MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cha đẻ cuốn 'Quốc gia khởi nghiệp' và CEO DesignBold chỉ ra điều Chính phủ nào cũng nên làm để cộng đồng startup phát triển lớn mạnh

09-08-2017 - 10:35 AM | Doanh nghiệp

Không phải vốn hay chính sách, điều startup cần là một hệ sinh thái khởi nghiệp (ecosystem) lành mạnh, nơi bất cứ ý tưởng startup nào cũng được ươm mầm và tạo điều kiện để phát triển.

Năm 2016 có thể xem là năm Quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam. Với sự cởi mở và quyết tâm lên cao, Chính phủ cũng cam kết cả nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ là khoảng thời gian mà startup Việt được hỗ trợ hết mình.

Thực tế ở Việt Nam chỉ ra rằng có khá nhiều startup từng thành công một cách "tự lực tự cường" mà chưa cần đến một sự hỗ trợ nào. Ví dụ, chỉ đến khi Nguyễn Hà Đông được nhắc tên trên báo chí thế giới với trò chơi Flappy Bird đình đám thì dư luận trong nước mới để ý rằng có một cộng đồng startup tại Việt Nam đang âm thầm lớn mạnh.


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt cộng đồng khởi nghiệp lần đầu tiên năm 2016

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt cộng đồng khởi nghiệp lần đầu tiên năm 2016

Hoặc chỉ đến khi các startup Việt có những bước đầu thành công vang dội, như VNG được định giá 1 tỷ USD hay Lozi, Foody, Cốc Cốc gọi được vốn triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, thì truyền thông năm 2016 mới coi startup là một chủ đề 'hot' để khai thác.

Câu hỏi đặt ra ở đây là hỗ trợ của Chính phủ đóng vai trò quan trọng như thế nào đến thành công của startup?

Chỉ trong năm 2017 này, đã có ít nhất là 2 tên tuổi cả trong nước lẫn nước ngoài đề cập đến câu chuyện này, với chung một quan điểm rằng ở nước nào cũng vậy, sự hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết, vai trò quan trọng nhất của Chính phủ là tạo ra một môi trường cho startup và đứng ngoài nhìn thế giới startup vận động. Những sự can thiệp sâu, như các chính sách không linh hoạt, không theo kịp tư duy startup, hay thậm chí là rót vốn, là không nên có.

Từ Israel, cha đẻ 'Quốc gia khởi nghiệp': Chính phủ ngại mạo hiểm, thủ tục quan liêu khó mà giúp được startup phát triển nhanh

Trước hết, quan điểm này được đưa ra bởi cha đẻ cuốn sách 'Quốc gia khởi nghiệp' nổi tiếng - ông Saul Singer - trong một chuyến thăm Thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu năm. Khi được phóng viên hỏi về vai trò của các chính quyền trong sự thành công của startup, ông Singer cho rằng vai trò này thực ra 'ít quan trọng hơn người ta vẫn tưởng'.

Lý do là vì "toàn bộ những quy trình mang tính hành chính, nặng nề từ trên xuống dễ khiến các startup ‘hóa điên’ vì bạn biết đấy, startup cần phải phát triển nhanh, cực nhanh" - ông Singer nói.

Nói cách khác, startup cần phát triển cực nhanh, tuy nhiên chính sách các Chính phủ đưa ra lại thường xuyên có độ trễ, ít cập nhật, và thậm chí đôi khi cản trở sự phát triển của startup.

Ông Saul Singer cũng lấy ngay một ví dụ trực quan tại Israel là chính quyền thường rất thích xây thêm những 'công viên công nghệ' để hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển các startup.


Cha đẻ Quốc gia khởi nghiệp tại Việt Nam. Ảnh Forbes Việt Nam.

Cha đẻ 'Quốc gia khởi nghiệp' tại Việt Nam. Ảnh Forbes Việt Nam.

"Điều này có rất ít hiệu quả, do startup đều không thích các công viên công nghệ. Về cơ bản, mô hình tập trung trong những công viên công nghệ phù hợp với những doanh nghiệp lớn truyền thống hơn, trong khi các startup chỉ muốn ở những nơi nào có những con người giàu trí sáng tạo giống họ" - Ông Singer nói.

Điều cuối cùng được cha đẻ cuốn 'Quốc gia khởi nghiệp' nêu ra để chứng minh Chính phủ không cần đóng vai trò quá lớn lao trong thành công của các startup là về vốn. Thậm chí, theo ông, Chính phủ tuyệt nhiên không nên rót vốn cho startup vì đầu tư khởi nghiệp nghĩa là chấp nhận rủi ro, mà rủi ro là điều nhiều Chính phủ từ chối.

"Một quan niệm phổ biến khác là chính quyền đảm nhiệm cả vai trò đầu tư mạo hiểm cho startup bằng cách bơm tiền cho họ. Điều này không hiệu quả, vì đầu tư mạo hiểm không phải sở trường cùa họ. Hầu hết các dự án đầu tư mạo hiểm đều thất bại, chỉ 5-10% những dự án hàng đầu thế giới kiếm ra lời thì làm sao trông mong chính quyền có thể làm tốt chuyện này" - Ông Singer giải thích.

Đến Việt Nam, với câu trả lời bất ngờ của CEO DesignBold: 'Chúng tôi không cần gì cả!'

Góc nhìn khác biệt giữa giới startup công nghệ và những người làm chính sách còn được thể hiện trong cuộc trò chuyện có phần gay gắt như tranh luận, giữa Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông và CEO của Design Bold là ông Hùng Đinh trong buổi hội thảo “Chính sách hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp” diễn ra vào hồi tháng 4.

