Chân dung 'cha đẻ' 1 thương hiệu điện gia dụng đã phủ sóng 195 quốc gia, khu vực: Chỉ tốt nghiệp tiểu học nhưng lèo lái nhà máy 24 nhân viên trở thành tập đoàn với hơn 200 công ty con
Chỉ mới học xong tiểu học, nhưng Hà Hưởng Kiện lại có thể viết lên trang sử của riêng mình với tập đoàn điện gia dụng Midea trải dài khắp Châu Á, phá bỏ mọi định kiến về học thức, trình độ.
- 15-03-2022Tư duy kiếm tiền của "Hoa hậu chứng khoán" Mai Phương Thúy: "Tôi không thích kiểu nay kiếm nhiều mai kiếm ít, tôi muốn mình kiếm tiền có hệ thống và không phải nghĩ nhiều"
- 14-03-2022Julia Đoàn mua nhà 4 tỷ nhưng vẫn ở thuê 30 triệu/ tháng: Cách xử lý "gánh nặng tiền bạc" khéo léo và chuyện ở thuê có... ngại?
- 13-03-2022Chân dung doanh nhân 56 tuổi khởi nghiệp, 70 tuổi kết hôn với thư ký riêng, đưa tập đoàn trở thành 'Trùm chất bán dẫn' có giá hơn 300 tỷ USD
Ông đã tạo ra tập đoàn thiết bị điện Midea gắn liền với biết bao hộ gia đình. Khi bước vào ngành sản xuất ô tô, ông vẫn đạt được thành tích xuất sắc, đồng thời đưa tên mình vào “Danh sách tỷ phú toàn cầu” của Forbes.
Ông chính là Hà Hưởng Kiện.
Hà Hưởng Kiện sinh ra ở Thuận Đức, Quảng Đông vào năm 1942. Gia đình ông kiếm sống bằng nghề kinh doanh. Dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ, Hà Hưởng Kiện từ nhỏ đã yêu thích kinh doanh, thế nên, ông bỏ học sớm và đặt chân vào xã hội với tấm bằng tốt nghiệp tiểu học.
Như chú nghé con không sợ hổ, Hà Hưởng Kiện tuổi tuy nhỏ, cũng biết rằng kinh doanh không dễ dàng, nhưng ông không hề sợ sệt. Ông xuống ruộng làm nông dân, vào nhà máy làm công nhân, vào khu hành chính nhỏ nhất để làm cán bộ… Ông đã thử nhiều công việc nhưng thu nhập ít ỏi, hoàn toàn không thể thực hiện được lý tưởng, thế là, ý tưởng khởi nghiệp độc lập đã âm thầm nảy nở trong tâm trí ông.
1. Kế hoạch thành lập nhóm sản xuất của riêng mình
Nhưng khởi nghiệp không phải là chuyện có thể nói là làm, mà cần có vốn và các mối quan hệ xã hội. Nếu không có kinh nghiệm mà thành lập xưởng sản xuất một cách mù quáng thì chẳng khác gì đùa với lửa.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Hà Hưởng Kiện đã liên hệ với 24 người dân trong làng và lập kế hoạch thành lập xưởng sản xuất, huy động vốn và khởi nghiệp.
Thế là nhóm sản xuất được thành lập do Hà Hưởng Kiện làm trưởng nhóm. Xưởng chỉ rộng 20m2, công việc kinh doanh là sản xuất nắp chai. Do không có máy móc tiên tiến và không đủ nguyên liệu, nên họ phải tái chế nhựa phế thải để tái sản xuất.
Đống nhựa cũ chi chít những vết tích đã qua sử dụng đó đã trở thành nguồn nguyên liệu để sản xuất. Vì không có máy, công việc của cả đội hoàn toàn dựa vào thủ công: Có người vô tình bị thương bởi những chiếc nắp chai, có người cảm thấy kiệt sức vì hiệu suất chậm… Nhưng họ chưa bao giờ nói tiếng từ bỏ.
Nhóm do Hà Hưởng Kiện dẫn đầu này vẫn kiên trì sản xuất nắp chai từ ngày này qua ngày khác, chờ cơ hội làm giàu. Cuối cùng, ngày mà bọn họ mong chờ cũng đã đến, đơn hàng ngày một nhiều, tuy rằng lãi không cao, nhưng bắt đầu có lãi, điều này đã thắp lên hy vọng cho tất cả mọi người.
Đơn hàng liên tục tăng, chỉ dựa vào sản xuất thủ công chắc chắn không thể hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, hơn 20 người trong nhóm đều là nông dân, học sử dụng máy móc đối với họ rõ ràng là một điều không dễ.
Lúc bấy giờ Hà Hưởng Kiện đã để mắt đến một thanh niên đang học chuyên ngành cơ khí trong làng. Ông hết lòng chiêu dụ người đó, cuối cùng ông đã cảm hóa được người thanh niên này bằng tấm lòng thành của mình, thành công đưa anh ta vào đội sản xuất.
Từ khi có sự xuất hiện của máy móc và kỹ thuật, xưởng sản xuất không cần lo lắng về đơn hàng nữa, điều này khiến các thành viên trong toàn đội có động lực hơn. Nhà máy nhỏ - thậm chí không thể gọi là công xưởng này, dần dần trở nên nổi tiếng, phá tan mọi nghi ngờ lúc mới thành lập, và bắt đầu lớn mạnh dần lên.
2. Chính thức dấn thân vào ngành công nghiệp thiết bị gia dụng
Chẳng bao lâu, Trung Quốc mở cửa kinh tế như đã hứa, và mọi người vẫy cao ngọn cờ “tự chủ khởi nghiệp”, Hà Hưởng Kiện cũng không ngoại lệ. Ông liên lạc với nhà máy và các bộ phận liên quan, sử dụng hiệu suất để chứng minh sức mạnh của mình, đến các thành phố lớn để kéo đơn hàng và đàm phán kinh doanh.
Ngày qua ngày, từng nhà máy được hoàn công, số lượng công nhân viên cũng tăng lên, công nghệ và máy móc tiên tiến bắt đầu được sử dụng. Đơn đặt hàng không chỉ tăng lên mà còn có giá trị cao, ước mơ làm giàu ban đầu của ông đã nảy nở và đơm hoa kết trái.
Năm 1980, Hà Hưởng Kiện chính thức bước chân vào lĩnh vực thiết bị gia dụng. Ông mua lại 100 bộ linh kiện của quạt điện, mày mò học hỏi cách lắp ráp và sản xuất quạt điện bằng kim loại.
Sau đó, ông thành lập xưởng sản xuất quạt Midea ở huyện Thuận Đức, quy mô dần dần mở rộng với hơn 200 công nhân làm việc ngày đêm, thu lãi không ngừng.
Thành công của lần khởi nghiệp đầu tiên này đã khích lệ tinh thần của Hà Hưởng Kiện. Năm 1985, ông thành lập một nhà máy sản xuất thiết bị điều hòa không khí và bắt đầu sản xuất điều hòa.
Tuy nhiên, thời điểm đó chỉ có một số hộ gia đình và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điều hòa. Số điều hòa sản xuất ra không bán được đã khiến con đường kinh doanh của Hà Hưởng Kiện gặp bế tắc. Nhà máy thậm chí gần phải đóng cửa, nhưng nhờ huy động được vốn từ nhân viên, cơ nghiệp của ông chủ họ Hà vẫn gắng gượng được.
Năm 1992, chính sách phát triển kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc được lan rộng. Lúc này, chiếc điều hòa của Midea đã mang lại thành công cho Hà Hưởng Kiện. Tuy nhiên, tham vọng của ông không dừng lại ở đó, tận dụng đang trên đà phát triển tốt, ông mở rộng quy mô sản xuất và các dự án kinh doanh, thế là, Midea Group đã ra đời.
Đây là công ty niêm yết đầu tiên của Trung Quốc được tái cấu trúc từ một doanh nghiệp ở nông thôn.
Hà Hưởng Kiện từ sớm đã tính đến sự tiến bộ của thời đại, ông không ngừng chiêu mộ nhân tài có trình độ học vấn cao. Sau khi thay đổi nhân lực, sức mạnh của Midea Group đã tăng lên đáng kể và ngày càng lớn mạnh…
Cho đến năm 2009, Hà Hưởng Kiện vẫn dành nhiều thời gian và sức lực cho hoạt động của doanh nghiệp. Ông không giải trí, không nghỉ ngơi, ông coi mình như một chiến sĩ máu lửa trên chiến trường, không một giây phút nào rời xa Midea Group trong suốt chặng đường tiến lên phía trước.
Vào năm 2009, Hà Hưởng Kiện nhận thấy cơ thể mình không còn ổn nữa nên tuyên bố nghỉ hưu. Như đã nói, ông sẽ không để Midea trở thành doanh nghiệp gia đình của nhà họ Hà, mà lựa chọn những nhân viên có năng lực và trình độ cao nhất trong tập đoàn để trở thành người kế nhiệm.
Cuối cùng, ông đã chọn một quản lý chuyên ngành làm người kế nhiệm của mình. Năm 2012, ông chính thức từ chức và chỉ giữ chức vụ cổ đông chi phối của Midea Group.
Dưới sự chỉ huy của Hà Hưởng Kiện, Midea đã trở thành công xưởng thế giới, thương hiệu hạng hai có cổ phần quốc tế, các chiến lược quốc tế hóa từng bước được thực hiện. Các nhà máy được đặt tại nhiều quốc gia khác nhau, nhiều công ty đã được mua lại và sáp nhập, đồng thời triển khai hợp tác với các công ty khổng lồ về thiết bị gia dụng đa quốc gia.
Đến nay, theo website của thương hiệu, Midea đã có mặt ở 195 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Hà Hưởng Kiện - người đã làm việc chăm chỉ cả đời để thực hiện ước mơ khởi nghiệp, học vấn không thể cản bước ông, khó khăn cũng không thể cản trở ông. Từ đơn thân độc mã, đến một đội, đến một nhà máy, và sau đó là một doanh nghiệp, từng bước một, ông đã bước lên Đại lộ Danh vọng của riêng mình.
Ông tuy già đi, nhưng vẫn còn tham vọng; ông tuy học thức không cao, nhưng đã làm được những điều to lớn.