MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO TPBank: “Kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm”

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB)

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB)

Dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới cũng như một số các tổ chức uy tín khác, kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng trưởng cao hơn với tỷ lệ khoảng từ 6,9-7,5%, CEO TPBank cho rằng tình hình sắp tới có thể tốt hơn bây giờ.

Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá một doanh nghiệp hay một ngân hàng hoạt động tốt và hiệu quả thì công tác quản trị rủi ro luôn được chú trọng và với chi phí cho rủi ro thấp. Chính vì vậy, việc quản trị rủi ro đang ngày càng được chú trọng hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường và nền kinh tế vẫn đang chịu các sức ép đến từ bên ngoài như kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, lãi suất tăng và các rủi ro liên quan đến chính trị ở nhiều quốc gia, qua đó giúp nâng cao chất lượng thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư.

BTV Mùi Khánh Ly: Dù kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt nhưng vẫn còn sức ép đến từ bên ngoài như các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, lãi suất tăng... Theo ông, những thách thức mà các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt là gì?

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB): Thực tế, chúng ta vừa ra khỏi đại dịch và các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi. Có một số ngành trong đại dịch có phát triển nhưng khá nhiều ngành bị ảnh hưởng. Do vậy các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực rất nhiều, chưa kể các biến cố và biến động trên thị trường và thế giới ảnh hưởng đến các hoạt động của nền kinh tế trong nước cũng như của các doanh nghiệp.

Ví dụ như lạm phát trên thế giới biến động, đồng USD lên giá mạnh, lãi suất FED tăng trong những tháng gần đây lên rất cao và những vấn đề địa chính trị khiến cho giá cả của hàng hóa, vật tư, nhiên liệu đều tăng lên, gây sức ép nhất định lên lạm phát trong nước, dẫn đến những biện pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát lạm phát nhằm đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra. Đó là cả một chuỗi các sự kiện xảy ra và sẽ có những ảnh hưởng, gây khó khăn thêm cho các doanh nghiệp và ngân hàng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hy vọng các tháng cuối năm tình hình sẽ tốt lên bởi theo Ngân hàng Thế giới cũng như một số các tổ chức uy tín khác, kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng trưởng cao hơn với tỷ lệ khoảng từ 6,9-7,5%. Tôi nghĩ tình hình sắp tới có thể sẽ tốt hơn so với bây giờ.

Về phía ngân hàng đang đứng ở hai vai, vừa là các doanh nghiệp vay vốn, vừa là doanh nghiệp niêm yết, việc quản trị rủi ro sẽ như thế nào?

Ngân hàng là một ngành kinh doanh rủi ro, nên việc quản trị rủi ro là hết sức quan trọng. Đối với ngân hàng thì có khá nhiều loại rủi ro. Đối với khách hàng, các rủi ro như khách hàng vay không trả được nợ, đó là rủi ro tín dụng. Nhưng ngân hàng còn phải đối mặt với rất nhiều các rủi ro khác, các rủi ro trong vận hành đảm bảo hoạt động liên tục, rủi ro đối với các hệ thống công nghệ thông tin, đối với các vấn đề về an ninh, bảo mật và các vấn đề rủi ro về thị trường rất lớn.

Trong danh mục đầu tư của ngân hàng không chỉ cho vay mà còn có rất nhiều các danh mục đầu tư khác, các biến động của lãi suất, của tỷ giá đều có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ví dụ, trong thời gian vừa qua lãi suất biến động nhiều như thế, tỉ giá thay đổi nhiều, nếu như không có những công cụ, không có cách quản trị đúng sẽ dễ dẫn đến thiệt hại. Đối với ngân hàng, chúng tôi cho vay đến hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu khách hàng.

Ngoài ra, ngân hàng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ và các hệ thống đấy phục vụ trực tuyến hàng ngày, mỗi một giây có đến hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn giao dịch thì việc đảm bảo an toàn cho hoạt động liên tục của ngân hàng rất là quan trọng. Tôi nghĩ rằng ngân hàng rất phải chú trọng đến quản trị rủi ro và quản trị rủi ro tốt là bí quyết thành công của bất kỳ tổ chức nào.

Chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích, hiện nay ngân hàng chúng tôi có đến 95% số giao dịch được thực hiện trên kênh số, chỉ còn có 5% là thực hiện trên các kênh tại các quầy, các chi nhánh, các điểm giao dịch. Nhưng đi kèm với lợi ích thì chúng ta sẽ phải đối mặt với những rủi ro nhất định, nhất là những rủi ro về an ninh, an toàn, các vấn đề về bảo mật, các sự cố, các lỗi trong vận hành, trong lập trình, chỉ cần một giây thôi là đã có vài chục nghìn khách hàng bị ảnh hưởng.

