Ngày 3/2, Chelsea Kohle, người phát ngôn của Uber, xác nhận, Kalanick đã rời nhóm cố vấn kinh doanh của ông Trump. Trước đó, bản thân ông Kalanick cũng cho biết việc tham gia nhóm cố vấn không có nghĩa là đồng tình với chương trình nghị sự của tổng thống hay những quyết sách của người đứng đầu chính phủ Mỹ. “Tuy nhiên, việc đó đã bị hiểu sai”, Kalanick trả lời Reuters qua thư điện tử.
Những người gây áp lực lên Kalanick, buộc ông phải rời khỏi vị trí cố vấn kinh doanh trong Chính quyền Trump là những tài xế Uber, trong đó có nhiều người là dân nhập cư. Trên mạng xã hội, hàng loạt chiến dịch truyền thông nhằm vào Uber và kêu gọi sử dụng sản phẩm của đối thủ Lyft Inc. Sự việc buộc Uber phải ra tay can thiệp.
Áp lực trên vai Kalanick tăng mạnh kể từ khi ông Trump ra lệnh cấm cửa tạm thời với người dân tới từ 7 quốc gia Hồi giáo, dẫn tới quyết định rút lui. Không chỉ CEO Uber, lãnh đạo các tập đoàn khác cũng phải chịu những áp lực tương tự. Sự ra đi của Kalanick cũng có thể báo hiệu một sự rạn nứt ngày càng tăng giữa các công ty công nghệ và Washington D.C.
Trước đó, các tập đoàn công nghệ danh tiếng như Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Apple hay Amazon.com cũng đã phản đối lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump bởi các hoạt động của họ dựa vào nguồn nhân công khắp thế giới.
Linh Anh
Theo Trí thức trẻ/Reuters