MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm áp thuế tối thiểu toàn cầu: Nhà nước, doanh nghiệp FDI cùng 'thiệt đơn, thiệt kép'

Từ năm 2024, các quốc gia trên thế giới áp Thuế Tối thiểu toàn cầu. Nếu Việt Nam không áp dụng, sẽ mất đi “quyền đánh thuế”. Hàng chục nghìn tỷ đồng tiền chênh lệch khoản thuế thu nhập doanh nghiệp mà “ông lớn” FDI phải nộp thêm chảy về chính quốc mỗi năm. Nếu không sớm áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu, cả doanh nghiệp và Nhà nước “thiệt đơn, thiệt kép”.

Việt Nam hiện có 1.015 doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu. Nếu quốc gia áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 khoảng 12.000 tỷ đồng.

Tiêu biểu như trường hợp của Công ty TNHH Samsung Việt Nam. Do Hàn Quốc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu từ năm tới, Samsung ước tính, năm tài chính 2024 sẽ phải đóng thêm một khoản thuế 400 triệu USD về Hàn Quốc. Nếu tính cho cả thời gian ưu đãi thuế tại Việt Nam, tổng số thuế chênh lệch phải đóng thêm ước tính 6,5 tỷ USD.

Chậm áp thuế tối thiểu toàn cầu: Nhà nước, doanh nghiệp FDI cùng 'thiệt đơn, thiệt kép' - Ảnh 1.

Samsung là một trong những DN bị ảnh hưởng khi áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Samsung

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, nếu áp dụng mức thuế ưu đãi của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành, tổng số thuế DN phải nộp trong suốt thời gian hoạt động sẽ cao hơn áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu 15%. Bộ Tài chính dẫn ví dụ, DN có thu nhập tính thuế ổn định 100 tỷ đồng/năm. Theo Luật Thuế Thu nhập DN hiện hành, DN phải nộp tổng số thuế 765 tỷ đồng trong suốt thời gian hoạt động. Nếu áp Thuế Tối thiểu toàn cầu, DN chỉ nộp 750 tỷ đồng. Trường hợp cùng doanh thu 100 tỷ đồng/năm và tăng trưởng đều 5%/năm, khi nhận ưu đãi theo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành, DN nộp tổng số thuế 3.861 tỷ đồng trong suốt thời gian hoạt động. Trong khi đó, nếu áp Thuế Tối thiểu toàn cầu, DN chỉ nộp 3.140 tỷ đồng.

Là một trong những DN bị ảnh hưởng khi áp Thuế Tối thiểu toàn cầu, Cty TNHH Canon Việt Nam đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ nhiều giải pháp. Theo đó, Canon Việt Nam hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và quỹ phòng chống thiên tai. Cùng với đó, cơ quan chức năng hỗ trợ chi phí khác như trợ cấp nhà ở, xe đưa đón, đào tạo lao động, tiền thuê đất, phi quản lý khu công nghiệp. Các chi phí hỗ trợ thực hiện theo cơ chế chi phí tháng này được khấu từ vào số tiền thuế phải nộp của tháng sau.

Cùng kiến nghị, Cty TNHH Competition Team Technology (Cty con của Tập đoàn Foxcoonn - Đài Loan) mong muốn được hỗ trợ bù đắp nguyên giá tài sản cố định, hỗ trợ chi phí ký túc xá cho công nhân.

Chậm chân sẽ “mất” hàng chục nghìn tỷ/năm

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung. Đồng thời giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư. Nếu áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách.

“Việt Nam triển khai thuế tối thiểu nội địa có thể dành phần thuế thu thêm để phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ. Đồng thời, sử dụng nguồn lực từ khoản thu thuế này để hỗ trợ DN FDI. Nếu chậm áp Thuế Tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ mất “quyền đánh thuế”. Hàng chục nghìn tỷ đồng tiền chênh lệch thuế mỗi năm, doanh nghiệp vẫn phải nộp về chính quốc, trong khi Nhà nước không có nguồn lực bổ sung để tiếp tục hỗ trợ DN”, ông Thịnh đánh giá.

Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) lưu ý, phần chênh lệch Thuế Thu nhập doanh nghiệp khi áp Thuế Tối thiểu toàn cầu, DN FDI vẫn phải đóng, trong khi Việt Nam không thu được. Hơn nữa, Việt Nam không theo kịp xu hướng hội nhập cuộc chơi toàn cầu và đánh mất đi cơ hội cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho rằng cần giải pháp hỗ trợ cho DN trong quá trình đầu tư hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhận định, các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này thể hiện qua số liệu thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2023 vắng bóng dự án lớn. Gần 70% dự án mới vào Việt Nam có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD, chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

Trở lên trên