MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cha mẹ thông minh không bao giờ nói với con 5 câu này: Vì họ biết chúng có hại cho con nhường nào!

03-07-2023 - 06:26 AM | Sống

Cha mẹ thông minh không bao giờ nói với con 5 câu này: Vì họ biết chúng có hại cho con nhường nào!

Giáo dục gia đình là vô cùng quan trọng!

Cha mẹ nào cũng mong con mình lớn lên tài giỏi, có một tương lai tươi sáng. Họ mong con dũng cảm đối mặt với thử thách, biết chịu trách nhiệm và không lùi bước trước thất bại. Tuy nhiên, không phải lúc nào con cũng trưởng thành được như cha mẹ mong muốn.

Về bản chất, tương lai một đứa trẻ ra sao phụ thuộc rất lớn vào cách giáo dục của gia đình. Trong cuộc sống hàng ngày, có những hành động, câu nói của cha mẹ có thể tác động trực tiếp đến tính cách, lối sống của con cái.

Theo các chuyên gia giáo dục, những bậc cha mẹ thông minh sẽ không bao giờ nói 5 câu sau với con. Bởi họ biết chúng có hại nhường nào.

1. "Con là số một, con giỏi nhất"

"Con là số một, con giỏi nhất" tưởng như một câu khen ngợi nhưng lại vô hình tạo ra áp lực đối với trẻ. Nếu lần sau trẻ không phải là người có điểm số cao nhất, không còn dẫn đầu trong cuộc thi thì không còn là số một nữa ư?

Có một câu chuyện như sau: Bé gái nọ luôn đứng đầu lớp từ nhỏ. Nhưng một lần, em tụt xuống vị trí số 6. Khi mang bài kiểm tra về nhà, em đã rất sợ bố mẹ sẽ trách mắng, hỏi tội. Kết quả là khi biết thành tích học của con bị tụt, bố mẹ em đã không an uit một lời nào. Không còn những lời khen, họ nhìn con gái với ánh mắt đầy thất vọng.

Kể từ lúc đó, bé gái học hành chăm chỉ mỗi ngày, vì sợ mất vị trí đầu lớp, sợ bố mẹ thất vọng. Nhưng đến khi trưởng thành, em lại khiến bố mẹ thất vọng. Bởi lúc này, em là một "con mọt sách" đúng nghĩa. Vì quá quan tâm đến việc học nên em bỏ bê việc trau dồi các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội. Khi đi làm, vì ăn nói kém nên em không được lòng đồng nghiệp. Công việc của em không suôn sẻ, cuộc sống cũng không hạnh phúc.

Cha mẹ thông minh không bao giờ nói với con 5 câu này: Vì họ biết chúng có hại cho con nhường nào! - Ảnh 1.

Khi trẻ đạt kết quả học tập tốt, cha mẹ có thể khen ngợi nhưng không nên quá quan tâm đến thứ hạng của trẻ. Điều quan trọng nhất là nhìn thấy sự cố gắng của trẻ và khen ngợi điều đó. Chẳng hạn: "Con luôn là niềm tự hào của bố mẹ vì đã học tập chăm chỉ".

2. "Khi nào con đạt điểm cao rồi hãy đòi hỏi!"

Trong mắt nhiều cha mẹ, điểm số là tiêu chí duy nhất để đánh giá con cái. Vì vậy, khi trẻ có bất kỳ yêu cầu nào, cha mẹ đều sẽ dùng điểm số để trao đổi, đe dọa. "Khi nào đạt điểm cao rồi hãy đòi hỏi", "mang điểm 10 về đây rồi muốn nói gì thì nói" - những lời này của cha mẹ khiến trẻ cảm thấy mình thật kém cỏi. Bởi vì điểm số kém nên cha mẹ không thích, không hài lòng.

Thực tế, cha mẹ có thể nói những câu khéo léo hơn, chẳng hạn như: "Mẹ lo lắng thứ đó sẽ ảnh hưởng đến việc học của con. Bây giờ con cứ học hành chăm chỉ trước, chờ thành tích tốt hơn mẹ sẽ mua cho con nhé". Câu nói dịu dàng, khéo léo này của cha mẹ sẽ dễ được trẻ chấp nhận hơn.

3. "Con còn nhỏ, không làm được đâu"

Trong mắt nhiều cha mẹ, con cái mãi mãi bé bỏng, cần được bảo vệ, đùm bọc. Đôi khi sự bao bọc đó bị quá đà! Trong quá trình lớn lên, trẻ cần không ngừng khám phá, tìm tòi mới có thể trưởng thành.

Khi cha mẹ nói câu bên trên sẽ vô tình "bóp nát" sự nhiệt tình của trẻ với thế giới xung quanh, khiến trẻ mất đi bản tính khám phá. Dần dần, nhiều đứa trẻ trở nên tự ti, không có dũng khí trái nghiệm những điều mới lạ, những thử thách trong cuộc sống. Các em cảm thấy mình không giỏi trong mọi việc.

Cha mẹ thương con không có gì sai nhưng cần chú ý thương sao cho đúng cách. Đến một độ tuổi nhất định, cha mẹ cần buông tay để cho con tự lập. Trong quá trình trưởng thành của con, cha mẹ có thể động viên con nhiều hơn, hãy cho con biết dù con gặp phải chuyện gì thì vẫn luôn có cha mẹ làm chỗ dựa.

4. "Con tôi cũng hư/kém lắm, không ngoan đâu"

Khi con được người khác khen ngợi, nhiều cha mẹ vì muốn tỏ ra khiêm tốn mà phủ nhận những điểm tốt của con như: "Ui dào, Con tôi cũng hư/kém lắm, không ngoan đâu". Thậm chí, nhiều cha mẹ còn vui mồm kể ra một loạt khuyết điểm của con như "sáng nào cũng phải gọi như hò đò mới chịu dậy đi học", "cũng hay cắm mặt vào game",...

Khi rơi vào tình huống này, đứa trẻ sẽ rất khó hiểu. Rõ ràng bố mẹ từng khen mình nhưng tại sao sau khi ra ngoài lại thay đổi 180 độ? Hay hóa ra mình tệ hại như vậy trong lòng bố mẹ?

Lâu dần, "khiêm tốn" kiểu này sẽ khiến con tổn thương, tạo ra khoảng cách với cha mẹ. Khi trẻ được người khác đánh giá cao, cha mẹ nên đối xử với trẻ một cách lý trí, không cần phải quá nhún nhường. Nhưng cũng đừng quá tự hào, cha mẹ có thể khen ngợi những nỗ lực của trẻ và khuyến khích trẻ tiếp tục làm việc, học tập chăm chỉ để trở nên tốt hơn.

5. "Không học hành chăm chỉ thì tương lai chỉ có đi quét rác"

Đối với những đứa trẻ thích chơi, không thích học, cha mẹ thường nói câu trên để dọa con. Dù đây chỉ là câu nói vô ý nhưng nó lại khiến trẻ hình thành nên quan niệm phân biệt đối xử với nghề nghiệp. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ.

Theo Thanh Hương

Phụ nữ số

Trở lên trên