MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chặn đà tăng giá thép

05-06-2021 - 08:30 AM | Thị trường

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ như phòng vệ giá, mua hàng trong tương lai để tránh những biến động bất lợi về giá.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép trong nước đã tăng 40%-50%. Thép là vật liệu quan trọng với ngành xây dựng khi chiếm 10%-30% tổng giá trị mỗi dự án xây dựng dân dụng. Giá thép tăng phi mã khiến các doanh nghiệp (DN) sử dụng loại vật liệu này gặp nhiều khó khăn.

Xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép có thể tăng đến hết quý III năm nay trước những diễn biến khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ. Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu thép, có biện pháp kiểm soát để giảm tác động tăng giá thép tới sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định những diễn biến bất thường của giá thép diễn ra thời gian khá dài, phản ứng của các cơ quan quản lý khá chậm khiến DN trong ngành xây dựng gặp không ít khó khăn. Khi trên thị trường xuất hiện những biến động lớn về giá, người dân, DN đã phản ánh thì cơ quan quản lý nhà nước phải thể hiện vai trò điều phối. Chuyên gia này cho rằng cần làm rõ có hay không việc các DN ngành thép "nhìn nhau" để găm hàng, tăng giá.

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 3-6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, bộ đã rà soát và xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bộ triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế. Cơ quan này cũng đề xuất theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các DN sản xuất thép.

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc bộ tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đồng thời, xem xét, đề xuất ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

Khi làm việc với các DN ngành thép mới đây sau cơn "sốt giá" trên thị trường thép, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh. Cùng với đó, từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các DN trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất những mặt hàng thép đặc biệt, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác.

Chặn đà tăng giá thép - Ảnh 1.

Giá thép liên tục tăng trong thời gian dài

Sử dụng công cụ phòng vệ giá

Ngày 4-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc chặn đà tăng giá thép, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, cho rằng các DN cần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.

VSA kiến nghị các nhà sản xuất thép ưu tiên nguồn phôi thép để dùng cho sản xuất trong nước. Chính phủ cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các đơn vị sản xuất phôi tạm thời hạn chế xuất khẩu, ưu tiên thị trường nội địa, góp phần hạn chế sự tăng giá thép xây dựng. Theo ông Đa, khi thị trường xuất hiện những biến động bất thường, nhà nước cần dùng công cụ điều tiết thị trường để can thiệp nhưng phải bảo đảm khách quan, hài hòa lợi ích của các bên, khuyến khích DN sản xuất.

PGS-TS Ngô Trí Long đồng tình với những những giải pháp mà Bộ Công Thương đưa ra nhưng đó là về lâu dài, là nhóm giải pháp tổng thể cho toàn ngành thép. Còn đối với thị trường hiện nay, cần những giải pháp để phòng ngừa rủi ro cho DN, trong đó có DN sử dụng thép khi giá biến động lớn.

"Giá là thị trường quyết định, nhà nước không phải lúc nào cũng can thiệp, chỉ khi có bất ổn mới can thiệp. Do đó, các DN, đặc biệt là DN sử dụng thép cho xây dựng, cho đầu vào sản xuất, phải chủ động để không gặp khó khi giá tăng phi mã như thời gian qua" - ông Ngô Trí Long nói.

Ông Long cũng đề cập các công cụ như phòng vệ giá, mua hàng hóa trong tương lai để các DN thép sử dụng thông qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam. Chẳng hạn các công ty sản xuất sắt thép sử dụng quặng thép để kinh doanh, sản xuất. Để giá quặng sắt không biến động quá lớn hoặc bất thường, DN có thể mua hợp đồng tương lai quặng sắt, mua quặng sắt với một mức giá đã được xác định tại thời điểm mua, nhận hàng trong tương lai. Với công cụ này, có thể tránh được các biến động về giá cho nguyên liệu sản xuất thép. Ngoài ra, các công ty xây dựng trong nước cũng có thể sử dụng công cụ này để ký kết các hợp đồng mua hàng trước, tránh các biến động về giá. Dù vậy, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng để sử dụng các công cụ này, DN cần có đội ngũ dự báo tốt về cung cầu, dự báo biến động giá mặt hàng cần mua.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam mới đây cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng cần có giải pháp để hạn chế xuất khẩu và dự báo tốt nguồn cung, nhu cầu bảo đảm bình ổn thị trường thép trong nước. Tổng hội cũng đề xuất đưa vào pháp luật trường hợp biến động giá bất thường nằm ngoài tầm kiểm soát (làm cho giá hợp đồng tăng trên 10% bao gồm cả dự phòng) thì được xử lý là trường hợp bất khả kháng, các bên xử lý trên nguyên tắc chia sẻ, hài hòa lợi ích nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu của dự án.

Trả giá thép về cho thị trường

Một chuyên gia có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép nhận định tình trạng chung của DN thép không chỉ ở Việt Nam mà cả tại các nước trên thế giới là phụ thuộc vào giá nguyên liệu của thế giới. Không DN nào có thể dự đoán được diễn biến giá nguyên liệu thép thị trường thế giới bởi nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Diễn biến giá thép tăng nóng thời gian qua cũng theo nhịp tăng của giá nguyên liệu, có thể nói là vẫn còn có độ trễ nhất định so với giá nguyên liệu. Đây hoàn toàn là diễn biến bình thường của thị trường.

Về ý kiến đề xuất áp dụng thực hiện bình ổn giá thép, điều này không cần thiết. Quản lý nhà nước cần đi theo những nguyên tắc cơ bản chứ không nên chạy theo những biến động mang tính nhất thời. Vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện một số giải pháp nhằm chặn đà tăng giá thép nhưng mặt bằng giá chỉ giảm được một thời gian rất ngắn rồi quay đầu tăng trở lại. Do đó, hãy trả giá thép về cho thị trường, để thị trường tự vận hành, tự cạnh tranh thì DN sẽ có môi trường và động lực để phát triển. Việt Nam hiện đã có những DN thép lớn, đủ sức cạnh tranh với nhau. Muốn có cạnh tranh thì phải bảo đảm không có DN nào chiếm thị phần chi phối (quá 30%). Còn về phía người mua, nếu thấy giá quá cao, các DN xây dựng có thể cân nhắc nên tiếp tục hay dừng thi công, chờ giá hợp lý hơn hoặc đàm phán lại chi phí với chủ đầu tư.

Theo Minh Chiến

Người lao động

Trở lên trên