MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm giải ngân đầu tư công: Đã đến mức báo động?

Chậm giải ngân đầu tư công: Đã đến mức báo động?

Nửa đầu năm 2022, giải ngân đầu tư công mới đạt hơn 27% kế hoạch. Để giải ngân hết số vốn được giao như mục tiêu đề ra, công việc còn lại của những tháng cuối năm khó hình dung phải làm thế nào đạt hiệu quả.

Một nửa đơn vị giải ngân dưới 10%

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, còn tới 50% bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng giao. Đặc biệt, 4 cơ quan trung ương (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Hội Nhà văn Việt Nam) đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Những khó khăn trong thực hiện dự án đầu tư công được bộ ngành, địa phương, và cả nhà thầu chỉ rõ, nhiều lần kiến nghị, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, doanh nghiệp xây dựng trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các gói thầu sử dụng vốn nhà nước. Từ năm 2020, giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, dẫn đến giá thành các dự án xây dựng đến nay tăng khoảng 18 - 30% so với đầu năm 2020.

Chậm giải ngân đầu tư công: Đã đến mức báo động? - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công mới đạt 27,86% kế hoạch. Ảnh minh hoạ: VGP


Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn đà tăng, hoặc bù giá cho nhà thầu. Một số nhà thầu tính toán, theo đơn giá bình thường, kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công thì doanh nghiệp lãi khoảng 4%, nhưng do nợ đọng, giá tăng quá cao mà không được bù, nên nhà thầu càng làm càng lỗ.

Một nhà thầu lớn chia sẻ, hiện chỉ một số ít doanh nghiệp xây dựng hoạt động hiệu quả, nhờ không nhận thầu các dự án đầu tư công, mà thi công cho nhà đầu tư nước ngoài, hoặc tìm được việc làm trên thị trường thế giới. Còn lại, hầu hết doanh nghiệp xây dựng vướng nợ nần, thua lỗ. Cơ quan chức năng cần sớm xây dựng và áp dụng cơ chế bù giá cho sát với thị trường.

“Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Những điểm nghẽn gây chậm đầu tư công cũng được các Tổ công tác của Thủ tướng chỉ ra. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 nêu ví dụ về một số quy định đang gây khó, cản trở tiến độ giải ngân đầu tư công.

“Nhiều nơi đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản, theo hướng quy định: tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản. Quy định hiện hành đang gây khó khăn cho việc khai thác đất đá để san lấp mặt bằng cho các dự án, khiến nhiều dự án trọng điểm bị chậm tiến độ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, chỉ một quy định tưởng là đơn giản, nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân các dự án. Trong khi đó, một dự án đầu tư công phải chấp hành rất nhiều quy định của các luật khác nhau. Các quy định này chi phối cả vòng đời dự án đầu tư công, từ chuẩn bị đầu tư cho đến thực hiện, quyết toán dự án, và cái khó là không thể thực hiện đồng thời mà phải theo từng quy trình, xong khâu này mới đến khâu kia. Vì vậy, chỉ một khâu vướng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án.

Nói thêm về tiến độ “rùa bò” của dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù Luật Đầu tư công cho phép, và Quốc hội đã quyết định tách thành dự án độc lập, (được áp dụng một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, bố trí đủ vốn để thực hiện), nhưng dự án vẫn rất chậm, tiến độ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra. Quốc hội phải quyết định cho phép bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục triển khai.

Phải tháo những điểm nghẽn “chai lỳ”

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, tỷ lệ giải ngân nửa đầu năm nay chưa đạt kỳ vọng. Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề mang tính hệ thống, tồn tại nhiều năm. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, ông Dũng cho rằng, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà có giải pháp căn cơ, lâu dài.

“Chúng ta cũng không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu.

Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng, là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định về một số hành động trước được thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng, để nếu được phân bổ vốn là có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.

Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên