MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Cha đẻ’ ATM gạo: Nếu cho quay lại 10 lần, tôi vẫn sẽ gác lại chuyện kiếm tiền để cứu người

28-05-2022 - 09:31 AM | Lifestyle

Theo Hoàng Tuấn Anh, việc kiếm tiền có nhiều thời điểm để thực hiện, vì vậy khi thấy người dân gặp khó khăn, anh sẵn sàng gác lại mọi chuyện để tập trung cho các dự án thiện nguyện.

Tháng 4/2020, khi bắt đầu được nhiều người biết đến với danh xưng “cha đẻ” ATM gạo, Hoàng Tuấn Anh chia sẻ với Người Đồng Hành rằng mỗi ngày anh chỉ ngủ 3 tiếng và phần lớn thời gian dành cho các hoạt động từ thiện.

Gặp lại Hoàng Tuấn Anh sau hơn 2 năm kể từ bài phỏng vấn đó, Giám đốc Công ty cổ phần Vũ trụ xanh (PHG Lock) vẫn giữ nguyên sự nhiệt huyết với các chương trình vì cộng đồng. Anh vui mừng thông báo rằng dự án ATM gạo đã đạt được mục tiêu hỗ trợ 1 triệu người trong khi ATM Oxy cứu được gần 100.000 bệnh nhân F0. CEO 37 tuổi cũng đang tập trung khôi phục lại công việc kinh doanh khóa điện tử - vốn chịu nhiều ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 vừa qua.

“Nếu được làm lại, tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn”

- Hơn 2 năm trước, anh nổi tiếng với danh xưng “cha đẻ” ATM gạo và sau đó là “cha đẻ” ATM Oxy, hiện nay các dự án từ thiện của anh có còn hoạt động?

- ATM Oxy hiện vẫn hoạt động ở những nơi đang cần. Chúng tôi đang tổng hợp lại để xem nên duy trì chương trình này đến khi nào. Một số tỉnh thành dừng chương trình rồi, chúng tôi sẽ lưu thiết bị vào kho để phòng trường hợp dịch bùng phát.

- Anh từng phải bán Mercedes để mua xe chở ATM gạo, vậy khi làm ATM Oxy anh có phải bán thêm gì nữa không?

- Với chương trình ATM Oxy, chúng tôi thực hiện cùng với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Tôi chủ yếu tập trung vào vấn đề vận hành, trong khi đó anh Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về việc kêu gọi ủng hộ.

‘Cha đẻ’ ATM gạo: Nếu cho quay lại 10 lần, tôi vẫn sẽ gác lại chuyện kiếm tiền để cứu người - Ảnh 1.

Hoàng Tuấn Anh được nhiều người biết đến với dự án ATM gạo và ATM Oxy. Ảnh: HTA

- Sau hơn 2 năm tích cực tham gia các chương trình từ thiện, anh nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng cũng có những lời chỉ trích hoặc chê bai, anh đã rút ra bài học gì?

- Với những lời chỉ trích hoặc chê bai, đầu tiên tôi sẽ lắng nghe để hiểu được ý kiến và nguyện vọng của mọi người. Tôi cũng xem mình sai chỗ nào, thiết sót chỗ nào để còn điều chỉnh. Còn những ý kiến không mang tính xây dựng như đả kích, hăm dọa thì tôi sẽ cố gắng bỏ ngoài tai. Tôi nghĩ rằng nếu vì nghe những điều đó mà từ bỏ thì ATM gạo sẽ không đạt được mục tiêu là 1 triệu người nhận gạo, còn ATM Oxy sẽ không cứu được gần 100.000 bệnh nhân F0. Mục tiêu cứu người, giúp người được tôi đặt lên hàng đầu.

Sau ATM gạo, tôi cũng đã thay đổi cách làm để những dự án sau được hiệu quả hơn. Như với chương trình ATM Oxy, tôi tập trung vào vấn đề chuyên môn và vận hành. Còn những vấn đề về chi tiêu đã có đội ngũ của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lo, hàng năm đều có kiểm toán.

Ngoài ra, tôi rút ra một bài học là khi làm những chương trình này, muốn thành công quan trọng nhất là phải tập hợp và tạo được sự đoàn kết. ATM Oxy có trung ương đoàn, các tỉnh, thành đoàn hỗ trợ kết nối; các bên hội thầy thuốc tư vấn cho bệnh nhân từ xa cùng với hàng nghìn tình nguyện viên trên khắp cả nước.

- Nếu được quay ngược thời gian, anh có dồn hết tâm sức và tiền bạc để làm ATM gạo như những gì mình đã làm?

- Nếu cho quay lại 10 lần thì tôi vẫn sẽ gác lại chuyện kiếm tiền để cứu người nhưng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn. ATM gạo lúc đó là một thứ quá mới mẻ và tất nhiên những điều mới sẽ có nhiều thiếu sót, cần thời gian hoàn thiện.

Rõ ràng khi làm đến ATM Oxy, mọi thứ đã tốt hơn. Nguồn lực của ATM Oxy cần rất lớn vì người dân có thể đến nhận gạo trong khi đó bình oxy mình mang đến tận nhà. Trong thời điểm đó, dịch bệnh rất nguy hiểm và các bình oxy chủ yếu nhập từ nước ngoài. Nguồn cung cấp là từ các nhà máy, không sẵn như gạo. Tuy nhiên, đúc kết các kinh nghiệm từ ATM gạo thì chúng tôi đã làm ATM Oxy tốt hơn dù nó khó hơn.

“Anh cứ đi đi, việc chăm sóc ba và các con đã có em lo”

- Nhìn lại quãng thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, ai là người đã hỗ trợ anh nhiều nhất?

- Người gần nhất và hỗ trợ tôi nhiều nhất chính là vợ của tôi. Khi cả gia đình tôi bị Covid-19, tôi phải nhập viện, vợ tôi vừa bị Covid-19 vừa bị sốt xuất huyết lại phải chăm sóc các con. Khi bệnh đỡ, tôi cũng cố gắng xuất viện sớm để phụ vợ chăm sóc mấy đứa nhỏ.

Trước mùa dịch, tôi vốn đã rất bận rộn với công việc. Đến khi dịch bệnh diễn ra, trong khi nhiều người ở nhà với gia đình thì tôi vẫn đi suốt nên lúc đầu vợ tôi cũng hơi tủi thân. Về sau, cô ấy cùng tham gia với tôi luôn, hai vợ chồng cảm thông và chia sẻ với nhau. Khi mình cứu giúp được rất nhiều người thì niềm hạnh phúc giúp mình quên hết đi những khó khăn, vất vả.

Vợ tôi là người nước ngoài về Việt Nam làm dâu. Trước đó, tôi quyết định về nước vì thấy ba của mình cũng lớn tuổi rồi. Khi tôi đi thực hiện các dự án từ thiện, tôi cũng rất lo lắng cho ông. Tuy nhiên, vợ tôi rất ủng hộ. Cô ấy nói rằng: “Anh cứ đi đi, ở nhà việc chăm sóc ba và các con cứ để em lo”. Nhờ đó tôi thấy rất yên tâm và có thêm động lực để hoàn thành các chương trình thiện nguyện.

- Ngoài những chương trình từ thiện mà mọi người biết đến, hiện anh còn có những hoạt động gì để hỗ trợ cộng đồng?

- Thật lòng tôi cũng không muốn những thiên tai hay dịch bệnh đến nữa. Lúc trước, những thứ đó bất ngờ ập đến và mình cố gắng giải quyết. Tôi là chủ doanh nghiệp và cũng nằm trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, vì vậy tôi rất mong muốn được đồng hành với mọi người để phát triển kinh tế. Khi kinh tế của doanh nghiệp mạnh thì kinh tế của người dân cũng sẽ mạnh, y tế sẽ phát triển hơn. Nếu không may có sự cố xảy ra, mọi người cũng có thể chống chọi tốt hơn.

Thời gian qua tôi cũng đóng vai trò kết nối, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam vượt qua đại dịch. Họ vướng rào cản về ngôn ngữ và cảm thấy cô đơn trong giai đoạn khó khăn. Tôi tìm cách kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiêm vaccine. Họ rất cảm kích và coi Việt Nam giống như gia đình thứ hai. Thời gian tới, tôi cũng sẽ kết nối các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có thêm nguồn vốn để tái sản xuất, đẩy mạnh việc xuất khẩu hoặc đưa thêm những công nghệ mới ở nước ngoài vào Việt Nam...

“Đây là lúc tôi khôi phục lại công việc kinh doanh”

- Có khi nào vì quá bận rộn với những dự án từ thiện, anh xao nhãng công việc kinh doanh của công ty?

- Việc đó cũng có, thật ra trong 2 năm vừa rồi, mỗi tháng tôi chỉ đến công ty 1-2 ngày. Tôi nghĩ rằng việc kiếm tiền có thể làm bất kỳ lúc nào, khi thấy đồng bào, người thân, bạn bè của mình ở giữa sự sống và cái chết, tôi gác lại chuyện kiếm tiền để cứu sống các bệnh nhân F0. Tôi thấy việc đó quan trọng hơn, đến giờ này tôi cũng đang khôi phục lại công việc kinh doanh.

- Với những đóng góp của mình, anh được nhiều người biết đến cũng như được nhiều đơn vị, tổ chức vinh danh. Những điều đó có đem lại tác động tích cực cho công việc kinh doanh của anh?

- Với tôi, những danh hiệu này giống như tôi thay mặt những người làm chương trình nhận. Các dự án từ thiện có sự đóng góp của rất nhiều bên như Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, các tỉnh thành hỗ trợ vận hành ATM Oxy, những doanh nghiệp tham gia đóng góp, đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên... Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cũng hỗ trợ để lan tỏa chương trình.

Tôi đang sắp xếp lại công việc, hiện tôi chủ yếu đi đầu tư ở các tỉnh thành. Điều này vừa giúp công ty phát triển kinh doanh lại phù hợp với việc từ thiện mình đang làm.

‘Cha đẻ’ ATM gạo: Nếu cho quay lại 10 lần, tôi vẫn sẽ gác lại chuyện kiếm tiền để cứu người - Ảnh 2.

"Cha đẻ" ATM gạo hiện tập trung cho công việc kinh doanh nhưng vẫn dành thời gian cho các dự án thiện nguyện. Ảnh: HTA


- Cụ thể thì trong 2 năm đại dịch, kết quả kinh doanh của công ty anh như thế nào?

- Trong thời gian đại dịch, doanh thu của công ty tôi giảm rất mạnh, có khi đến 50%. Tôi làm về khóa điện tử, trong đó mảng cung cấp khóa cho khách sạn bình thường chiếm đến 60% doanh số. Tuy nhiên, khi dịch bệnh, nhu cầu khóa điện tử của các khách sạn không nhiều nữa. Hiện nay, ngành du lịch đang bắt đầu trở lại, mảng khóa cho khách sạn cũng tăng trưởng tốt, tình hình kinh doanh của công ty đã tốt hơn nhiều.

Bên cạnh đó, 5 năm trước, chúng tôi có sự chuẩn bị lớn - tập trung vào vấn đề sản phẩm. Bên tôi đã tập trung nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới với đặc tính là chống cháy, phù hợp với nhu cầu của các chung cư và khách sạn. Nhiều mẫu mới của chúng tôi tập trung cho thị trường Đông Nam Á giải quyết các bài toán của người dùng.

- Hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đã lắng xuống, một ngày hiện tại của anh có khác nhiều so với thời gian trước?

- Hiện tôi đã tạo được bộ máy vận hành chủ động rồi, các phòng ban có thể tự vận hành và ra quyết định được. Tôi thì tập trung xây dựng định hướng và đi đầu tư phát triển kinh doanh ở các tỉnh thành. Phần lớn thời gian hiện tại tôi dành cho kinh doanh và khoảng 30% thời gian cho các hoạt động từ thiện.

- Danh xưng “cha đẻ” ATM có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Danh xưng đó cũng gợi lại cho tôi về những chương trình mình đã làm. Tôi thấy rất hạnh phúc vì những chương trình vừa qua không mang tính hình thức mà đã hỗ trợ trực tiếp những người gặp khó khăn. Bản thân tôi khi ra đường cũng có một số người nhận ra và họ thấy cảm kích vì những dự án tôi tham gia. Bên cạnh đó, tôi cũng được nhiều người giúp đỡ khi gặp những tình huống khó khăn.

Chương trình ATM hiện không phải của riêng tôi mà là của cả Việt Nam. ATM ở đây không phải một loại máy móc, thiết bị nữa mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã quyết định đặt tên là An sinh – Tận tâm – Mau chóng với mong muốn hỗ trợ được nhiều người.

- Trong tương lai, anh có muốn mọi người nhớ đến mình với một danh xưng nào khác?

- Thực tâm mà nói việc mọi người nhớ đến tôi với danh xưng “cha đẻ” ATM gạo là tôi đã rất vui rồi. Bản thân doanh nghiệp của tôi đang làm về khóa điện tử, vì vậy ước mơ của tôi là có thể xây dựng một doanh nghiệp mạnh nhất lĩnh vực khóa điện tử Đông Nam Á. Đó cũng là ước mơ để Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp vươn ra các thị trường nước ngoài.

- Cảm ơn anh.


Theo Diệu Tuyết

NDH

Trở lên trên