MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào: Chúng tôi đã thấy sự chấp nhận thanh toán số rất mạnh mẽ với cả người bán và người mua

Tỷ lệ sử dụng tiền mặt giảm do người tiêu dùng đang đón nhận những xu hướng thanh toán kỹ thuật số hiện đại. Đồng thời, tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành thanh toán và và tốc độ tiếp nhận thanh toán không tiếp xúc của người dùng tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo khảo sát, 74% người tiêu dùng kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tới. Bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào đánh giá: "Việt Nam là thị trường tương đối trẻ khi nói đến thanh toán điện tử, nhưng chúng tôi đã thấy sự chấp nhận rất tích cực với cả người bán và người mua với tốc độ tăng trưởng giao dịch và chi tiêu mạnh mẽ".

"Khảo sát của chúng tôi cũng ghi nhận 71%% người tham gia khảo sát tại Việt Nam nói họ cảm thấy hoàn toàn tự tin khi không mang theo tiền mặt bên mình trong suốt 24 tiếng" - bà Dung cho biết thêm. "Chúng tôi quan tâm đến việc phát triển nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam và điều đó giúp tiến đến một tương lai không tiền mặt. Mục tiêu này đòi hỏi sự hợp tác cao độ giữa người tiêu dùng và các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và các bên liên quan khác".

Cũng theo khảo sát, người tiêu dùng Việt Nam đang chuộng sử dụng thanh toán kỹ thuật số vì đây là một phương thức nhanh, thuận tiện hơn. Người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ đã dùng thanh toán di động khi mua sắm tăng lên 42%, thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc tăng 37% và thanh toán sử dụng mã QR tăng 39%. Các số liệu này thể hiện hàng loạt phương tiện thanh toán điện tử khác nhau đều có sự tăng trưởng tích cực rõ rệt.

Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào: Chúng tôi đã thấy sự chấp nhận thanh toán số rất mạnh mẽ với cả người bán và người mua - Ảnh 1.

Một trong những lợi ích của thanh toán không tiền mặt chính là hiệu quả trong quản lí hành chính. Công nghệ số giúp người dân tiếp cận với hình thức thanh toán thuận lợi, an toàn, đơn giản hơn. Đồng thời giúp cho chính phủ thể hiện tính minh bạch, linh hoạt khi thông tin đến người dân và doanh nghiệp, song song giúp nhà nước tiết kiệm chi phí trong khâu vận hành, nhân công quản lí sổ sách. Thanh toán điện tử không chỉ đơn giản là việc trải nghiệm dịch vụ số, mà quan trọng là chất lượng cuộc sống của người dân cũng sẽ được cải thiện. Đây chính là cơ hội để chuyển dịch hành vi tiêu dùng một cách mạnh mẽ nhất và giúp họ quen dần với hình thức thanh toán mới, không dùng tiền mặt.

Theo Chỉ thị 22 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5/2020, để tạo thuận lợi cho người dân, trong năm nay các bộ ngành cần phối hợp để tăng cường thanh toán không tiền mặt tại các cơ sở bán lẻ hàng hóa và các dịch vụ công như bệnh viện, trường học. Thực tế, hạ tầng ngân hàng, các công ty thanh toán, các công ty ví điện tử đã sẵn sàng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết cách áp dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số hay thực hiện giao dịch qua các thiết bị thông minh như smartphone. Vì vậy, thách thức lớn nhất chính là việc phổ cập kiến thức cho người dùng.

Việc tuyên truyền và quảng bá tại các điểm chấp nhận thẻ để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân là rất quan trọng. Tăng cường đào tạo đối với nhân viên thu ngân về việc chấp nhận thanh toán điện tử cũng sẽ giúp giảm tỉ lệ thanh toán tiền mặt. Những đơn vị có lượng khách hàng lớn nên mở rộng các giải pháp thanh toán mới như tích hợp hệ thống thanh toán với hệ thống tính tiền, hệ thống quản lý hóa đơn, đẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc, thanh toán trên môi trường thương mại điện tử, triển khai các kiosk cho khách hàng tự thanh toán.

Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào: Chúng tôi đã thấy sự chấp nhận thanh toán số rất mạnh mẽ với cả người bán và người mua - Ảnh 2.

Đối với những đơn vị chưa chấp nhận thanh toán thẻ, theo bà Dung, các bộ ngành cần có kế hoạch cụ thể để phát triển các hình thức thanh toán này. Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt không những giúp người tiêu dùng có trải nghiệm dịch vụ tốt hơn, mà còn giúp các đơn vị quản lý tốt hơn hiệu quả vận hành, giảm chi phí, tăng hiệu quả dòng tiền thu từ dịch vụ.

Người dùng sẽ nhanh chóng hình thành thói quen sử dụng thanh toán điện tử một khi họ hiểu rõ hơn về lợi ích của nó. Do đó, bà Dung cho rằng cần có giải pháp phối hợp giữa các bên liên quan - các công ty thanh toán điện tử, chính phủ, ngân hàng và đơn vị chấp nhận thanh toán để xây dựng các chương trình truyền thông xoay quanh chủ đề thanh toán không dùng tiền mặt, sự an toàn và hiệu quả của phương thức này.

Trên thực tế, Visa đã đồng hành cùng chương trình "Ngày không tiền mặt 2020" để phổ biến phương thức thanh toán không tiền mặt đến cho người dùng và các đơn vị bán lẻ trên khắp cả nước. Bà Dung cho biết, nhằm hưởng ứng chương trình, Visa đã hợp tác với NextPay, NowFood, Saigon Co.op, Starbucks và CGV công bố loạt các chương trình khuyến mãi, ưu đãi và các tùy chọn thanh toán số cho người tiêu dùng. 

Khi nỗ lực của các cơ quan chính phủ, điểm chấp nhận thanh toán, ngân hàng, đơn vị truyền thông, các công ty công nghệ tài chính (fintech) và các bên liên quan được kết hợp toàn diện, mục tiêu đưa thanh toán không tiền mặt trở thành một thói quen lâu dài cho người tiêu dùng sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực

H.A

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên