"Chân dung" cổ phiếu ngân hàng vừa được khối ngoại gom mạnh phiên 20/2
Sau Tết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhà băng này bất ngờ giảm mạnh từ 29,99% (phiên 7/2) xuống còn 27,09% (phiên 15/2). Sau khi "hở" ra lượng lớn room ngoại, nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực gom mạnh cổ phiếu ngân hàng này.
- 20-02-2024Lãi suất liên tục giảm, một ngân hàng tuyên bố "flash sale" cho vay mọi khách hàng mua nhà với lãi suất chỉ từ 0%/năm
- 20-02-2024NHNN đang xem xét sửa đổi một loạt Thông tư quan trọng liên quan đến tín dụng và trái phiếu
- 20-02-2024Thị trường yếu, hấp thụ kém, vay tiền để làm gì?
Ngày 20/2, cổ phiếu ngân hàng diễn biến không mấy tích cực trong phiên sáng khi sắc đỏ bao trùm nhóm ngành. Tuy nhiên về cuối phiên, nhiều mã ngân hàng hồi phục và thu hẹp mức giảm, hàng loạt mã đóng cửa ở giá tham chiếu.
Trong 27 cổ phiếu ngân hàng, chỉ có 6 mã tăng giá trong ngày 20/2. Trong đó, mã tăng mạnh nhất là VCB của Vietcombank (+1,22%), đóng cửa ở giá 91.300 đồng/cp. Cổ phiếu VCB cũng là mã có tác động tích cực nhất tới VNIndex trong phiên hôm nay.
Các mã ngân hàng tăng giá tiếp theo còn có HDB của HDBank (+1,07%), VIB (+0,91%), PGB (+0,67%), LPB (+0,28%), BID của BIDV (+0,2%).
Có tới 10 cổ phiếu ngân hàng đi ngang, đóng cửa ở giá tham chiếu, bao gồm MSB, STB của Sacombank, TCB của Techcombank,…
Còn lại 11 mã ngân hàng đóng cửa trong sắc đỏ, tuy nhiên mức giảm không quá mạnh. OCB và SHB là hai cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất hôm nay, lần lượt -1,27% và -1,25%. Nhiều cổ phiếu lớn cũng giảm giá hôm nay như VPB (-1,01%), CTG (-0,56%), MBB (-0,42%).
Khối ngoại có động thái gom mạnh một cổ phiếu ngân hàng trong phiên hôm nay là MSB. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 16,4 triệu cổ phiếu MSB trong khi bán ra chỉ 1,3 triệu đơn vị, tương đương mua ròng hơn 15 triệu cp, giá trị 233 tỷ đồng. Trước đó, phiên 15/2, khối ngoại cũng mua ròng hơn 8,2 triệu cổ phiếu MSB, giá trị 122 tỷ đồng.
Cổ phiếu này được khối ngoại gom mạnh khi bất ngờ "hở" room hơn 58 triệu cổ phiếu phiên 15/2. Cụ thể, theo dữ liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, vào đầu phiên 7/2/2024, số lượng chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ (room ngoại) là 599,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu là 29,99%, gần kín trần room ngoại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, sang đến đầu phiên 15/2, room ngoại của ngân hàng lại giảm xuống 27,09% tương ứng với số cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài nắm là 541,8 triệu cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ thêm phiên 15/2 là 58,2 triệu cổ phiếu. Đến hết phiên 20/2, số lượng cổ phiếu MSB mà khối ngoại được nắm giữ thêm là 31,5 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu MSB "nối sóng" thời gian gần đây khi tăng liên tiếp 6 phiên (+15,5%). Thanh khoản cũng tăng đột biến sau Tết Nguyên Đán, trong đó phiên 15/2 có giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục.
Về kết quả kinh doanh, MSB có kết quả khá tích cực trong năm 2023. Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của MSB đạt hơn 267 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đạt 22,43% thuộc nhóm cao nhất ngành. MSB đạt mức lợi nhuận trước thuế cho năm 2023 là 5.830 tỷ đồng, tăng 0,7% so với năm 2022.
Ngoại trừ MSB được gom mạnh, nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng hàng loạt cổ phiếu ngân hàng như VPB (gần 4 triệu đơn vị), TPB (hơn 1 triệu đơn vị), STB (gần 3 triệu đơn vị), SHB (gần 1,8 triệu đơn vị), CTG (hơn 800.000 cp), OCB (hơn 1 triệu cp),…