Cha đẻ của cú sút penalty: Từ hình phạt chống lại sự thô bạo đến màn đối đầu tâm lý trên chấm 11m giúp thay đổi bản chất môn thể thao vua
Cầu thủ bước lên thực hiện quả phạt penalty có lẽ là một trong những khoảnh khắc căng thẳng nhất trong thể thao. Đặc biệt với World Cup, cầu thủ ấy phải gánh trên vai niềm hi vọng của cả một quốc gia và sự theo dõi của người hâm mộ trên khắp thế giới.
- 25-02-2022Đội trưởng U23 Việt Nam từ khu cách ly chỉ đồng đội sút penalty qua màn hình, muốn đi bão sau chiến thắng
- 12-06-2021Cựu còi vàng V.League: Văn Toàn ngã chậm một nhịp, nhưng trọng tài có lý khi thổi penalty
- 05-12-2019Quang Hải cắn răng, đứng ngồi không yên trước khi vỡ òa với cú sút penalty của Tiến Linh
- 15-10-2019Nguồn gốc kiểu đá penalty nhảy chân sáo giúp Quế Hải sút tung lưới Indonesia, trước đây còn khiến fan Thái Lan đội lốt Curacao phải câm lặng
Tại giải đấu World Cup 2022, người hâm mộ đã chứng kiến tất cả các kiểu đá 11m. Từ những pha chạy lắp bắp của Robert Lewandowski cho đến những cú sút yếu ớt khi bị áp lực tâm lý đè nặng. Điều này thể hiện rõ nhất ở các cầu thủ Tây Ban Nha và Nhật Bản trong các trận đấu vừa qua.
Chỉ 58% trên tổng số 31 cú sút đã được chuyển đổi thành bàn thắng. Trong khi đó, có tới 13 cú sút đã bị bỏ lỡ trên chấm 11m, chiếm tỷ lệ 42%, cao nhất kể từ năm 1966.
Có lẽ, nỗi ám ảnh lớn nhất với các thủ môn là chứng kiến trọng tài thổi còi và chỉ tay vào chấm phạt đền. Đó là cuộc đối đầu riêng tư giữa thủ môn và cầu thủ đối phương, với chỉ một quả bóng ngăn cách hai người ở cự ly 11 mét. Người thất thế hơn thường là thủ môn. Thế nhưng không nhiều người biết rằng sút phạt đền được cho ra đời từ ý tưởng của một…thủ môn - William McCrum.
Chàng trai trẻ chống lại sự thô bạo trong bóng đá
William McCrum (1865), sinh ra ở ngôi làng nhỏ bé Milford, hạt Armagh, nay thuộc Bắc Ireland. Hiện nay ngay lối vào cửa người ta sẽ nhìn thấy dòng thông báo bạn đang ở "Milford: Ngôi nhà của những cú sút luân lưu".
William McCrum - cha đẻ của sút phạt đền
Cha ông là triệu phú Robert McCrum, "ông trùm" kinh doanh vải sợi tại Milford. William là con trai duy nhất của ông Robert nên được kỳ vọng sẽ nối tiếp nghiệp kinh doanh của gia đình. Thế nhưng, William lại đam mê thể thao từ bé và khi lớn lên, ông quyết định trở thành một thủ môn bóng đá.
Để nuôi dưỡng ước mơ của mình, ông rời quê hương đi học đại học ở Dublin và khi trở về, ông gia nhập Milford FC, được thành lập vào năm 1885.
Bóng đá khi đó vẫn là môn thể thao mới lạ và Irish League (giải đấu quốc gia lâu đời thứ hai thế giới, chỉ sau giải đấu của nước Anh) nơi Milford FC sẽ thi đấu, vẫn chưa hình thành. Câu lạc bộ của McCrum tuy nhỏ nhưng đầy tham vọng và đã được chấp nhận tham gia giải đấu ngay mùa đầu tiên (1890-1891).
Đội Milford đã phải vật lộn rất nhiều. Họ chơi 14 trận và thua tất cả. Trong những trận đó, họ để lọt lưới 62 bàn (trung bình hơn 4 bàn/trận). Những số liệu này đã khiến McCrum, thủ môn 25 tuổi khi đó, rất thất vọng.
Nhưng một nỗi buồn lớn hơn của ông xuất phát từ việc những cầu thủ bị phạm lỗi trong vòng cấm chỉ được hưởng một quả phạt trực tiếp có hàng rào, góc sút hẹp và dễ dàng bị cản phá. Chưa kể, các cuộc đấu tồn tại quá nhiều bạo lực. Không chỉ tận mắt chứng kiến các vụ việc tại Milford, nam thủ thành còn nghe những câu chuyện về sự tàn bạo ở Leicester, Anh - một cầu thủ đã tử vong sau pha tranh chấp có chủ ý. Thủ phạm bị buộc tội ngộ sát.
Từ đây, ông nảy ra sáng kiến mới về cuộc đối đầu cá nhân chỉ diễn ra giữa thủ môn và cầu thủ sút phạt, và cú sút được thực hiện ở khoảng cách 11 mét. Ông cho rằng giải pháp này sẽ công bằng hơn đối với trường hợp một cầu thủ bị phạm lỗi trong vòng cấm.
McCrum đề xuất ý tưởng lên Liên đoàn Bóng đá Ireland năm 1890 và hy vọng nó sẽ được trình lên Ủy ban Bóng đá Quốc tế (IFB – thời điểm này FIFA chưa được thành lập). Tuy nhiên, nó nhanh chóng vấp phải chỉ trích của giới chuyên môn và báo chí. Nhiều người cho rằng giải pháp này vi phạm “đạo đức” trong bóng đá khi cầu thủ và thủ môn phải sử dụng những mánh khóe, chiêu trò để đánh lừa đối phương. Thậm chí, nhiều người gọi đó là "hình phạt tử hình".
Roberto Baggio với quả phạt đền nổi tiếng trong trận chung kết World Cup 1994 - Ảnh: AFP/Getty
Một năm sau, tại cuộc họp thường niên tiếp theo của IFB, kiến nghị của McCrum một lần nữa được đặt lên bàn trao đổi.
Sau cùng, nhận thấy sự hiệu quả từ ý tưởng này, ngày 2 tháng 6 năm 1891, luật sút phạt đền được xếp vào Điều 13 Luật bóng đá lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cha đẻ của nó, William McCrum, dần bị lãng quên.
Cú sút luân lưu đầu tiên tại World Cup
Khi luật này được ra mắt năm 1891, người thực hiện quả phạt đền có thể đặt bóng ở bất kỳ đâu trên đường kẻ ngang cách khung thành 11 m, thủ môn có thể tiến đến cách 5,5 m so với vạch vôi khung thành.
Đến năm 1902, quy định về "chấm phạt đền" được đưa ra. Đồng thời vòng cấm địa (vòng 16,50 m) ra đời thay thế cho đường 11m. Tới năm 1905, thủ môn được yêu cầu đứng trên vạch vôi của khung thành khi bắt đá phạt đền.
Năm 1930, Manuel Rosas trở thành người đầu tiên thực hiện quả phạt đền tại World Cup, cho tuyển Mexico trong trận gặp Argentina.
Sút phạt đền thường thiên về khía cạnh tâm lý hơn kỹ năng. Nhờ đó nó không chỉ đem đến cơ hội chiến thắng cho một đội bóng mà còn mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Trước năm 1978, hầu hết các trận đấu loại trực tiếp tại World Cup chưa phân định thắng thua bằng sút luân lưu. Các đội sau khi hòa nhau sẽ phải đá lại. World Cup chỉ mới bắt đầu áp dụng luật luân lưu vào năm 1978. Tuy nhiên năm đó, không có trận đấu nào phải giải quyết thắng thua bằng cách này.
Phải đến kỳ World Cup tiếp theo diễn ra vào năm 1982, người ta mới được lần đầu chứng kiến một trận đấu áp dụng thể thức sút luân lưu. Đó là trận bán kết giữa Tây Đức và Pháp sau khi hai đội hòa nhau 3-3 sau 120 phút. Tây Đức là những người có được chiến thắng chung cuộc 5-4 ở loạt sút phạt đền.
Antonin Panenka là người sáng tạo ra kiểu đá penalty trứ danh
Sau này nhiều cầu thủ sáng tạo ra những hình thức sút phạt đền kiểu mới, một trong số đó ra đời trong trận chung kết Euro 1976. Antonin Panenka lãnh nhận trọng trách thực hiện cú sút quyết định cho Tiệp Khắc khi đội của ông đang dẫn trước người Đức 4-3 trong loạt sút luân lưu. Ông bước lên, chậm rãi tiến về trái banh và tung chân về phía quả bóng. Tưởng như đó sẽ là một cú sút mạnh về hai phía khung thành, và thủ thành Sepp Maier đã đổ người về bên trái. Nhưng Panenka đã đánh lừa tất cả mọi người, khi chỉ thực hiện pha lốp bóng nhẹ nhàng vào chính giữa cầu môn.
Sau này, cái tên Panenka được đặt cho kiểu sút phạt đền như vậy. Kiểu sút Panenka cũng được không ít ngôi sao hàng đầu thế giới áp dụng khi cần đến, điển hình như Zidane, Pirlo, Ramos, Messi,…
Quay trở lại với William McCrum, trong khi những cú sút phạt đền ngày càng trở nên quan trọng trong bóng đá thì ông qua đời trong im lặng vào năm 1932, chỉ hai năm sau khi kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử diễn ra.
Câu chuyện về cha đẻ của những cú sút phạt đền trong thời gian dài chỉ được lưu truyền trong phạm vi ngôi làng Milford nhỏ bé. Mãi cho đến tận cuối những năm 1990, khi mà người hâm mộ được trải qua nhiều cảm xúc trái chiều từ các loạt sút cân não, McCrum mới được nhắc đến một cách rộng rãi.
Thể thao văn hóa