Chân dung "cánh tay phải" của Tổng thống Trump, người được tờ Times gọi là "quyền lực thứ hai thế giới"
Steve Bannon chính là người gìn giữ “học thuyết Trump”, thực sự tin tưởng vào Trump, ngồi vào vị trí cố vấn không phải vì háo danh hay tiền bạc mà là để thay đổi lịch sử.
- 23-03-20174 tháng sau bình minh Donald Trump, giới đầu tư tiền tệ toàn cầu đang đầu hàng trước đồng USD
- 22-03-2017Điều hấp dẫn bất ngờ trong quan điểm kinh tế của Donald Trump
- 18-03-2017Nghệ thuật bắt tay siêu kỳ cục của Tổng thống Donald Trump
Trong những ngày tháng đầu tiên ở Nhà Trắng, hầu hết các Tổng thống trong lịch sử nước Mỹ hiện đại thường nhận được sự trợ giúp của một think tank (tổ chức hoặc nhóm cá nhân chuyên nghiên cứu, đưa ra các tư vấn về chính sách trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, chính trị, kinh tế, giáo dục cho đến khoa học kỹ thuật hay văn hóa xã hội).
Còn những bước đi đầu tiên của Tổng thống thứ 45, Donald Trump, lại khiến người ta có cảm giác giống như đang xem một bộ phim tài liệu được làm ra bởi Stephen K. Bannon, vị cố vấn từng “sắm nhiều vai”, từ sĩ quan hải quân, nhân viên ngân hàng, MC đài phát thanh, nhà sản xuất phim, trùm truyền thông đến mới đây nhất là người phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump trong mùa bầu cử vừa qua.
Người duy nhất dám xuất hiện ở văn phòng Tổng thống mà không mặc vest
Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ khi ông Trump chính thức nhậm chức. Nhiều tuyên bố được đưa ra trong quá trình tranh cử đã được thực thi, nhưng đáp lại là sự phản đối từ cả bên trong và bên ngoài Chính phủ. Dẫu vậy, đây chẳng phải là 1 điều đáng ngạc nhiên. Năm 2016, ông Trump đã nhiều lần nói với người Mỹ rằng nội các mới sẽ là một nội các dị biệt. Ông tự coi mình là lãnh đạo của 1 phong trào, và không có phong trào nào có thể thành công nếu thiếu đi chính ủy. Bannon chính là người gìn giữ “học thuyết Trump”, thực sự tin tưởng vào Trump, ngồi vào vị trí cố vấn không phải vì háo danh hay tiền bạc mà là để thay đổi lịch sử. “Chúng ta đang chứng kiến khoảnh khắc chào đời của một trật tự chính trị mới”, Bannon viết trong email gửi tới tờ Washington Post.
Sự thay đổi đang mở ra những vết nứt ở văn phòng Tổng thống Mỹ. Không được thảo luận kỹ trước Quốc hội, sắc lệnh nhập cư ngày 27/1 thổi bùng lên những cuộc biểu tình phản đối không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Khi “cơn bão” chạm tới cánh cổng Nhà Trắng, nhiều lãnh đạo cấp cao của văn phòng Tổng thống đang ra ngoài tham dự tiệc tối Alfalfa Club, nơi các chính trị gia tụ họp, uống rượu và nói những câu chuyện phiếm về giới tỷ phú. Bannon đã từ chối tham gia để ở lại Nhà Trắng xử lý cú sốc.
Là người cố vấn cho ông Trump về bài phát biểu nhậm chức và cả sắc lệnh nhập cư, có thể thấy dấu ấn của Bannon ở khắp mọi nơi. Vài ngày trước khi Tổng thống viết trên Twitter ngày 30/1 rằng truyền thông là “đảng đối lập”, Bannon đã có bình luận tương tự trên New York Times.
Trong những ngày đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump, tại số 1600 đại lộ Pennsylvania, Bannon - người đàn ông duy nhất dám xuất hiện ở văn phòng của Trump mà không mặc vest và đeo cà vạt – có đầy đủ công cụ để tăng cường sức ảnh hưởng của mình. Các đồng nghiệp gọi ông là “cuốn bách khoa toàn thư” vì khối lượng thông tin khổng lồ có trong bộ óc của Bannon, nhưng điểm thú vị ở con người này là ông có lối suy nghĩ thực sự giống với Trump.
