MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO TikTok nói cứng, quyết giành quyền tồn tại

25-04-2024 - 14:14 PM | Tài chính quốc tế

Giám đốc điều hành (CEO) TikTok Shou Zi Chew hôm 24-4 cho biết công ty sẽ nộp đơn kiện ra tòa với nỗ lực duy trì hoạt động trực tuyến tại Mỹ.

Sau khi Tổng thống Joe Biden ký luật liên quan đến TikTok hôm 24-4 (giờ địa phương), trong một video đăng trên tài khoản chính của TikTok, ông Chew nhấn mạnh: "Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Chúng tôi tự tin và sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của các bạn tại tòa án. Sự thật và Hiến pháp Mỹ đứng về phía chúng tôi và chúng tôi hy vọng sẽ thắng thế".

CEO TikTok Shou Zi Chew. Ảnh: Reuters

CEO TikTok Shou Zi Chew. Ảnh: Reuters

Đạo luật vừa được ông Biden thông qua cho phép TikTok có 9 tháng để thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc hoặc bị cấm tại thị trường Mỹ. Theo đạo luật, ByteDance sẽ phải bán ứng dụng hoặc TikTok bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Mỹ.

Video của ông Chew nhanh chóng nhận được khoảng 176.000 lượt thích sau khoảng một giờ đăng tải. Theo đài NBC, TikTok đã từng thắng kiện. Vào năm 2020, một thẩm phán liên bang đã ngăn chặn nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm cấm TikTok ở Mỹ, phán quyết cho rằng sắc lệnh của ông Trump khi đó là "tùy tiện và thất thường".

Cuộc tranh luận về tương lai của TikTok không chỉ liên quan đến quyền tự do ngôn luận trực tuyến và tương lai của mạng xã hội mà còn về cách người Mỹ nghĩ về bảo mật dữ liệu và ai là người quyết định những gì họ xem trực tuyến.

Những người ủng hộ lệnh cấm cho rằng thông tin cá nhân của người dùng Mỹ không an toàn vì ứng dụng này thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc, điều mà các nhà quan sát cho rằng sẽ cho phép Trung Quốc do thám người dùng. Những người ủng hộ lệnh cấm cũng lập luận rằng Trung Quốc có thể gây áp lực buộc công ty phải thao túng những gì người dùng nhìn thấy nhằm thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

TikTok nói rằng họ đang nỗ lực giảm bớt những lo ngại về bảo mật bằng cách lưu trữ dữ liệu ở Mỹ và cho rằng những lo ngại về tuyên truyền là vô căn cứ.

Đạo luật trên bị trì hoãn 9 tháng đồng nghĩa với việc lệnh cấm có thể có hiệu lực sớm nhất là vào tháng 1-2025. Khi đó là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tức là hàng triệu người dùng TikTok có thể vẫn là một lực lượng có sức ảnh hưởng trong chiến dịch tranh cử. Đạo luật cũng cho phép tổng thống gia hạn một lần thêm 90 ngày trong thời hạn 9 tháng.

TikTok cho biết họ có 170 triệu người dùng ở Mỹ, chiếm khoảng một nửa dân số nước này, dù không phải tất cả họ đều là người dùng ứng dụng thường xuyên.

Trong video đăng tải, ông Chew cũng bác bỏ khả năng bán lại, đồng thời kêu gọi người dùng và các nhà quảng cáo tập hợp lại để bảo vệ nền tảng bằng cách nói về cách họ sử dụng TikTok.

Theo Xuân Mai

Người lao động

Trở lên trên