Chấn động bê bối tại Tesla: Coi công nhân như robot, nhà máy nhiều 'điểm mù' về an toàn, đã có người thiệt mạng
Chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra kết luận sau cuộc điều tra về cái chết của một công nhân nhà máy.
- 20-04-2023Cuộc chiến dìm giá xe điện tại Trung Quốc: Có mẫu giảm tới hàng chục nghìn USD, dân sales tuyệt vọng nài nỉ khách lái thử
- 20-04-2023'Nghiện' mua hàng online, đây là mặt hàng được người trẻ thành thị Việt Nam chọn mua nhiều nhất qua mạng?
- 20-04-2023BYD mở bán tân binh 'khủng' của làng xe điện, chốt 10.000 đơn hàng trong 24 giờ, giá nhỉnh hơn 200 triệu đồng
Cuộc điều tra mới đây của chính phủ Trung Quốc sau cái chết của một nhân viên nhà máy Tesla Thượng Hải vừa đưa ra kết luận: nhà sản xuất ô tô điện có nhiều ‘điểm mù’ về an toàn, theo Caixin Global.
Văn phòng quản lý khẩn cấp Pudong Thượng Hải đã đề xuất phạt Tesla. Thông tin trên được đăng tải trên trang web văn phòng nhưng sau đó bị gỡ vì phía Tesla yêu cầu. Caixin Global cho biết nhân viên này đã tử vong vì không khóa cổng an toàn trước khi vào khu vực nguy hiểm. Một nhân viên khác chủ quan không kiểm tra trước khi bật thiết bị. Kết quả, người nhân viên 31 tuổi xấu số bị thiết bị nghiền nát, sau đó qua đời tại bệnh viện.
Văn phòng tại Bắc Mỹ và Trung Quốc của Tesla hiện vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận của Insider. Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, cũng giữ im lặng.
Trong khi đó, một số nhân viên nhà máy Tesla Thượng Hải thì phàn nàn trên mạng xã hội về chính sách đãi ngộ nhân viên. Họ nói tiền thưởng hiệu suất của mình đã bị cắt sau cái chết của người nhân viên nọ.
“Hãy chú ý đến thành tích của những công nhân tuyến đầu tại nhà máy Thượng Hải Tesla - những người đang bị trừ lương tùy tiện”, một tài khoản viết trên Twitter.
Không dừng lại ở đó, Tesla còn dính bê bối vắt kiệt sức người lao động. Nhiều nhân viên thuộc bộ phận phát triển tính năng tự lái (Autopilot) tại Buffalo cho biết họ bị “đối xử như robot” và không được bảo vệ quyền lợi cá nhân.
Theo lời kể của một số nhân viên, Tesla thậm chí còn cài đặt thiết bị theo dõi số lần gõ phím nhằm đo lường thời gian làm việc của họ.
“Việc thành lập công đoàn sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu công ty bền vững. Từ đó, những nhân viên như tôi sẽ có quyền nói lên suy nghĩ và đặt mục tiêu dài hạn cho bản thân”, trích bức thư một nhân viên của Tesla đã từng viết gửi đến bộ phận quản lý.
Trước đó, Tesla cũng bị đâm đơn kiện do có hành vi phân biệt chủng tộc đối với những công nhân da màu tại một nhà máy sản xuất gần San Francisco. Hàng trăm lá đơn khiếu nại đã được đệ trình lên cơ quan dân sự Department of Fair Employment and Housing (DFEH) với rất nhiều bằng chứng cho thấy nhà máy đặt tại Fremont của Tesla liên tục miệt thị và đối xử không công bằng với các nhân viên da màu, từ việc áp dụng cơ chế kỷ luật, lương, thưởng cho đến cơ hội thăng chức.
DFEH dẫn lời các công nhân da màu cho biết họ phải nghe những lời miệt thị và phỉ báng chủng tộc thường xuyên từ 50 đến 100 lần một ngày. Trong đó, các giám sát viên và quản lý nhà máy là những người tham gia “tích cực’’ hơn cả.
Ngoài ra, những công nhân này còn bức xúc lên tiếng về loạt hình vẽ mang tính xúc phạm nghiêm trọng trên khắp các bức tường trong phòng vệ sinh, tủ để đồ, ghế dài, khu làm việc, bàn ăn trưa và khu nghỉ riêng cho nhân viên.
“Đối với nhiều công nhân da màu và người Mỹ gốc Phi, áp lực từ tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng nhiều, nguy cơ cao dẫn đến xung đột. Sự phân biệt này thực sự rất trắng trợn, ngang nhiên, và người lao động có phàn nàn cũng vô ích. Dần dần, họ không chịu đựng được nữa và buộc phải nghỉ việc’’, DFEH cho biết.
Hồi tháng 10/2021, tòa án quận Bắc California cũng từng ra phán quyết buộc Tesla phải bồi thường cho Owen Diaz - một cựu nhân viên da màu 130 triệu USD về những tổn hại mà người này phải gánh chịu. Ông Diaz đã đệ đơn kiện Tesla sau khi bị phân biệt chủng tộc trong suốt thời gian dài làm việc tại nhà máy. Trong khi đó, phía Tesla không hề có bất kỳ động thái nào nhằm cải thiện tình trạng trên.
Ngoài ra, công ty này cũng vừa phải bồi thường 1 triệu USD cho một cựu nhân viên da màu. Người này đã đệ đơn kiện Tesla vì bị quản lý gọi là “nigger” (một cách nói miệt thị, xúc phạm người da màu tại Mỹ).
Tính đến năm 2022, Tesla sở hữu hơn 99.000 nhân viên đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó nhà máy đặt tại Fremont có hơn 10.000 người. Công ty này trong vài năm trở lại đây liên tiếp nhận cáo buộc liên quan đến tình trạng phân biệt chủng tộc, miệt thị, xúc phạm và quấy rối tình dục các nhân viên da màu.
Theo: BI, SCMP
Nhịp sống thị trường