Chân dung DN bí ẩn cung cấp độc quyền nước rửa tay trên tất cả các chuyến bay của Vietnam Airlines
Thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều làn sóng "sính ngoại" các sản phẩm của các nhà bán lẻ nước ngoài. Từ đồ Liên Xô những năm bao cấp, cho tới đồ điện lạnh Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là làn sóng đồ Thái Lan.
Với chất lượng luôn được đánh giá tốt hơn hàng nội địa hay, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm nước ngoài. Trong cuộc tấn công ồ ạt của các mặt hàng đến từ Nhật, Hàn, Thái đó, có một chuỗi cửa hàng cũng bán đồ ngoại nhưng chọn cho mình chiến lược khác. Đó là Ngôi Nhà Đức.
Ngôi Nhà Đức là chuỗi cửa hàng của Công ty XNK Lộc Hương do nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Tạp chí Open Sky (Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam) thành lập từ năm 2010. Hoạt động của công ty ở 3 mảng chính là: Xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng; Bán Buôn, bán lẻ các mặt hàng hóa mỹ phẩm; Tư vấn đầu tư.
Trong đó, mảng bán lẻ hàng Đức được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của công ty này.
Thời điểm Ngôi Nhà Đức khai sinh cũng là lúc Việt Nam chứng kiến chuỗi cửa hàng đồng giá của Nhật Bản như Sakura, Hachi Hachi hay Daiso ra đời.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, sức hút của mô hình đồng giá đã giảm xuống rõ rệt do sản phẩm không đa dạng lại bị cạnh tranh bởi các hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi thông thường. Để tồn tại, HachiHachi đã phải thay đổi chiến lược từ cửa hàng đồng giá thành cửa hàng chuyên bán đồ Nhật nội địa từ năm 2009.
Như rút kinh nghiệm từ "đàn anh" đi trước, Ngôi Nhà Đức đã "khôn ngoan" hơn khi chọn cách im lặng và tiến thẳng vào mô hình cửa hàng bán lẻ đồ Đức nội địa.
Kể về quá trình thành lập công ty, Tổng giám đốc công ty XNK Lộc Hương cho hay, năm 2007, sau khi ở Đức về, với tham vọng mở cửa hàng bán toàn đồ Đức, bà cùng một người bạn mang sản phẩm "Made in Germany" về bán tại thị trường Việt Nam.
Bà Hương (bên trái) và đối tác Đức
Sản phẩm của Đức có đặc điểm tốt, bền, mẫu mã đẹp nhưng lại có giá thành cao, khó cạnh tranh được với hàng đồng giá của Nhật Bản hay hàng rẻ của Thái Lan. Đối tượng khách hàng của Ngôi nhà Đức vì thế cũng tập trung vào nhóm khách hàng nước ngoài, những người đi học ở Đông Âu về và những người Việt có thu nhập trung bình cao trở lên.
Thời gian đầu, công việc buôn bán không thuận lợi do tâm lý người tiêu dùng chưa chấp nhận chi tiền để mua sản phẩm có giá thành cao, thêm vào đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ những chuỗi siêu thị nhỏ như Fivimart, Intimex khiến giấc mơ Ngôi nhà Đức gặp nhiều khó khăn.
Để len lỏi vào thị trường, tận dụng mối quan hệ có được, bà Hương tìm đến các siêu thị trong nước kết nối, phân phối sản phẩm Đức mà doanh nghiệp nhập khẩu lên các kệ hàng, từ đó, tạo thói quen cho người tiêu dùng Việt Nam.
Khi sản phẩm bước đầu được người dân tiếp nhận, đến năm 2010 thì Công ty XNK Lộc Hương với chuỗi cửa hàng Ngôi Nhà Đức mới chính thức được thành lập.
Tuy nhiên, đến dây rào cản lớn nhất xuất hiện, khi Ngôi Nhà Đức tiến hành nhập khẩu độc quyền hơn 200 nhãn hàng từ Đức về.
Theo Thông tư 20 bổ sung Nghị định 197/NĐ-CP2010 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ 26/6/2010, các doanh nghiệp phải đăng ký tại Đại sứ quán Việt Nam tại Đức bao gồm các thủ tục giấy tờ trong vòng 45 ngày.
"Lúc đó, tôi đã nói với Bộ trưởng Bộ Công Thương là thời gian trên quá ngắn để thực hiện các thủ tục nhập khẩu nếu không muốn nói là không bao giờ thực hiện được. Phải có đến hơn 40.000 doanh nghiệp hi sinh anh dũng vì Thông tư này", bà Hương chia sẻ.
Quá nhiều thủ tục hành chính rườm rà đã khiến chuỗi cửa hàng của bà Hương lao đao suốt mấy năm đầu. Để các thủ tục tiến hành suôn sẻ, bà Hương phải tận dụng mọi mối quan hệ quen biết trong ngành với mục tiêu đưa hàng về sớm nhất có thể.
Khó khăn ban đầu rồi cũng qua, chuỗi cửa hàng của bà Hương dần đi vào ổn định. Hiện tại, không chỉ dừng lại 200 mặt hàng đăng ký ban đầu, chuỗi Ngôi Nhà Đức có khoảng 500 mặt hàng đang được bày bán. Từ hàng tiêu dùng thường xuyên, hóa mỹ phẩm, bánh kẹo đồ uống, đồ gia dụng đến sữa và ẩm thực.
Sau 5 năm vận hành, chuỗi bán lẻ này hiện có 80 chi nhánh, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Ngoài cung cấp sản phẩm bày bán tại các chuỗi Ngôi Nhà Đức, công ty Lộc Hương còn phân phối sản phẩm cho các đối tác lớn khác như Siêu thị Fivimart, Chuỗi siêu thị Citimart Sài Gòn, Hệ thống siêu thị Hapro, Siêu thị Thái Hà, và nhiều nhà phân phối khác.
Vị Tổng Giám đốc tiết lộ, trung bình doanh thu mỗi chi nhánh của Ngôi Nhà Đức ước khoảng 500 triệu đồng/tháng.
Trong năm nay, bà đặt mục tiêu đưa chuỗi bán lẻ này Nam tiến. Đặc biệt, tham vọng là sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng thành siêu thị bán lẻ hàng tiêu dùng trên khắp các tỉnh thành cả nước.
Quan hệ trong ngành hàng không cũng giúp bà Hương đưa được các sản phẩm của mình vào trong máy bay. Ngôi Nhà Đức còn là đơn vị cung cấp độc quyền mặt hàng nước rửa tay của Tập đoàn Maxima (Đức) trên tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Bên cạnh phân phối bán lẻ hàng Đức tại thị trường Việt Nam, công ty này cũng bắt đầu xuất ngược trở lại những mặt hàng "made in Việt Nam" sang đất Đức. Sản phẩm chủ lực là trà táo mèo, do Lộc Hương kết hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam và Viện máy IMI hợp tác sản xuất.
Theo bà Hương, mới đây, ngày 27/3, Công ty XNK Lộc Hương đã ký hợp đồng với một Tập đoàn toàn cầu của tỷ phú người Đức. Theo đó, Tập đoàn này sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm trà táo mèo cho Việt Nam. Và công ty Lộc Hương trở thành đại diện duy nhất của Tập đoàn này ở sản phẩm trà táo mèo.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam như gạo, cà phê, hoa quả vào thị trường Đức, giải bài toán xuất khẩu cho bà con nông dân. Đặc biệt, tại chuỗi cửa hàng Ngôi Nhà Đức, chúng tôi không chỉ dừng lại phân phối hàng Đức mà còn tiến tới bán thực phẩm sạch Việt Nam”, bà Hương chia sẻ.
Trí thức trẻ/CafeBiz