MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm giải ngân vốn và hệ lụy khó lường

Vốn đầu tư công được giải ngân chậm kỷ lục, khiến lãnh đạo Chính phủ tỏ ra sốt ruột. Giải ngân chậm đang ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm. Ngoài tác động xấu khiến GDP khó cán đích 6,7% như mục tiêu, giải ngân chậm còn khiến Chính phủ phải gánh lãi vay của dân.

Lỗi tại ai?

Cập nhật báo cáo bức tranh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm cho thấy: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện nửa đầu năm 2017 đạt hơn 674 nghìn tỷ đồng (bằng 32,8% GDP). Trong đó: Vốn khu vực Nhà nước đạt 242 nghìn tỷ đồng; Khu vực ngoài Nhà nước đạt hơn 260 nghìn tỷ đồng; Khu vực FDI đạt 171 nghìn tỷ đồng. “Mặc dù đầu tư khu vực Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, song xu hướng co hẹp của khu vực này là rõ ràng”, Cty Chứng khoán MB nhận định.

Tại buổi họp Tổ giải ngân vốn đầu tư công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì (4/7), đại diện Bộ KH&ĐT cho hay: Đối với vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), qua 6 tháng mới giao được 5.197 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017, chiếm 10,4%. Còn vốn TPCP chuyển nguồn mới giao được hơn 6.200 tỷ đồng (38,2%). Như vậy, vốn TPCP chưa giao còn gần 55.000 tỷ đồng.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2017. “Cần thiết sẽ yêu cầu Thanh tra Chính phủ làm rõ trách nhiệm của ai giao vốn chậm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề liên quan, lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định: Bộ đang nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong việc rà soát trách nhiệm của cá nhân, cục vụ có nhiệm vụ liên quan. “Chúng tôi đã giao vụ tổng hợp kinh tế quốc dân rà soát trách nhiệm của cục, vụ theo chỉ đạo của phó thủ tướng. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nói.

Theo một chuyên viên Bộ KH&ĐT, việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân từ khâu chuẩn bị dự án (DA) đến triển khai thực hiện. Sau khi có quyết định đầu tư, DA sẽ được bố trí kế hoạch vốn. Tuy nhiên, đa số quyết định đầu tư DA hiện nay của nước ta chuẩn bị chưa tốt. Thậm chí một số dự án phê duyệt quyết định đầu tư còn mang tính hình thức. DA được bố trí vốn mới thực hiện các bước thiết kế cơ sở, xây dựng phương án giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động của DA liên quan đến việc thu hồi đất… “Có chủ tịch tỉnh từng nói với tôi, thủ tục hành chính rườm rà, tiền sẵn có nhưng phải soi rất kỹ mới dám trình ký. Thà chậm còn hơn mắc sai sót dù vô tình hay cố ý”- một lãnh đạo Bộ KH&ĐT tiết lộ.

Luẩn quẩn huy động vốn

Trước thực tế này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ đề xuất: Bộ KH&ĐT cần tìm cách tháo gỡ thủ tục để thực hiện giải ngân vốn đầu tư cho các DA nhanh hơn. Ngoài ra, chủ đầu tư DA là địa phương, bộ ngành cũng cần cố gắng, tích cực hơn trong thực hiện. “Tôi cho rằng, tình trạng này lỗi từ 2 phía. Ngoài lỗi do Bộ KH&ĐT, còn lỗi do năng lực kém của chủ đầu tư DA. Từ đó mới xảy ra tình trạng tiền sẵn có nhưng không giải ngân được”, ông Hồ nói.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định (trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 26,8%). Số liệu của Kho bạc Nhà nước cho thấy, sau nửa năm đã phát hành được 3/4 số lượng TPCP để huy động vốn cho thực hiện các công trình, dự án nhưng việc giải ngân lại đang chậm trễ như nêu trên.

Cập nhật bức tranh kinh tế, đến hết năm 2017, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 65% GDP chạm trần mức 65% mà Quốc hội đề ra. “Nợ công chạm trần, Chính phủ sẽ phải tính đến vay nợ trong nước. Để vay nợ, bù đắp bội chi, các công cụ điều hành vĩ mô như công cụ lãi suất, tỷ giá... sẽ được sử dụng. Điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế”, một chuyên gia ngân hàng bày tỏ quan ngại. Ông cũng cho rằng, huy động từ phát hành TPCP xong rồi không tiêu được lại quay nằm ở ngân hàng, là luẩn quẩn.

Hiện nay, Bộ KH&ĐT chỉ bố trí tổng vốn đầu tư phát triển cho địa phương, bộ ngành. Số vốn này được cấp cho các dự án bao nhiêu là do lãnh đạo bộ ngành, địa phương quyết định. Bộ KH&ĐT là đơn vị tổng hợp, rà soát quá trình thực hiện.

Đại diện Bộ KH&ĐT cho hay, tới đây các địa phương phải tăng cường khâu chuẩn bị DA. Với các nước trên thế giới, thời gian chuẩn bị DA trung bình 3 năm. Với một số DA vốn đầu tư lớn có thể kéo dài 7-10 năm. Khi có quyết định đầu tư, các DA thi công rất nhanh, chỉ 15-20 tháng là hoàn thành.

Tại hội nghị ngành Bộ Tài chính (5/7), Phó Thủ tướng Vương Đinh Huệ nói: Việc giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, chỉ đạt 25% dự toán, làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; vốn ngân sách từ năm trước chuyển sang năm 2017, tính đến nay chưa giải ngân được là 300.000 tỷ đồng. “Số vốn mang tính chất “mồi” này nếu giải ngân kịp thời, có thể thu hút khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư của xã hội cho phát triển kinh tế. Dù trách nhiệm chính là của Bộ KH&ĐT nhưng cũng có phần trách nhiệm của Bộ Tài chính trong phối hợp”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Quỳnh Nga - Khánh Huyền

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên