MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Vua Cua: Doanh nghiệp lỗ thì không thể có thưởng Tết, chính sách công bằng sẽ hút nhiều nhân sự giỏi làm việc, chứ không phải giỏi đòi lương tháng 13

22-12-2023 - 12:20 PM | Doanh nghiệp

CEO Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư "flex" việc từng quản lý thất bại công ty có 165 nhân sự. Chị đã có chia sẻ tâm huyết tới những chủ doanh nghiệp đang "trầm cảm" khi đối mặt với việc trả lương tháng 13 cho nhân viên. Anh Thư cho biết mình từng ngu ngốc và nghĩ rằng lương tháng thứ 13 là luật quy định và chật vật cuối mỗi năm khi phải lo tiền thưởng…

CEO Vua Cua: Doanh nghiệp lỗ thì không thể có thưởng Tết, chính sách công bằng sẽ hút nhiều nhân sự giỏi làm việc, chứ không phải giỏi đòi lương tháng 13 - Ảnh 1.

Chia sẻ quan điểm về thưởng Tết cuối năm với chúng tôi, CEO Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư thẳng thắn: "Theo quan điểm của tôi, lỗ là không thể có thưởng, ít nhất trong giai đoạn suy thoái kinh tế này".

Làm sao để nhân viên gắn bó khi không thể thưởng Tết? Đoàn Thị Anh Thư gợi ý cần có chính sách nhất quán từ đầu của doanh nghiệp.

"Khi thưởng phải nêu rõ OKRs (Objective Key Results - tạm hiểu là quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt – PV) cụ thể và thưởng trên định lượng, chứ không thưởng định tính. Phải làm sao để nhân viên tự tính được luôn rằng cuối tháng/năm mình có được thưởng hay không", nữ CEO cho biết.

Nhiều chủ doanh nghiệp rơi vào trầm cảm khi không thể lo tiền trả lương tháng thứ 13

Liên quan đến việc trả lương tháng 13, mới đây Anh Thư cũng có những chia sẻ tâm huyết gửi tới những chủ doanh nghiệp đang "trầm cảm" khi đối mặt với việc trả lương tháng 13 cho nhân viên.

Anh Thư cho biết mình từng ngu ngốc khi nghĩ rằng lương tháng thứ 13 là luật quy định và chật vật cuối mỗi năm khi phải lo tiền thưởng.

  • Thưởng Tết cho người lao động: Có bắt buộc hay không?

  • Sếp Hoàng Nam Tiến nói "giờ không phải lúc hỏi có thưởng Tết không", netizen nổ ra tranh cãi

Thư cho biết hiện pháp luật không có quy định cụ thể về lương tháng 13 mà chỉ quy định về tiền thưởng. Tuy nhiên, lương tháng 13 có thể được hiểu là khoản mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động theo thỏa thuận, thường là vào dịp cuối năm.

Tuy nhiên, Thư chia sẻ trong một số trường hợp thì doanh nghiệp phải trả lương tháng 13 cho người lao động, cụ thể:

- Trường hợp doanh nghiệp đã ban hành quy chế thưởng, trong đó ghi rõ về quy định tháng lương 13 và được công bố công khai tại nơi làm việc.

- Trường hợp người lao động đáp ứng đủ điều kiện được thưởng như theo quy chế thưởng của doanh nghiệp đã được công khai.

"Nói như trên, lương tháng thứ 13 là chính sách thưởng của doanh nghiệp nhằm thu hút nhân tài. Tất nhiên, công ty nào chính sách tốt hơn sẽ thu hút được nhiều nhân tài hơn. Ấy vậy, mà có những công ty, cứ mắt nhắm mở đưa điều khoản lương tháng 13 vào hợp hợp đồng mà thiếu điều kiện công ty phải có lãi hoặc các KPI đi kèm cụ thể".

