Cha mẹ cứ áp dụng cách này mà dạy con: Chẳng phải mệt mỏi, lắm lời mà con lại ngoan ngoãn, cả nhà đều vui!
Nếu cha mẹ cứ mãi lớn tiếng trách mắng trẻ vì những lỗi sai thì sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển tính cách và sức khỏe tinh thần của trẻ.
- 14-03-2023Cha kiếm 54 tỷ/ năm nhưng con bỏ học, 21 tuổi đã kết hôn 2 lần: Sai lầm hóa ra từ cách nuôi dạy tưởng thương mà hoá hại con của vô số phụ huynh
- 14-03-2023Lá thư mẹ gửi con gái nghi oan bạn học trộm tiền, tiết lộ cách dạy con mẫu mực: ‘Con ơi, đừng bao giờ định nghĩa người khác!’
- 13-03-2023Quy tắc dạy con của bà mẹ có hai chàng trai giành giải vô địch Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ: Thúc đẩy các con cạnh tranh với nhau từ những việc nhỏ nhất!
Thường xuyên la hét không chỉ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, mà còn khiến trẻ mất dần lòng tin vào người khác trong tương lai. Trẻ sợ hãi khi còn nhỏ, khi lớn lên thường có những hành động cực đoan, rụt rè và nhanh thay đổi cảm xúc. Nguy hiểm hơn, việc cha mẹ nặng lời còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí tuệ của trẻ.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, bộ não có đặc điểm không tiếp nhận những thông tin lặp đi lặp lại. Lần đầu tiên bị trách mắng lớn tiếng, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và miễn cưỡng nghe lời. Tuy nhiên, khi việc này lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen và khiến trẻ không quan tâm nữa.
Đối với một đứa trẻ, khi đầu óc căng thẳng, đại não sẽ tự động chuyển sang "cơ chế thoát". Trẻ sẽ cố gắng bỏ ngoài tai những lời nói khó nghe từ cha mẹ. Như vậy, việc giáo dục không còn tác dụng. Thêm vào đó, trẻ thường có xu hướng bắt chước hành vi của cha mẹ. Nếu cha mẹ thường xuyên trách mắng, trẻ sẽ học cách lớn tiếng với người khác, hình thành tính cách nóng nảy.
Các nhà Tâm lý học đã phát hiện rằng, cùng một sự việc nhưng cách xử lý khác nhau sẽ đưa đến kết quả khác nhau. Thay vì la mắng trẻ, cha mẹ có thể áp dụng một cách giáo dục sau khiến trẻ nghe lời, tiếp thu. Đó là giáo dục thấp giọng.
Giáo dục thấp giọng giúp trẻ trở nên nghe lời hơn. (Ảnh minh họa)
Giáo dục thấp giọng là gì?
Giáo dục thấp giọng hiểu đơn giản là việc cha mẹ dùng giọng nói nhẹ nhàng, ngữ điệu trầm để trò chuyện với trẻ, ngay cả khi đang tức giận. Điều này sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn.
Bởi giọng nói trầm thấp có thể khiến con người trở nên lý trí và bình tĩnh hơn, tạm xua tan sự tức giận. Nhờ vậy, nó không động đến tâm lý phòng thủ của trẻ. Điều này có lợi cho việc tiếp nhận thông tin. Khi cha mẹ nhẹ nhàng góp ý, trẻ không chỉ dễ dàng tiếp thu mà còn giúp hoàn thiện tính cách tốt, không hình thành thói quen quát nạt người khác.
Thấp giọng dạy bảo còn giúp các bậc phụ huynh không kiềm chế được cơn tức giận. Khi bạn bình tĩnh, cảm xúc được cân bằng, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều.
Các biện pháp giáo dục thấp giọng
1. Sử dụng giọng điệu và từ ngữ phù hợp
Nhiều bậc cha mẹ khó kiềm chế được việc la mắng, chỉ trích con mình. Trong cơn nóng giận, họ thường nói ra những câu gây tổn thương tâm lý trẻ. Vì vậy, cha mẹ hãy suy nghĩ cẩn trọng trước khi nói và nhớ sử dụng giọng điệu, từ ngữ phù hợp.
Chẳng hạn, bạn có thể nói với con mình rằng: "Mẹ yêu con nhưng hành vi khi nãy của con là không chấp nhận được" hay "Cách cư xử của con chưa đúng, con cần sửa đổi nhé"… Lời nói nhẹ nhàng sẽ đem lại hiệu quả cao. Sau đó, trẻ tự ngẫm và hiểu những gì mà bạn nói.
2. Giải thích cho trẻ hiểu điều cha mẹ mong muốn
Hầu hết những đứa trẻ đang ở tuổi hiếu động, thích nghịch ngợm. Trẻ sẽ không lường trước được hậu quả. Vì thế, trước mọi việc, cha mẹ cần giải thích cặn kẽ để trẻ hiểu.
Chẳng hạn như khi đi siêu thị, phụ huynh hãy dặn con không nên làm xáo trộn hàng hóa. Đồng thời, hãy cảnh báo hậu quả sẽ xảy ra nếu trẻ không nghe lời. Cha mẹ chỉ cần nói rõ cho trẻ hiểu mà không cần dọa nạt.
3. Đừng sử dụng ngôn từ làm tổn thương lòng
Trước những việc không được như mong muốn, cha mẹ chỉ nên thảo luận về vấn đề hiện tại và cách khắc phục tốt nhất. Đừng tùy tiện bộc lộ cảm xúc tiêu cực, buông những lời trách mắng, chỉ trích khiến trẻ tổn thương lòng tự trọng. Cha mẹ muốn con mình "hóa rồng, hóa phượng" thì đừng nên áp dụng cách giáo dục trách mắng.
Mọi đứa trẻ đều hy vọng được người khác tôn trọng, kể cả cha mẹ. Và khi được tôn trọng, tin tưởng, trẻ sẽ trở nên dũng cảm, tự tin. Đây là động lực quan trọng cho sự tiến bộ của trẻ trong quá trình khôn lớn.
Ảnh minh họa.
4. Kiên trì lắng nghe
Dạy bảo trẻ chủ yếu là phải để trẻ biết bản thân đã phạm phải sai lầm gì và nguyên nhân mắc lỗi từ đâu. Muốn làm được thế thì cha mẹ cần kiên nhẫn trao đổi, lắng nghe chia sẻ của trẻ.
Khi cha mẹ đã hiểu được suy nghĩ của trẻ và giúp trẻ giải quyết vấn đề, bạn sẽ thấy những lỗi sai của trẻ giảm dần. Đồng thời trẻ sẽ được giải phóng rất nhiều những cảm xúc tiêu cực.
5. Hãy để trẻ trải nghiệm hậu quả
Nếu đứa trẻ không muốn nghe lời người lớn thì việc la hét là vô ích. Thay vì lo lắng cho an toàn của trẻ mà quát nạt, hãy để trẻ nếm trải hậu quả xấu. Thông qua trải nghiệm thực tế, trẻ sẽ hiểu được sâu sắc hơn sự dạy bảo của cha mẹ quan trọng như thế nào.
6. Dạy trẻ những tình huống thực tế
Hãy để trẻ tự suy nghĩ về hành vi của mình làm ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Cha mẹ có thể giúp trẻ hiểu sâu sắc hơn sự việc thông qua những câu chuyện cũ kể lại. Đặc biệt, đừng bỏ qua bất cứ hoàn cảnh thực tế nào để dạy trẻ những bài học cần thiết.
Phụ nữ Việt Nam