Cha con Chủ tịch HĐQT ANV dùng hàng trăm nghìn cp VCB, SSI, ACB, REE... đảm bảo cho công ty vay ngân hàng
Việc dùng cổ phiếu của lãnh đạo công ty làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng là điều hết sức bình thường, chỉ có điều qua đó, người ta thấy được cha con ông Doãn Tới đầu tư chứng khoán tích cực như thế nào.
- 22-10-2016Bán DAP 2 Vinachem, ANV lãi lớn quý 3
- 29-07-2016Nam Việt (ANV): Quý 2 bất ngờ lỗ lớn 112 tỷ đồng vì DAP2 - Vinachem
- 01-06-2015Navico (ANV) lên kế hoạch thoái trên 600 tỷ đồng vốn góp tại DAP2 - Vinachem
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 năm nay, CTCP Nam Việt (kinh doanh thủy sản, mã chứng khoán: ANV) là một trong những doanh nghiệp báo lãi đột biến nhất. Nếu như quý 3/2015, ANV chỉ lãi 9,5 tỷ đồng thì trong quý này, công ty lãi hơn 122 tỷ đồng, tức gấp gần 13 lần.
Cổ phiếu sau 3 tháng có sự tăng trưởng, hiện đã vươn đến mức giá 7.780 đồng. Với vốn chủ sở hữu 1.306 tỷ đồng (trong đó vốn điều lệ là 660 tỷ đồng) thì giá trị sổ sách của ANV lên tới hơn 18.000 đồng/cp. Nếu nhìn thoáng qua, dường như người ta thấy một doanh nghiệp đang hồi sinh và thị giá đang thấp hơn nhiều giá trị sổ sách. Tuy nhiên, những con số này không hẳn chứng minh cho điều đó.
Dùng cổ phiếu của cha con Chủ tịch để đảm bảo các khoản vay cho công ty
Tính đến 30/09/2016, ANV có 1.394 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn (trong đó vay nợ ngân hàng và thuê tài chính là 1.184 tỷ đồng), vay nợ dài hạn là 294 tỷ đồng. Như vậy, nợ vay ngân hàng chiếm khoảng 50% tổng tài sản của ANV.
Trong đó, ANV đang có dư nợ ngắn hạn hơn 110 tỷ đồng và 96 tỷ đồng vay dài hạn tại Ngân hàng Tiên Phong, dư nợ ngắn hạn tại VIB là 54,6 tỷ đồng.
Một phần của các khoản vay này được đảm bảo bằng cổ phiếu của cha con Chủ tịch HĐQT – ông Doãn Tới và ông Doãn Chí Thiên, với một danh mục đầu tư rất đa dạng và tổng giá trị tính theo giá thị trường là hơn 170 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Doãn Tới đã dùng 158.027 cổ phiếu Vietcombank (VCB), 221.004 cổ phiếu của CTCP Xây dựng Số 5, 208.725 cổ phiếu của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) để bảo đảm cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong – Chi nhánh An Giang.
Ông Doãn Tới cũng dùng 681.427 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), 185.337 cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), 415.892 cổ phiếu của CTCP Cơ điện lạnh (REE) thuộc sở hữu của mình để đảm bảo cho khoản vay của công ty tại Ngân hàng Quốc tế Việt Nam – CN Tp.Hồ Chí Minh.
Ông Doãn Chí Thiên dùng 1.871.991 cổ phiếu của Vietcombank (VCB), 992.160 cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) để bảo đảm cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong – Chi nhánh An Giang.
Ông Thiên cũng dùng 2.695.500 cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thuộc sở hữu của mình để bảo đảm cho khoản vay của Công ty tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) – CN Tp.Hồ Chí Minh.
"Combo" cổ phiếu được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của ANV.
Việc dùng cổ phiếu của lãnh đạo công ty làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng là điều hết sức bình thường, chỉ có điều qua đó, người ta thấy được cha con ông Doãn Tới đầu tư chứng khoán tích cực như thế nào.
ANV cũng có những khoản đầu tư không kém cạnh. Công ty đã đầu tư góp vốn vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), CTCP Bảo hiểm hàng không (vừa thoái hết), CTCP Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (vừa thoái hết), CTCP cromit cổ định Thanh Hóa và CTCP Cromit Nam Việt.
Lãi đột biến nhờ chuyển nhượng “cục nợ” cho công ty của Chủ tịch
Không chỉ dùng danh mục đầu tư cổ phiếu đa dạng của mình để đảm bảo cho công ty vay nợ, ông Doãn Tới thực sự là linh hồn của ANV bởi ông đã giúp công ty đẩy đi được một cục nợ mang tên DAP- Vinachem.
ANV đầu tư gần 613 tỷ đồng vào công ty liên kết là DAP – Vinachem, sở hữu 60,75 triệu cổ phiếu. Tính đến đầu năm nay, giá trị khoản đầu tư này còn 547 tỷ đồng. Trong quý 2/2016, do khoản lỗ 114 tỷ đồng từ DAP2 mà ANV đã phải lỗ thảm.
Tuy nhiên vừa qua, ANV đã chuyển nhượng DAP2 cho Công ty TNHH Đại Tây Dương với giá 547 tỷ đồng và hoàn nhập khoản lỗ gần 180 tỷ đồng từ công ty này. Từ nay, kết quả kinh doanh của ANV sẽ không phải gánh lỗ từ DAP2 nữa.
Công ty TNHH Đại Tây Dương cũng là công ty của ông Doãn Tới. Trên BCTC của ANV đang ghi nhận khoản phải thu dài hạn gần 447 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn 100 tỷ đồng đối với Đại Tây Dương (tổng cộng là 547 tỷ đồng).
Như vậy có thể thấy, việc chuyển nhượng DAP2 cho một công ty cùng chủ đầu tư như Đại Tây Dương không làm thay đổi lợi ích của các chủ đầu tư, nhưng là một thao tác để Nam Việt thoát khỏi gánh nặng này và có thể giúp cho công ty cải thiện con số về lợi nhuận trong thời gian tới, dù các khoản phải thu chưa rõ sẽ ra sao.
Trí Thức Trẻ