"Cứ thế, dù kinh tế có suy thoái, Covid… cứ đè ra trả thưởng một cách rất phi lý. Có nhiều chủ doanh nghiệp rơi vào trầm cảm khi không thể lo tiền trả lương tháng thứ 13. Có nhiều người lao động cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cả nhân nên đòi cho bằng được kể cả công ty có rơi vào tình trạng sắp phá sản – trách ai bây giờ? Trách chính chúng ta vì đã không hiểu rõ luật, hoặc hiểu rõ nhưng lại chưa có các chính sách công bằng giữa hai bên", CEO Vua Cua bày tỏ.

6 lưu ý trong quản trị nhân sự

CEO Vua Cua: Doanh nghiệp lỗ thì không thể có thưởng Tết, chính sách công bằng sẽ hút nhiều nhân sự giỏi làm việc, chứ không phải giỏi đòi lương tháng 13 - Ảnh 3.

CEO Vua Cua cũng chia sẻ 6 điều trong quản trị người lao động. Cụ thể:

- Không hứa hẹn: Bạn không có trách nhiệm hứa điều gì với bất cứ ai cả, vì tương lai đều là con số 0 dù kế hoạch bạn có màu hồng ra sao.

- Dân chủ, công bằng nhưng người quyết định cuối phải là chúng ta.

"Tôi hiểu rằng mọi khó khăn hay thất bại, người chịu trách nhiệm là tôi, nên tôi sẽ không giao quyết định quan trọng vào bất cứ ai, cứ tiếp thu, phân tích và tự quyết", Thư nói.

- Quản trị theo mục tiêu cụ thể: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đừng nói đao to búa lớn KPI, hãy dùng OKRs, từ OKRs ra các task ngày/ tuần và báo cáo liên tục, tiền thưởng cứ tính gộp vào lúc đàm phán lương: 70% cơ bản và 30% trách nhiệm.

"Nếu 30% kia bạn hoàn thành việc tốt thì bạn lãnh đủ. Quản lý theo cách này cũng hay lắm, ai rảnh rỗi không có việc làm là biết ngay", CEO Vua Cua đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân.

- Không dồn áp lực tài chính vào cuối năm: Cuối năm ai cũng rất cần tiền, chưa kể nếu công ty thua lỗ. Vậy nên hãy thưởng cho người xuất sắc vào tháng/quý, phải rất xuất sắc.

Lương tháng 13, Anh Thư khuyên chủ doanh nghiệp nên chia đều thưởng theo tháng/quý, thay vì dồn cả vào cuối năm.

- Không deal lương. "Khi ai nộp đơn xin việc và tôi phỏng vấn, tôi sẽ deal lương. Tôi sẽ tự tính xem những công việc bạn sẽ làm cho công ty có hợp lý với mức lương hay không, nếu có tôi say Yes, nếu không thì No. Ai cũng có 2 tháng thử việc, sau 2 tháng lại tiếp tục xem xét", Thư nói.

- Đừng sợ nhân viên nghỉ: Bạn càng sợ điều gì, điều đó sẽ đến càng nhanh. Bạn cần có back-up plan cho tất cả các vị trí.

"Gần cuối năm rồi, chúng ta hãy cùng nhau vượt qua một năm nhiều khó khăn. Tôi tin rằng nếu chủ doanh nghiệp càng hiểu luật, có chính sách công bằng và dựa trên hiệu quả công việc thì doanh nghiệp đó sẽ càng có nhiều nhân viên giỏi làm chứ không giỏi đòi lương tháng 13".

"Hãy làm gương và tìm kiếm những bạn nhân viên cùng tần số xây dựng dần văn hoá công ty minh bạch, chính trực, công bằng. Văn hoá doanh nghiệp do chính con người tạo nên theo thời gian, và sẽ được làm gương bởi người đứng đầu".

"Nếu năm nay khó khăn quá, không thể trả thưởng tháng thứ 13, hãy mạnh dạn thông báo, cùng lắm nhân sự về 0, còn tồn tại mới có thể xây dựng lại mọi thứ, còn để bị phá sản vì nợ thì tiêu rồi", Anh Thư chia sẻ.

Theo Bảo Bảo

An ninh tiền tệ

Trở lên trên