Cha mẹ nắm vững phương pháp dạy dỗ này trong giai đoạn con từ 0-18 tuổi, đứa trẻ lớn lên có tương lai đầy hứa hẹn
Nếu bạn thực sự yêu thương con cái, bạn không chỉ cho đi tình yêu mà còn phải đưa ra kỷ luật – giúp trẻ thấm nhuần ý thức về các quy tắc, để trẻ cảm thấy an toàn.
- 26-12-2022Một kiểu nuôi dạy của cha mẹ vô tình khiến con thiếu bản lĩnh giữa cuộc đời
- 23-12-2022Nghịch lý: Cha mẹ luôn dạy trẻ về quyền tự chủ cơ thể nhưng lại "ép" con ôm hôn người khác để thể hiện sự thân thiện
- 23-12-2022Cha mẹ hạng 3 tiêu tiền vì con cái, cha mẹ hạng 2 dạy con kiếm tiền và cha mẹ hạng nhất dạy con tiêu tiền: Bạn đã là cha mẹ hạng nhất chưa?
- 22-12-2022Cách dạy con lạ đời của tỷ phú kim cương
Trong hiệu sách ở Bắc Kinh (Trung Quốc), một cậu bé mười một hoặc mười hai tuổi đang đọc truyện tranh rất to. Khi bị nhân viên nhắc nhở giảm âm lượng để khỏi làm phiền những độc giả khác, đứa trẻ giận dữ, lớn tiếng: "Anh có quyền dạy dỗ tôi sao?". Người mẹ bên cạnh ngay lập tức bước tới, vỗ về con, quay sang giải thích: Nó vẫn chỉ là một đứa trẻ, thấy bực bội vì bị cắt ngang dòng suy nghĩ của mình.
Trong tình huống này, thoạt nhìn thì đứa trẻ quá tự cao tự đại, nhưng gốc rễ của vấn đề thường là do cha mẹ. Cha mẹ trao "tình yêu và sự tự do" một cách mù quáng và tạo ra "hành vi có vấn đề" ở trẻ.
Cha mẹ thiếu ranh giới là nguyên nhân quan trọng dẫn đến "hành vi có vấn đề"
Tâm lý học tin rằng "hành vi có vấn đề" hoặc thậm chí "những đứa trẻ có vấn đề" sẽ không tự nhiên xuất hiện mà đều xuất phát từ môi trường sống có vấn đề. Thái độ và cách thức hành vi của trẻ là kết quả của hành động chung của hai yếu tố -"môi trường chúng ta sống" và "phản ứng của chúng ta với môi trường". Và "môi trường" này chỉ mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Nói cách khác, trẻ em chỉ có thể có ranh giới nếu cha mẹ chúng có ranh giới. Một đứa trẻ chỉ có thể trưởng thành trong giới hạn mà cha mẹ đặt ra, và sẽ không vượt quá giới hạn đó.
Có một câu chuyện gây chú ý trước đây: Một người mẹ làm tạp vụ, kinh tế khá chật vật nhưng rất yêu thương con cái. Hiếm khi gia đình này mua mua cá, tôm. Nhưng mỗi lần mua đồ ngon về, bà mẹ để hết phần ngon cho con, chỉ ăn phần đầu, đuôi cá còn sót lại và nhai cả vỏ tôm.
Một lần đứa trẻ nói: "Mẹ ơi, tại sao mẹ không ăn thịt?". Người mẹ mỉm cười nói: "Bởi vì mẹ thích ăn đầu và các phần xương nhỏ. Nếu con thích, con cứ ăn hết nhé". Một hôm người mẹ ốm, chị mua ít cá về tẩm bổ. Kết quả là đứa bé nhìn thấy, tức giận hét lên: "Đây là thứ con ăn, mẹ chỉ nên ăn xương cá thôi" khiến người mẹ rơi nước mắt. Có lẽ điều chị đau buồn nhất chính là đã yêu con vô cùng nhưng thứ nhận lại là sự ích kỷ.
Nhưng có lẽ người mẹ không nhận ra 1 điều: Bản thân đã không có ranh giới trong việc nuôi dạy con cái nên đã hình thành nên một đứa trẻ ích kỷ. Khi đưa tất cả mọi thứ cho con không lý do, đứa trẻ nghĩ rằng mọi thứ nên là của riêng mình và không thể nhận ra rằng những người khác cũng có nhu cầu.
Tương tự, đối với những trẻ chạy lung tung trong quán ăn, bố mẹ nên nói cho trẻ biết quy tắc "không lãng phí" và "giữ yên lặng nơi công cộng và không làm phiền người khác", nhưng có những phụ huynh chỉ tôn trọng "sự tự do" của bọn trẻ và phớt lờ môi trường chung. Đáp lại ý thức về ranh giới đó của người lớn, đứa trẻ tất nhiên sẽ tự cho mình là trung tâm, tự nhiên không trân trọng đồ vật và những người xung quanh, tiếp tục làm bất cứ điều gì mình muốn.
Đừng nghĩ rằng trẻ vô kỷ luật sẽ cho phép chúng thực sự là chính mình. Trên thực tế, sự tự do không có quy tắc có thể khiến trẻ cảm thấy bất an. Điều này cũng giống như khi bạn đang lái xe trên một con đường mới chưa có vạch kẻ đường, bạn không tự tin vì thiếu an toàn, luôn sợ đụng phải xe bên cạnh nên liên tục nhìn xung quanh, tiến về phía trước một cách lo lắng.
Trẻ em được sinh ra để theo đuổi "ý thức về giá trị". Trẻ sẵn sàng chấp nhận các quy tắc phù hợp giúp tạo ra cảm giác về giá trị.
Kỷ luật không phải là trừng phạt, kỷ luật hiệu quả cần có phương pháp
Là cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm giúp trẻ thiết lập ranh giới để thích nghi với xã hội. Đừng sợ kỷ luật khiến trẻ không thoải mái, chỉ cần kỷ luật phù hợp, trẻ có thể chấp nhận ngay từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, kỷ luật hiệu quả cần dựa trên sự hiểu biết và tuân theo các đặc điểm phát triển của trẻ. Nói cách khác, trẻ phải có khả năng hiểu và thực hiện các quy tắc phù hợp. Vì vậy, ở các độ tuổi khác nhau, trọng tâm của kỷ luật cũng sẽ dựa trên nhu cầu phát triển của trẻ:
Trong năm đầu đời, trẻ cần được bảo vệ nhiều hơn và có được cảm giác an toàn khi được yêu thương, cha mẹ cần rất ít ranh giới.
Trẻ từ 1-3 tuổi có thể học cách trả lời "không" và hiểu hậu quả của hành vi xấu. Ví dụ, trong một tình huống gây rối, cha mẹ sẽ nói "không" và trực tiếp đưa trẻ đi; có thể nắm lấy tay trẻ cho đến khi trẻ bình tĩnh lại, sau đó nói với trẻ rằng điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khó chịu nào cho cả hai bên. Có thể trẻ chưa hiểu lý do của bạn, nhưng dần dần con sẽ nhận ra.
Đối với trẻ từ 3-5 tuổi, trẻ có thể hiểu rõ hơn tại sao mình phải chịu trách nhiệm và hậu quả của việc vô trách nhiệm, đồng thời người lớn cũng có thể cùng trẻ thảo luận. Lúc này, trẻ có thể học cách đối xử tốt với bạn bè, thể hiện sự bất đồng một cách lịch sự... Cho con làm việc nhà; không ăn món yêu thích là kiểu kỷ luật phù hợp giai đoạn này.
Trẻ em từ 6-11 tuổi, ngoài gia đình, các em dành nhiều thời gian hơn cho việc học và bạn bè. Ở giai đoạn này, trẻ cần biết đặt mục tiêu học tập, hình thành thói quen học tập nghiêm túc, quản lý thời gian và tiền bạc. Lúc này, cha mẹ vẫn giữ vai trò giám sát, kiềm chế trẻ như yêu cầu trẻ nhất quyết làm một số việc phải làm; cùng lên kế hoạch và quy định hợp lý thời gian hoạt động tự do.
