MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm tiến độ, gói thầu quan trọng chỉ đạt 5% sau 7 tháng, cầu nghìn tỷ cấp đặc biệt được Thủ tướng 5 lần thị sát vẫn về đích sớm, công nghệ Việt Nam làm chủ 100%

03-01-2025 - 11:15 AM | Kinh tế số

Nhờ thay đổi công nghệ thi công, cầu Mỹ Thuận 2 đạt thành công lớn.

Chậm tiến độ, gói thầu quan trọng chỉ đạt 5% sau 7 tháng, cầu nghìn tỷ cấp đặc biệt được Thủ tướng 5 lần thị sát vẫn về đích sớm, công nghệ Việt Nam làm chủ 100%- Ảnh 1.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, cầu Mỹ Thuận 2 là công trình đầu tiên Việt Nam thực sự làm chủ công nghệ xây dựng một cây cầu lớn, phức tạp. Cầu Mỹ Thuận được khởi công vào 16/32020 với tổng mức đầu tư là 5.003 tỷ đồng và khánh thành vào tháng 12/2023. Tổng chiều dài dự án 6,61km.

Cầu Mỹ Thuận 2 là công trình có quy mô lớn, chiều cao trụ tháp tính từ đỉnh bệ đến đỉnh trụ là 119.5m, kết cấu dầm thi công ở vị trí cao hơn mặt sông khoảng 38m với khẩu độ nhịp chính 350m, là một trong các cầu dây văng lớn nhất hiện nay ở Việt Nam.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có 5 gói thầu. Trong đó, gói thầu XL.03A (giá trị 595 tỷ đồng) là gói thầu quan trọng, thực hiện thi công cọc khoan nhồi và bệ các trụ nhịp chính (trụ tháp) dây văng, từ trụ T14 đến T17 (bao gồm điều tiết đảm bảo ATGT thủy trong thời gian thi công) được thực hiện trong khoảng thời gian 16 tháng (từ ngày 1/9/2020 đến 31/12/2021). Tuy nhiên, sau gần 7 tháng thi công nhưng mới đạt 5% khối lượng công việc, chậm so với tiến độ được Bộ GTVT yêu cầu.

Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) - một trong những liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu XL.03A cho biết, việc thi công gói thầu XL03A chậm do thay đổi công nghệ thi công cọc khoan nhồi để thực hiện trụ nhịp chính dây văng để phù hợp với địa chất tại đây. Nhà thầu phải chuyển từ công nghệ ban đầu là RCD (công nghệ được áp dụng ở cầu Vàm Cống nối Đồng Tháp và Cần Thơ) sang công nghệ khoan cần Kelly (công nghệ áp dụng ở cầu Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Đồng thời, nhà thầu cũng huy động nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại và nhân lực hơn 120 kỹ sư, công nhân thi công liên tục 3 ca/ngày để đảm bảo kịp tiến độ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã tích cực thi công nhằm hoàn thành đúng tiến độ.

Đáng chú ý, Thủ tướng đã 5 từng lần trực tiếp khảo sát hiện trường, động viên các cơ quan liên quan, đội ngũ cán bộ, công nhân thi công dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Đến tháng 24/12/2023, cầu Mỹ Thuận 2 chính thức được khánh thành. Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án 7 chia sẻ, cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong 40 tháng, sớm hơn so với mục tiêu đề ra. Dự án hoàn thành rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Cần Thơ từ 4 giờ xuống còn hơn 2 giờ.

Thực tế, cầu Mỹ Thuận 2 có yêu cầu kỹ thuật cao, công nghệ phức tạp do các cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam tự quản lý, thiết kế, giám sát và thi công, là công trình được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn lực nước nhà.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Do đó, dự án được trang bị nhiều công nghệ giao thông thông minh như hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), an toàn giao thông…

Trong đó, ICT là điều kiện cần thiết để triển khai các hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System - ITS). ITS là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ điện tử, tin học, viễn thông… vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả...

Hệ thống giao thông thông minh cung cấp thông tin theo thời gian thực và giải pháp điều khiển giao thông linh hoạt bảo đảm trật tự, An toàn giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường. ITS là yếu tố then chốt tạo nên hệ thống giao thông bền vững.

Về cơ bản, ITS sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông để liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện lưu thông trên đường thành một mạng lưới thông tin viễn thông. Từ đó, ITS phục vụ cho việc quản lý, vận hành, khai thác và lưu thông được tối ưu nhất trên các tuyến đường. Việt Nam đã rất nỗ lực nghiên cứu để có thể tự triển khai công nghệ thông minh này.

Minh Tiến

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên