MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm mở “room” - thoái vốn, Vinacapital cũng chỉ biết đợi

Thị trường chứng khoán có tới hơn 700 doanh nghiệp nhưng chỉ vài công ty đã chính thức mở "room". Rõ ràng, sau hơn 1 năm có chủ trương bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài, thành quả đạt được vẫn còn rất ít.

Đầu tháng 5 này, VNM - doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam (hơn 7 tỷ USD) đã thông báo sẽ bỏ hoàn toàn trần sở hữu của nhà đầu tư ngoại (Room). Đây là một tuyên bố đáng chờ đợi sau 1 năm có chủ trương mở Room nhưng lại rất ít tiến triển.

Từ giữa năm ngoái đến cuối năm, chứng khoán SSI là công ty xung phong đầu tiên mở Room tới 100%. Còn trong quý I/2016, mới có 2 công ty khác gia nhập câu lạc bộ này là thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) và Eveperia (EVE) - doanh nghiệp chuyên về chăn ga gối đệm.

Theo đánh giá của VinaCapital, có 4 nguyên nhân chính làm việc mở Room mất nhiều thời gian.

Thứ nhất, danh sách các ngành mở cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn thiếu rõ ràng. Các doanh nghiệp trong những ngành chiến lược hoặc có điều kiện trong khi bị quản lý về giới hạn Room thì những hướng dẫn về danh mục 267 ngành nghề có điều kiện vẫn chưa có.

Hiện ngành ngân hàng vẫn đang bị giới hạn Room ở tỷ lệ 30%, viễn thông là trần là 49%.

Phải đến cuối 2015, Bộ tài chính đưa ra danh sách 17 ngành mở room cho nước ngoài bao gồm bất động sản, dịch vụ du lịch, giải trí, chăm sóc sức khỏe….

Thứ hai, quy định chưa rõ ràng dễ dẫn đến xung đột pháp lý: nếu mở Room và sở hữu trên 50%, một công ty sẽ được coi như doanh nghiệp nước ngoài và chịu thuế và cùng các luật dành cho các doanh nghiệp ngoại.

Ngoài ra, giới hạn các luật khác như ở ngành bán lẻ cũng không nhiều khó khăn. Theo đó, công ty nước ngoài phải có bản đánh giá về nhu cầu kinh tế và chịu các rào cản khi tìm cách mở cửa hàng trong nước.

Ngay cả với các công ty bất động sản thì khi mở Room cũng bị giới hạn mở rộng quỹ đất.

Thứ ba, tâm lý chời đợi. Do không chắc chắn, hầu hết các công ty lựa chọn quan sát các công ty khác mở room trước và xem các doanh nghiệp này ứng phó thế nào trước khi ra quyết định.

Cuối cùng là nỗi lo mất doanh nghiệp bởi nhiều công ty gia đình sợ rằng cởi mở đón vốn ngoại sẽ đẩy đứa con tinh thần vào tay người khác. Nỗi ám ảnh này thậm chí còn khiến họ nguôi đi nhu cầu huy động vốn.

Tài sản tốt thì chưa bán

Quay trở lại với trường hợp VNM, dù đón nhận thông báo của doanh nghiệp này với tâm lý tích cực tuy nhiên VinaCapital không hề mơ mộng bởi cơ quan quản lý vốn như SCIC lại chưa muốn buông.

Hiện SCIC đang nắm 45% cổ phần của VNM, giá trị hơn 3 tỷ USD cùng nhiều công ty khác.

Dù được yêu cầu thoái vốn nhưng VNM lại nằm ngoài lộ trình thoái vốn. Trong danh sách thoái vốn đưa ra đầu tháng 6, "con gà đẻ trứng vàng" của SCIC không hề có tên dù trong lần công bố trước đó vào tháng 10/2015 VNM có nằm trong kế hoạch thoái.

Trong khi thoái vốn còn gặp nhiều trở ngại, hoạt động IPO đã tỏ kém hấp dẫn khi cổ phần bán ra ít lại định giá quá cao. Ngay cả những trường hợp thành công như Tổng công ty cảng Hàng Không Việt Nam (ACV), Vissan thì tỷ lệ bán ra cũng thấp, lần lượt 3,47% và 14%.

Còn từ đầu năm 2016, cơ quan chức năng nỗ lực hơn khi công bố lộ trình IPO Satra, Tổng công ty Bến Thành và Mobifone .

Đã có kỳ vọng về khoản tiền thu về từ bán cổ phần 3 công ty trên thậm chí còn nhiều hơn giá trị IPO của 560 công ty trong 5 năm vừa qua.

Tuy nhiên, sau những trì hoãn và nhiều lời hứa dang dở, nhà đầu tư nước ngoài lại phải hoài nghi về các cam kết của cơ quan quản lý.

Theo Mai Hương

BizLIVE

Trở lên trên