Chân dung đại gia muốn xây siêu dự án tâm linh 10.000 tỷ đồng ở Hải Dương: Sống giản dị ăn chay trường, biến vùng đầm lầy thành Di sản thiên nhiên thế giới
Đại gia Xuân Trường từng tâm sự: "Có người đã đúc kết rất đúng rằng, đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý".
Mới đây, Công ty Xây dựng Xuân Trường của đại gia Xuân Trường đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương và trình bày đề xuất quy hoạch khu du lịch sinh thái Hồ Thanh Long thành một khu du lịch tổng hợp tầm cỡ quốc gia.
Theo đó, toàn bộ khu vực nghiên cứu quy hoạch có tổng diện tích khoảng 1.502ha, với tâm điểm là 3 ngọn tháp ở hồ Tam Tôn, nối với nhau bằng hệ thống đường ngâm dưới lòng hồ. Ngoài ra, ngôi chùa Thanh Long sẽ được xây dựng trên các đảo nổi trong lòng hồ để thu hút khách du lịch.
Doanh nghiệp cũng cam kết đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với thời gian 10 năm vào khu dịch này.
Siêu dự án này không khiến nhiều người bất ngờ khi nó được đề xuất đầu tư bởi doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường – đơn vị vốn nổi tiếng với những công trình, dự án tâm linh chục nghìn tỷ đồng tại Việt Nam.
Đại gia Nguyễn Văn Trường (Xuân Trường) cùng các tăng ni phật tử đón cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường từ Quốc đảo Sri Lanka về chùa Tam Chúc (Ảnh: Internet)
Đại gia biến vùng đầm lầy, trại giam thành các siêu dự án tâm linh
Ông Xuân Trường tên thật là Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963, quê tại Hoa Lư, Ninh Bình. Tên tuổi của ông gắn liền với các dự án khu du lịch Tràng An – chùa Bái Đính (Ninh Bình), khu du lịch Tam Chúc, khu du lịch Hồ Núi Cốc.
Đầu tiên phải kể đến khu du lịch tâm linh siêu khủng Tràng An – Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư - chùa Bái Đính. Năm 2006, ông mạnh tay đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào dự án này. Nhiều thông tin cho rằng doanh nhân Xuân Trường còn chi 100.000 USD để đích thân đưa ngọc xá lợi từ Ấn Độ về chùa Bái Đính.
Sau khi khánh thành, khu du lịch này đã nhận về hàng loạt kỷ lục tại Việt Nam, Đông Nam Á và cả châu Á. Cụ thể, chùa Bái Đính là ngôi chùa có giếng ngọc lớn nhất, số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam, có chuông đồng 36 tấn lớn nhất Việt Nam, 500 tượng La Hán; có tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á.
Đáng nói, dự án Tràng An – chùa Bái Đính đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới kép năm 2014. Đây cũng là dự án đã góp phần thay đổi bộ mặt ngành du lịch tại cùng đất cố đô.
Khu du lịch Tràng An - Bái Đính nổi tiếng ở Ninh Bình.
Năm 2006, tỉnh Hà Nam cũng phê duyệt quy hoạch khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do Công ty Xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư.
Tổng diện tích của dự án lên tới 5.100ha, bao gồm các khu chức năng như khu lòng hồ Tam Chúc, khu văn hóa tâm linh chùa Ba Sao, khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, khu sân golf 36 lỗ; khu cây xanh và dịch vụ ven hồ; khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên.
Nơi đây vốn là trại giam với hàng nghìn tù binh, thế nhưng với bàn tay của vị đại gia Ninh Bình, khu vực này đã thay da đổi thịt từng ngày. Tết Nguyên đán 2020, khu du lịch này cũng thu hút lượng khách khổng lồ.
Chùa Tam Chúc
Gần đây nhất, ông Trường và doanh nghiệp của mình tiếp tục ghi dấu ấn với việc xây dựng khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên. Tổng số vốn dự kiến kỷ lục là 15.000 tỷ đồng. Điểm đặc biệt của siêu dự án này là kế hoạch xây Tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5.000-10.000 người trong cùng một thời điểm.
Thời gian qua, công ty còn đề xuất xây khu du lịch tâm linh Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) với quy mô khoảng 1.000ha, tổng mức đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng.
"Tôi đề xuất như thế, để bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào có tâm, có tầm đầu tư chứ không phải nhận cho mình. Ý tưởng này là một phần trong dự án xây dựng tuyến đường tâm linh kết nối di sản có chiều dài khoảng hơn 100km, nối 10 di sản nổi tiếng của Việt Nam.
Ở Việt Nam, chúng ta có nhiều địa danh, thắng cảnh được UNESCO xếp hạng nhưng lại chưa có con đường tâm linh nào kết nối các địa danh đó với nhau. Ý tưởng của tôi là xây dựng sơ đồ con đường tâm linh kết nối di sản", Dân Việt dẫn lời vị đại gia Xuân Trường.
Theo ông Trường, đề án "con đường tâm linh" sẽ kết nối 10 di sản, gồm: Cổng Tam Quan, chùa Vàng, khu quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Hoa Lư - động Am Tiêm, khu tâm linh chùa Bái Đính, khu bảo tồn ngập nước Vân Long, chùa Tam Chúc, chùa Hương, chùa Quan Sơn, di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long.
Ngoài ra, trong lĩnh vực khách sạn - du lịch, đại gia Xuân Trường đã đầu tư các khu du lịch và dự án như: hồ Đồng Chương, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế, công viên văn hóa Tràng An. Ông cũng chi 200 tỷ đồng để hoàn thiện nhà khách 5 sao trên diện tích 20.000m2, theo phong cách Á Đông cổ điển, với nguyên vật liệu chính là các loại gỗ quý hiếm như trắc, cẩm lai, gỗ đỏ.
Kín tiếng, ăn chay trường
Dù là người đứng sau rất nhiều công trình, siêu dự án nhưng ông Trường rất ít khi xuất hiện và trả lời truyền thông. Do đó, những thông tin về ông cũng rất ít ỏi.
Ông nổi tiếng là người ăn chay trường từ nhiều năm, có lối sống giản dị.
Ông Trường từng tâm sự: "Có người đã đúc kết rất đúng rằng, đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý". Có lẽ vì suy nghĩ đó nên doanh nhân này đã mạnh tay chi rất nhiều tiền để xây dựng các công trình nổi tiếng, để đời như là một cách để "ghi danh" cho mình.
Diễn đàn doanh nghiệp