Do vậy hệ thống của ngân hàng phải luôn luôn sẵn sàng để đảm bảo tính liên tục, chúng tôi gọi là chương trình đảm bảo vận hành liên tục Business Continuity Program.

Trong hai năm đại dịch vừa rồi chương trình đảm bảo hoạt động liên tục chưa bao giờ đặt ra một mức độ khắc nghiệt đến như vậy. Nhưng ngân hàng vẫn vượt qua được và 2 năm đại dịch lại cũng là hai năm rất thăng hoa của ngành ngân hàng nói chung. Để đảm bảo được việc đấy, chúng tôi phải đầu tư cả về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin rất mạnh, có những kế hoạch và các kịch bản để phòng ngừa được các rủi ro vận hành.

Ngành ngân hàng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có những chuẩn mực quản trị rủi ro nhất định mà ngân hàng bắt buộc phải theo khá phức tạp và để tuân thủ được cũng không đơn giản. Chẳng hạn như tại thị trường Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có quy định một số theo chuẩn mực Basel II. Hiện nay mới có một số ngân hàng đạt được chuẩn mực đấy.

Ở ngân hàng chúng tôi sớm nhận thấy tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro nên đã tiến hành trước và đến giờ đã tuân thủ hoàn toàn chuẩn mực Basel III, cao hơn một bậc so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước ở tại thời điểm hiện tại. Việc tuân thủ như vậy đòi hỏi các ngân hàng phải chuẩn bị một năng lực, một tiềm lực tài chính lớn để làm đệm đỡ khi xảy ra rủi ro.

Ngoài ra, ngân hàng cũng có hệ thống đánh giá của các tổ chức quốc tế độc lập, như S&P, Moody’s là tổ chức xếp hạng, đánh giá một số các ngân hàng.

CEO TPBank: “Kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm” - Ảnh 1.

Ngay cả trong ngành ngân hàng thì Ngân hàng nhà nước cũng có một hệ thống xếp hạng riêng. Ngân hàng Nhà nước có các thông tư như Thông tư 52, Thông tư 23 sửa đổi liên quan đến việc đánh giá theo mô hình Camels, đánh giá mọi mặt của các ngân hàng, liên quan đến cả vấn đề về khả năng tiềm lực tài chính, quản trị, điều hành rủi ro, hiệu quả hoạt động và rất nhiều các yếu tố khác.

Với những quy định như vậy, không chỉ trong nước mà cả quốc tế thì ngân hàng phải tự thiết lập một bộ máy quản trị rủi ro từ dưới cơ sở lên đến đầu não là hội sở chính để quản trị tất cả các rủi ro trên. Chúng ta biết rằng là rủi ro thì luôn có khả năng xảy ra. Nếu quản trị tốt sẽ hạn chế được và chi phí rủi ro sẽ thấp nhất và như vậy mới tối đa hóa được hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Áp lực lớn kiểm soát lạm phát

Trước những áp lực từ kinh tế toàn cầu thì việc mở thêm "van" tín dụng, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp cũng đang rất được các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm, ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Năm nay, mọi người bên ngoài ngành quan tâm và biết đến nhiều hơn về "room" tín dụng, bởi nó có một số yếu tố. Các năm trước trong quý I, tín dụng chỉ tăng khoảng 3-4% nhưng riêng quý I và quý II của năm 2022 cả thị trường đã tăng lên hai con số. Như năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước trong quý I chỉ cấp cho các ngân hàng bình quân khoảng 4-5% nhưng không thấy ngân hàng nào hoặc khách hàng nào phản ánh thiếu "room" tín dụng. Bởi vì thường quý I gọi là vùng trũng, có Tết Nguyên Đán rồi đến tháng Giêng là tháng ăn chơi, có nhiều khách hàng chưa làm việc ngay hoặc "kiêng" vay tiền đầu năm. Nhưng năm nay tăng trưởng nhanh quá nên mới hết room và Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt về mặt room tín dụng, bình quân trong các tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ khoảng 10% trong định hướng cả ngành ngân hàng về tăng trưởng tín dụng là 14% với năm nay.

Như vậy sẽ còn khoảng 4% nữa Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ vào cuối năm, cho nên trước sau gì cũng sẽ được phân bổ tiếp.

Một kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp đó là trái phiếu doanh nghiệp nhưng sau một số các sự cố trong nửa đầu năm nay thì kênh đó hiện nay đang "đình đốn" và bây giờ tất cả mọi nguồn vốn dồn hết vào kênh tín dụng. Một yếu tố nữa là việc lãi suất, vấn đề giá cả tăng lên, lạm phát do chi phí đẩy do các chi phí tăng lên trong nền kinh tế. Như vậy cũng gây một áp lực rất lớn là kiểm soát lạm phát dưới 4%. Do vậy bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát dòng vốn tín dụng rất thận trọng.