Các em từ 12-18 tuổi là lứa tuổi vị thành niên, chủ yếu ở giai đoạn này là sự tự nhận thức về các giá trị, hiểu biết về giới tính,... Cha mẹ ở giai đoạn này nên chuyển từ vai trò "quản lý" sang "gây ảnh hưởng", đồng thời cố gắng hết sức để con cái biết được hệ quả tự nhiên của các vấn đề như quan hệ giữa các cá nhân, sắp xếp thời gian và mục tiêu dài hạn.
Mặt khác, kỷ luật thích hợp cần phải có phương pháp.
Kỷ luật không phải là trừng phạt mà là kiềm chế hợp lý đối với những hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội của trẻ. Mục đích của kỷ luật là giúp trẻ thích nghi tốt hơn với xã hội và các mối quan hệ giữa các cá nhân trong tương lai. Những gì chúng ta phải làm là để trẻ tiếp thu những quy tắc có lợi này với tiền đề là được tôn trọng.
Trước hết, cha mẹ cần hiểu hành vi xấu của trẻ là gì. Nhà tâm lý học Drakes cho biết, mỗi đứa trẻ đều có mục đích khác nhau đằng sau hành vi xấu. Ví dụ, một số trẻ gây rắc rối vì muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ, một số muốn trả thù cha mẹ hoặc người khác, và một số vì sự thay đổi tâm sinh lý của độ tuổi.
Những đứa trẻ chơi đùa quậy phá trong nhà hàng hay nơi công cộng có thể thuộc kiểu thứ ba. Cha mẹ cần biết con làm vậy là do bản tính ham chơi, nhưng không thể bỏ qua mà hãy dạy con tôn trọng bản thân và tôn trọng môi trường, biết cân nhắc xem môi trường nào phù hợp để làm gì.
Thứ hai, hiểu cảm xúc của con bạn và giao tiếp với chúng một cách tôn trọng. Khi trẻ đang chơi vui vẻ, đột nhiên bị dừng lại mà không rõ nguyên nhân, trẻ thường la hét để thể hiện sự phản kháng. Đôi khi chúng ta khuyên giải cũng không được, bởi vì bạn và con không cùng kênh hiểu biết và cảm nhận về mọi việc. Trẻ sẽ nghĩ rằng bạn không hiểu chúng nên không sẵn sàng chấp nhận lời khuyên.
Trước tiên, chúng ta có thể bày tỏ sự hiểu biết của mình về trẻ và giải thích cho chúng hiểu lý do tại sao không thể chơi như thế này. Chẳng hạn với những đứa trẻ xé giấy ăn và chạy nhảy trong nhà hàng, bạn có thể nói: "Mẹ thấy các con rất thích thú với giấy. Nhưng nó gây ra một số vấn đề khi chơi ở nhà hàng, không chỉ làm phiền người khác mà còn lãng phí rất nhiều giấy. Tất cả các con đều biết rằng giấy được làm từ cây, việc xé giấy và chơi đùa tương đương với việc phá hủy cây cối". Sau đó, hãy khuyến khích con sửa sai bằng cách dọn giấy vương vãi trong nhà hàng và đừng chì chiết lỗi lầm này nữa.
Thứ ba, nghiêm túc lắng nghe phản hồi của con, bày tỏ sự ghi nhận khi con có tiếp thu đồng thời khuyến khích con chịu trách nhiệm. Khi trẻ biết rằng mình sẽ không bị sỉ nhục khi mắc lỗi và có thể bù đắp để sửa sai, trẻ sẽ dám nhận trách nhiệm.
Nhà tâm lý học Selma Freberg cho biết: "Một đứa trẻ không kỷ luật là đứa trẻ cảm thấy không được yêu thương". Nếu bạn thực sự yêu thương con cái, bạn không chỉ cho đi tình yêu mà còn phải đưa ra kỷ luật – giúp trẻ thấm nhuần ý thức về các quy tắc, để trẻ cảm thấy an toàn. Chỉ khi tôn trọng bản thân đồng thời biết tôn trọng người khác và môi trường mới có thể giúp con cái sau này có chỗ đứng tốt hơn trong xã hội.
Trí thức trẻ