Ý tưởng nội dung mà ban tổ chức hội thảo đưa ra là những điều Chính phủ có thể làm để hỗ trợ các startup. Thế nhưng, CEO của startup Việt đình đám năm 2016 đã đưa ra câu trả lời khiến tất cả phải bất ngờ.

Trả lời câu hỏi câu hỏi 'Startup Việt Nam cần Chính phủ hỗ trợ những gì', ông Hùng Đinh nói: "Thực ra một câu trả lời, nghe có vẻ hơi phũ phàng, nhưng sự thật là ‘Chúng tôi không cần cái gì cả".


Buổi hội thảo giữa các đại diện startup và Thứ trưởng Đặng Huy Đông

Buổi hội thảo giữa các đại diện startup và Thứ trưởng Đặng Huy Đông

Đi vào giải thích, ông Hùng cho rằng về mặt lý thuyết thì startup luôn 'thiếu đủ thứ', "cái gì cũng cần, cần miễn thuế, cần hỗ trợ về không gian làm việc, cần hỗ trợ về vốn". Tuy nhiên, với hình mẫu startup là luôn đứng trước khó khăn và tìm mọi cách để vượt qua, ông Hùng cho rằng một founder bản lĩnh dù không có những hỗ trợ trên thì cũng không phải là vấn đề.

Thế nhưng, điều quan trọng trong câu trả lời của CEO Design Bold là với startup, có những thứ mà Chính phủ dù muốn cũng rất khó để có thể hỗ trợ. Ví dụ ngay chính 2 dự án của CEO này là JoomlArt và DesignBold đều chọn thị trường thế giới để hoạt động.

Xu hướng 'Go Global' giờ đây cũng rất thịnh hành với các startup Việt. Ví dụ, năm 2016, thế giới chứng kiến đại diện startup Việt Nam là Beeketing của CEO Quân Trương nhận được số vốn đầu tư khủng từ Quỹ 500 Startups sau một bài pitch dài hơn 2 phút tại Mỹ.

Thời điểm Beeketing nhận đầu tư, báo chí nước ngoài đưa tin rầm rộ nhưng truyền thông trong nước im ắng. Lý do có lẽ vì, tuy Beeketing là startup hoàn toàn của người Việt, trụ sở ngay tại Hà Nội, nhưng lại thành công trên trang thương mại điện tử toàn cầu, chưa cần đến những hỗ trợ từ chính quyền, và hoàn toàn nằm ngoài sự biết đến của báo chí trong nước.

Một ví dụ khác là rất nhiều người Việt đang tạo ra rất nhiều doanh nghiệp của riêng mình trong lĩnh vực kiếm tiền online (MMO) tại các nền tảng toàn cầu như Amazon, Shopify (thương mại điện tử ), Teespring, Sunfrog (nền tảng bán áo thun), Fiverr, Upwork (‘chợ’ freelancer)...

Đại diện của Facebook là ông Huỳnh Kim Tước từng tiết lộ rằng Việt nam hiện có khoảng 50 triệu phú 9X làm giàu chính từ mảng MMO này. Vậy với 50 triệu phú giấu tên này, các nhà làm chính sách liệu có biết đến sự tồn tại của họ chứ chưa nói đến việc biết họ là ai.

Những điều này minh chứng rằng những doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vẫn có thể sống khỏe, dù chưa nhận được những hỗ trợ từ Chính phủ.

Quay trở lại với hội thảo và câu trả lời của Hùng Đinh thì CEO này cũng cho rằng những hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đang đưa ra dường như vẫn giống những hỗ trợ dành cho khối SME - những doanh nghiệp vừa và nhỏ có mô hình kinh doanh truyền thống - chứ không phải cho riêng các startup công nghệ.

Với các startup công nghệ, gia tốc phát triển là điều quan trọng. Startup cần phát triển rất nhanh, vậy liệu chính sách và tư duy của người làm chính sách có thay đổi nhanh tương ứng chính là câu hỏi mà CEO DesignBold đặt ra.

"Yếu tố quan trọng nhất trong sự khác biệt giữa SME và startup là gia tốc phát triển. Đối với startup thì gia tốc vô cùng quan trọng, như làm sao 1 năm có được 1 triệu users. Chính sách Nhà nước cần có những gia tốc như vậy. Hiện tại, gia tốc của các chính sách vẫn đang đi theo hướng hỗ trợ SME” – Ông Hùng Đinh nói.

Vậy, Chính phủ có thể làm được gì để hỗ trợ startup?

Trong cuộc trò chuyện, như hiểu được những điều nói trên, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh rằng những hỗ trợ của Chính phủ sẽ chủ yếu tập trung vào xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp (ecosystem) lành mạnh, nơi bất cứ ý tưởng startup nào cũng được ươm mầm và tạo điều kiện để phát triển.

Bên cạnh đó, giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng, với nhiệm vụ thay đổi tư duy của thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường.

Văn hóa chấp nhận cái mới, đối diện với thất bại, luôn luôn đổi mới của những người khởi nghiệp sẽ cần được giảng dạy cho từng thế hệ học sinh trong một lộ trình dài hạn.

Có lẽ, đó sẽ là những điều mà những startup hiện tại và trong tương lai cần nhất, chứ không phải những những đồng vốn đầu tư hay những chính sách không theo kịp tư duy startup.

Theo Vượng Lê

Trí thức trẻ

Trở lên trên