Vậy việc quản trị rủi ro của ngân hàng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc được cấp thêm "room" tín dụng?

Ngân hàng Nhà nước có các tiêu chí để phân bổ "room" tín dụng cho từng ngân hàng. Năm ngoái, ngân hàng Tiên Phong cũng là ngân hàng được phân bổ room tín dụng cao nhất trong ngành. Ngân hàng Nhà nước sẽ dựa trên thứ nhất là hệ thống chấm điểm, xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước, nếu ngân hàng nào hoạt động tốt, thứ hạng điểm cao, rủi ro thấp, quản trị điều hành tốt…theo bộ tiêu chí chấm điểm đó sẽ được một tỷ lệ tốt hơn.

Thứ hai là liên quan đến câu chuyện các ngân hàng sử dụng tín dụng cho đúng với những định hướng về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước hay không.

Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến hỗ trợ cho việc lành mạnh và ổn định hệ thống tín dụng nói chung, các ngân hàng tham gia hỗ trợ những chương trình đó cũng có được tăng thêm room tín dụng. Thông thường những ngân hàng nào có chất lượng hoạt động tốt, ổn định, rủi ro thấp thì sẽ được một tỷ lệ phân bổ room tín dụng cao hơn và ngược lại.

Bên cạnh những nỗ lực từ các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết, thì với bối cảnh hiện nay, sẽ cần các giải pháp vĩ mô như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau dịch cũng như chống chọi lại những thách thức đến từ bên ngoài?

Chúng ta đều thấy rằng các cơ quan quản lý sẽ càng ngày càng kiểm soát thị trường tốt hơn và các quy định sẽ càng ngày càng chặt chẽ hơn. Các chuẩn mực quốc tế đang dần dần được áp dụng vào Việt Nam. Chẳng hạn như tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo Basel II, Basel III đã có rồi và thậm chí một số nước trên thế giới đã áp dụng Basel IV, chúng ta cũng sẽ phải tiến đến giai đoạn đó.

Ngoài ra, sắp tới theo lộ trình thì Bộ Tài Chính cũng yêu cầu nhất là các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải thực hiện theo chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS vào năm 2025. Chúng tôi đã tiến hành và để đảm bảo là ngân hàng có thể tuân thủ sớm chuẩn mực về IFRS và đi kèm cả Basel nữa. Các quy định của các hệ văn bản pháp quy của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ cũng sẽ chuẩn mực hơn trong tương lai, bởi vì hiện nay, các tổ chức quốc tế, Ngân hàng thế giới hay một số các tổ chức khác họ cũng đang hỗ trợ cho Chính phủ, cho Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai để dần dần đưa thị trường Việt Nam tiệm cận đến các chuẩn mực thế giới.

Do đó, những đơn vị nào, những tổ chức nào, những ngân hàng nào đi sớm thì sẽ có lợi thế hơn và Ngân hàng Nhà nước cũng đang khuyến khích những ngân hàng tuân thủ được các chuẩn mực quốc tế sớm. Chúng tôi cũng như tên của mình là Ngân hàng Tiên phong, cũng cố gắng là đi tiên phong để tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro.

Còn phía nhà đầu tư sẽ phải làm thế nào để lựa chọn được những ngân hàng có khả năng quản trị rủi ro tốt và hiệu quả?

Với một ngân hàng, chúng ta sẽ nhìn vào các tiêu chí như tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu thấp chứng tỏ rằng ngân hàng đấy đã quản trị rủi ro tốt. Thứ hai là tỷ lệ về quỹ dự phòng bao nợ xấu mà ngân hàng đã trích ra để đảm bảo rằng nếu sau này xảy ra nợ xấu thì quỹ đấy có thể dùng để bù đắp cho nợ xấu được. Nếu mà quỹ đó lớn hơn số nợ xấu thì chứng tỏ rằng ngân hàng đấy đã trích đủ dự phòng, đã có tiềm lực tài chính.

Ngoài ra nữa, còn có những đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế, tổ chức trong nước, hoặc được Ngân hàng Nhà nước công nhận là đã tuân thủ chuẩn mực về quản trị rủi ro, chuẩn mực về báo cáo tài chính theo quốc tế. Đây là những chỉ dấu cho thấy một tổ chức, một ngân hàng đang được quản trị tốt. Ngay cả cảm nhận của chúng ta khi giao dịch, kể cả trên kênh vật lý ở chi nhánh, các điểm giao dịch đến các kênh online mà thấy mọi thứ trơn tru, dịch vụ tốt thì cũng thể hiện rằng đơn vị đấy cũng đang được quản trị tốt.

Theo Cẩm Thạch

Nhịp Sống Kinh Doanh

Trở lên trên