Trước khi bước vào chính trường, họ đều là những “ông trùm” nói nhiều, thích phát ngôn gây sốc và dường như không muốn hòa nhập vào tầng lớp tinh hoa. Bannon nói rằng cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều dính phải vấn nạn tham nhũng. Đây cũng là niềm tin đã giúp định hình nên nghề nghiệp của Bannon, một nhà làm phim chính luận và một người từng gây ra những cú chấn động trên Internet.
Soi chiếu bằng nhiều góc cạnh, Bannon và ông Trump có cùng đích đến trong nhiều vấn đề, từ thương mại, nhập cư, an ninh đến môi trường... Trong khi nhiều cố vấn khác cố gắng thay đổi Trump, Bannon lại ủng hộ ông. Những người đã đọc qua một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của Trump, “The Art of the Deal” đều nhớ rằng ông coi xung đột, những cuộc đấu khẩu và niềm tự kiêu là những nhân tố hữu ích để tạo nên thành công. “Phong cách chốt deal của tôi khá đơn giản và thẳng thắn. Tôi thường đặt mục tiêu rất cao và sau đó liên tục đẩy mạnh để đạt được mục tiêu ấy”, Trump từng nói.
Ở Washington sẽ hơi khó để áp dụng phương thức này. Nhưng Donald Trump đã đắc cử bởi vì ông hiểu rằng mọi thứ đã khác xưa. Công nghệ tạo nên một cuộc cách mạng về truyền thông trên khắp nước Mỹ. Khi kết hợp với những hạn chế của 1 nền kinh tế toàn cầu hóa, sức mạnh của chủ nghĩa dân túy trỗi dậy. Trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ việc tập hợp 1 nhóm người (dù tốt hay xấu) và truyền đạt thông tin (cả đúng và sai) lại dễ dàng như bây giờ.
Bannon cũng được dạy những bài học tương tự khi làm việc ở hãng tin Breitbart. Được thành lập bởi cố nhà báo Andrew Breitbart, đây là 1 trang tin chuyên gây bão trên chính trường Mỹ. Năm 2011, nghị sĩ New York Anthony Weiner đang là “con cưng” của đảng Dân chủ với những tham vọng to lớn. Nhưng Breitbart đã châm ngòi cho vụ bê bối “quấy rối tình dục” của chính trị gia này khi tung ra những bằng chứng. Sự nghiệp của Weiner đã chấm hết sau khi thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Năm 2012, Anthony đột ngột qua đời vì đau tim và người bạn Steve Bannon trở thành nhà lãnh đạo. Trang tin Breitbart tràn đầy những video, bài báo có tiêu đề mang tính kích động và cổ súy cho chủ nghĩa dân tộc.
Bannon giúp ngài Tổng thống nhớ rằng ông không phải là 1 người hàn gắn như người tiền nhiệm George W. Bush, cũng không phải là người ôn hòa như Barack Obama. Ông tự phác họa mình là người che chở cho “những người dân bị lãng quên”. Những mục tiêu mới đi cùng với lối suy nghĩ mới. “Mọi người nói rằng mọi thứ luôn đi theo 1 con đường nào đó. Nhưng hãy nhìn kết quả mà xem. Đó không phải là cách hiệu quả, và chúng tôi đang thử đi theo con đường mới”, một phụ tá thân cận của Tổng thống Trump nói.
Trump và Bannon nhất trí về điều này, dù tương lai ra sao vẫn còn là 1 dấu hỏi. Là một doanh nhân nhiều kinh nghiệm, mục tiêu của Tổng thống luôn là đạt được thỏa thuận có lợi nhất. Còn vị cố vấn Bannon có những suy nghĩ sâu xa hơn.
Thời kỳ đầu những năm 2000, cuốn sách ưa thích của Bannon là “The Fourth Turning” của các tác giả William Strauss và Neil Howe. Cuốn sách này cho rằng có thể miêu tả lịch sử nước Mỹ giống như 1 vòng tròn gồm 4 giai đoạn lặp đi lặp lại. Thế hệ sau thường lâm vào khủng hoảng, sau đó chống lại và dẹp bỏ những cơ chế cũ; nhưng cuối cùng các bài học lại bị lãng quên và cuộc khủng hoảng tiếp theo bước đến.
