thép đang tăng cao, ông Vũ không phủ nhận dĩ nhiên tăng cao quá sẽ có giảm. "Nói về dự báo giá thép thì rất khó để nói. Riêng NKG cũng đã có những kế hoạch quản trị rủi ro chặt chẽ. Tính đến nay, đầu ra Công ty đã chốt giá bán đến hết quý 3/2021", vị này nói thêm.
Về chiến lược đầu tư mở rộng, năm 2020 NKG có bắt đầu tiếp cận thị trường miền Trung. Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo, hiện thị trường miền Nam đang tăng trưởng khá tốt, do đó NKG chủ trương tập trung khai thác. "Nếu phát triển song song miền Trung sẽ không đủ nguồn lực, do đó trước mắt NKG tập trung cho thị trường phía trong", ông Vũ cho hay.
Thảo luận tại Đại hội
1. Giá nguyên liệu HRC tăng mạnh, NKG có bị thiệt hại hay không và đang quản lý rủi ro như thế nào?
CEO Vũ: Thực tế, tình hình kinh doanh liên quan đến thép đang rất thuận lợi, nhưng đằng sau đó ai cũng lo về xu hướng giá. Hiện khi giá nguyên liệu tăng, NKG có 2 thị trường là xuất khẩu và nội địa. Trong đó,
+ Về xuất khẩu, khi HRC tăng thì chi phí tăng sẽ truyền tải hết vào giá bán. Hiện, NKG xác định kỳ hạn bán và mua khớp nhau, do đó chi phí tăng tương ứng sẽ truyền tải ngay tức thời vào giá bán.
Nói thêm về xuất khẩu, lãnh đạo NKG cho biết các thị trường châu Âu, Mỹ nhu cầu đang khá tốt. Trong khi đó, giá tại các thị trường này còn chênh lệch khá lớn so với giá tại châu Á, do đó NKG có thể chuyển tức thời giá nguyên liệu tăng vào giá bán.
+ Về thị trường nội địa, có một độ trễ nhất định tuy nhiên không quá chênh lệch, NKG vẫn đang kiểm soát tương đối tốt.
2. Mua lại kho bãi có lợi gì cho NKG?
Ông Vũ cho biết, NKG đang tăng tối đa năng lực sản xuất nhà máy tôn mạ và nhà máy thực tế đang quá tải, theo đó NKG chỉ có thể cố gắng 1-2 tháng. Về lâu dài, Công ty cần phải sắp xếp lại và sẽ di dời một số khâu ra để nhà máy tôn mạ chỉ sản xuất.
Mặt khác, thời gian tới NKG cũng xác định dịch vụ Logistic, kho bãi cực kỳ quan trọng, do đó sẽ cần một diện tích mới để triển khai.
Ghi nhận mới đây, HĐQT cũng vừa thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng từ Dae Myung Chemical Co. Ltd toàn bộ 100% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Dae Myung Paper Việt Nam. Theo NKG, mục đích mua lại Dae Myung Paper Việt Nam nhằm sử dụng đất để làm kho và phân xưởng ống thép theo kế hoạch đã được thông qua năm 2020, vốn thực hiện ghi nhận khoảng 250 tỷ đồng.
3. Dự báo giá thép?
Nhìn lại 2020-2021, thị trường có rất nhiều thay đổi và diễn biến bất ngờ. Trong đó, giá thép thời gian gần đây tăng liên tục, nguyên nhân theo NKG do thiếu cung. Và nhìn về dài hạn, nguồn cung chắc chắn tiếp tục tăng do nhu cầu tăng, nhiều thị trường đang thiếu nguồn cung lớn. Đây cũng là giai đoạn khôi phục lại nhu cầu và thị trường thép, ông Vũ nói. Dự báo cho năm 2021 đến năm 2023, thì nền kinh tế chắc chắn sẽ hồi phục, giá thép sẽ tăng theo tương ứng.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị