CEO Uber Travis Kalanick: Nỗi sợ hãi là căn bệnh ngăn cản bạn startup thành công
CEO trẻ tuổi của Uber từng nói "nỗi sợ hãi chính là một căn bệnh, thuốc giải cho căn bệnh này không gì khác mà chính là nghị lực".
Từng nhiều lần thất bại trên thương trường nhưng Travis Kalanick, nhà sáng lập của hãng Uber và thần tượng của biết bao bạn trẻ start-up, vẫn luôn bền bỉ đi theo niềm đam mê và con đường đã chọn.
Và dưới đây những học thành công mà chúng ta có thể rút ra từ vị doanh nhân này.
Là doanh nhân người Mỹ và một trong những đồng sáng lập của thương hiệu Uber, Travis Kalanick được tạp chí Fobes bình chọn là một trong 400 người Mỹ giàu nhất trong năm 2014 với tổng giá trị tài sản ước tính lên tới 6 tỉ đô.
Mỗi nhân vật thành đạt trên Thế giới đều có những bí quyết riêng cho chính mình. Vậy, bài học thành công mà chúng ta có thể rút ra từ doanh nhân Travis Kalanick và CEO của thương hiệu Uber nổi tiếng này là gì?
Hãy tìm niềm đam mê
Để thành công trong bất kỳ công việc mạo hiểm hay dự án kinh doanh liều lĩnh nào, thì niềm đam mê là một trong những nhân tố quyết định. Nếu niềm đam mê của bạn là thành lập một doanh nghiệp thì dù cho bạn khởi đầu doanh nghiệp của mình với quy mô nhỏ hay lớn thì bạn chắc chắn sẽ đạt tới đỉnh cao của thành công, bởi niềm đam mê chính là liều thuốc tinh thần giúp bạn vững tin, vững bước và vững hành động.
Không chỉ CEO của Uber, Mark Zuckerberg- ông chủ của Facebook trở thành nhà tỉ phú trẻ nhờ niềm đam mê công nghệ. Edison trở thành nhà phát minh vĩ đại nhờ lòng đam mê khoa học….Và còn vô số những tấm gương điển hình khác như Bill Gates, Ralph Lauren, Larry Page, Amancio Ortega, Elon Musk…
Hãy tìm ra vấn đề, đưa nhiều lựa chọn
Uber ra đời trên ý tưởng về tình trạng thiếu taxi tại Paris. Chính bằng cách tìm ra giải pháp và lựa chọn cho những vấn đề nhiều người đang gặp phải mà nhà sáng lập Travis đã nảy ra sáng kiến, bắt tay vào việc và biến Uber từ ý tưởng đến thành công vang dội.
Bài học cho chúng ta từ nhà lãnh đạo này đó là hãy tìm ra vấn đề, đưa nhiều lựa chọn cho khách hàng của bạn. Bất kỳ một khách hàng nào chi tiền khi đến “cửa tiệm” của bạn, họ không chỉ mua hàng mà còn mua cả sự hài lòng nữa. Khách hàng là những người trung thành với “sự tiện lợi và giá cả hợp lí”, hãy cho họ điều đó.
Học từ sai lầm
Một trong những lí do lớn nhất giải thích tại sao rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up, rơi vào thất bại là bởi họ mất động lực vì thất bại rồi bỏ cuộc. Hãy nhớ rằng, thất bại là một phần của cuộc sống. Giống như một đứa trẻ tập đi vậy, nếu không có những lần ngã rồi tự đứng lên tập đi tiếp thì trẻ có thể sẽ chẳng bao giờ biết đi cả.
Chẳng ai đã là chuyên gia khi mới bước vào nghề và kinh doanh cũng vậy. Muốn thành công bạn cần phải biết chấp nhận thất bại, học từ những sai lầm và dũng cảm tiến lên phía trước.
Đó chính là điều mà vị doanh nhân 40 tuổi này đã làm khi từng phải đối mặt với nhiều thất bại trong thương trường như vụ kiện trị giá nhiều tỷ đô của Scour – một dịch vụ tìm kiếm và chia sẻ file ngang hàng mà ông từng là đồng sáng lập; mâu thuẫn với đồng sáng lập Red Swoosh cùng nhiều vụ kiện tụng giữa Uber với các hãng taxi, các lái xe….
Nhận định tính quan trọng của vấn đề
Điều quan trọng là phải xác định tính quan trọng của vấn đề mà bạn đang cố tìm ra giải pháp. Độ khó của vấn đề càng lớn, giải quyết vấn đề càng linh hoạt và nhanh nhạy thì mức độ thành công và tác động tới tâm trí của khách hàng càng hiệu quả.
Travis Kalanick hiểu rõ điều này và luôn xác định mực độ quan trọng của vấn đề, tìm mọi cách để có được giải pháp tối ưu nhất và nỗ lực cứu vãn mọi tình thế.
Chúng ta có thể hiểu vì sao dù phải đối mặt với nhiều vụ kiện chất chồng mà Uber vẫn có thể chiếm được lòng tin của khách hàng để vươn mình tới hơn 70 quốc gia, trên 400 thành phố, khoảng 30 triệu người dùng mỗi tháng và con số này có lẽ vẫn sẽ còn tăng thêm nữa.
Khởi đầu từ bước nhỏ
Một đại dương được hình thành từ những giọt nước nhỏ. Một vận động viên điền kinh muốn được ghi tên trên bảng vàng danh dự phải nỗ lực từng bước chạy đều đặn mỗi ngày. Bạn muốn thành công trong kinh doanh hay trong cuộc sống, đừng ngại bắt đầu từ những điều nhỏ bé.
Khi được thành lập vào năm 2009, Uber chỉ gồm một đội 4 người làm việc trong một văn phòng nhỏ tại San Francisco. Nhưng với thời gian và nỗ lực bền bỉ, niềm đam mê và sự cống hiến không ngừng, ngày nay Uber đã trở thành một trong những doanh nghiệp start-up thành công nhất trên toàn Thế giới.
Hãy mang đến điều kỳ diệu
Rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp được lên kế hoạch xong lại biến mất một cách nhanh chóng. Bạn đừng quên rằng, điều khách hàng trông đợi chính là sự sáng tạo và đổi mới. Vì vậy, hãy làm điều gì đó mà khách hàng chưa từng tưởng tượng đến, đưa ra những ý tưởng có thể giúp họ kiếm tiền, tiết kiệm tiền hoặc cho họ giá trị xứng đáng với đồng tiền mà họ bỏ ra. Hãy khiến họ nói nhiều về bạn và ý tưởng tuyệt vời của bạn bởi đó chính là khi họ nhận được nguồn cảm hứng truyền đi từ bạn và là dấu hiệu của một sự thành công đầy hứa hẹn.
Chấp nhận rủi ro
Trong cuộc sống không có điều gì là dễ dàng và cũng chẳng có ai đảm bảo rằng bạn sẽ thành công trong tương lai cả. Điều quan trọng là bạn phải tin tưởng vào bản thân, xác định tính hiện thực của ý tưởng và dám chấp nhận rủi ro.
Nếu không nhờ bản lĩnh này, thì vị doanh nhân trẻ tuổi đã không thể biến ý tưởng Uber thành hiện thực – ý tưởng ban đầu được cho là không có gì nổi trội.
Mỗi nhà doanh nhân thành công đều có những bí quyết cho riêng mình nhưng những điểm chung mà chúng ta dễ dàng nhận thấy ở họ chính là niềm đam mê, bền bỉ và bản lĩnh chấp nhận rủi ro. Bạn muốn thành công, hãy học các bí quyết ấy từ người thành công và tự trải nghiệm, dám thất bại, học từ thất bại để làm nên kỳ tích cho chính mình.
Theo Trí Thức Trẻ