Trong một cuộc phỏng vấn với Time, tác giả Howe nhớ lại khoảng 10 năm trước Steve Bannon đã liên hệ với ông và đề nghị làm 1 bộ phim dựa trên cuốn sách. Năm 2010, bộ phim Generation Zero ra đời với triết lý cuộc khủng hoảng tài chính 2008 chính là 1 dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đang đứng trước bước ngoặt. Howe đồng tình với luận điểm này, cho rằng thế hệ baby boomers đã trở thành những lãnh đạo cấp cao của nước Mỹ mà không có chút ký ức nào về những cuộc khủng hoảng trước đó.
Nhưng Bannon là người muốn tận dụng cơ hội để xóa bỏ trật tự cũ và xây dựng trật tự mới. Trên radio, ông thường xuyên nhắc lại rằng Mỹ đang “chiến tranh” với các phần tử Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới. Bannon còn từng nói về nguy cơ một cuộc chiến Mỹ - Trung.
Những bài học đắt giá từ khủng hoảng
Để hiểu về con người Steve Bannon, bạn nên hiểu về những gì đã xảy ra với bố ông. Là một người lao động gốc Ireland, ủng hộ Kennedy và là thành viên đảng Dân chủ, Martin Bannon bắt đầu sự nghiệp ở một công ty điện thoại. Sau khi thăng tiến lên vị trí quản lý, ông có 1 cuộc sống khá dễ chịu với mức thu nhập trung bình, bên vợ và 5 người con. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính đã “thổi bay” toàn bộ số tiền Martin tiết kiệm cả đời. Steve giận dữ khi những đồng nghiệp cũ ở phố Wall bình an vô sự trong khi những người như bố ông lại là bộ phận bị ảnh hưởng nặng nhất.
Sinh năm 1953, Bannon từng là chủ tịch hội sinh viên ở Virginia Tech, nhưng ông từng chia sẻ bản thân chỉ thực sự quan tâm đến chính trị sau khi vào hải quân. Sau 7 năm phục vụ quân ngũ, Bannon có bằng thạc sĩ nghiên cứu an ninh quốc gia từ Georgetown, sau đó mà bằng MBA của Harvard. Sau đó ông làm việc cho Goldman Sachs, nơi ông coi là “một sòng bạc công khai, nơi các con bạc mạo hiểm đem tiền của người khác ra đặt cược”.
Sau khi rời Goldman Sachs, Bannon thành lập công ty riêng ở Beverly Hills, tập trung vào các thương vụ trong ngành giải trí. Công ty nhỏ bé nhanh chóng có được những khách hàng lớn, trong đó có Samsung, MGM và cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Từ người kinh doanh, Bannon trở thành nhà làm phim với khả năng nhìn thấy những xu hướng ngược dòng mà truyền thông chính thống không thể hoặc không muốn nhìn thấy.
Một đồng minh lâu năm của Tổng thống Trump cho biết Bannon tác động đến mọi chính sách. Trước cả khi bầu cử, hai người đã ngồi lại với nhau và đưa ra danh sách những việc muốn làm ngay sau khi nhậm chức. Trump là người quyết định sẽ chọn những đầu việc nào, và Bannon đủ thông minh để đưa ra danh sách hợp lý.
Phong cách lãnh đạo táo bạo lại đang tạo ra những căng thẳng trong nội bộ Nhà Trắng. Sắc lệnh nhập cư được đưa ra một cách vội vã và bí mật sau khi các cố vấn Bannon và Miller cho rằng tài liệu sẽ bị rò rỉ với báo chí nếu như nó được thông báo cho Hội đồng an ninh quốc gia. Các nghị sĩ và thậm chí cả một số thành viên của Nội các cũng không được thông báo hoặc được tiếp cận rất hạn chế. Kết quả là sự hỗn loạn bao trùm, gây nên sự thiếu nhất quán giữa chính sách của các cơ quan quản lý.
Những quyết định sau đó của Tổng thống Trump đã bài bản hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận và thông điệp mang đậm tính dân túy mà ông truyền đi vẫn không thay đổi. Trong cuộc đấu tranh vì “những người bị lãng quên”, sự xáo trộn không phải là điều xấu.