[Chân dung doanh nghiệp] “Ông lớn” ngành Ô tô của TP. HCM đang sống ra sao?
40% lợi nhuận của SAMCO đến từ các công ty liên doanh liên kết, chủ yếu là 5 liên doanh gồm: Mercedes Benz Việt Nam, Ô tô Isuzu Việt Nam, Vận tải Kumho Samco Buslines, Ô tô Toyotsu Samco và Ô tô Sài Gòn Toyota Tsusho. Trong đó đóng góp lớn nhất là Mercedes Benz Việt Nam, Vận tải Kumho Samco Buslines.
Quý I/2018, TP. Hồ Chí Minh đã có kết luận thanh tra toàn diện Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn – TNHH MTV ( SAMCO ). Theo đó, SAMCO mẹ và 2 công ty con là Bến xe Miền Đông và Cảng Bến Nghé đã có những sai phạm trong việc cho vay tín dụng, vay nội bộ, sử dụng đất (của 2 công ty Bến xe Miền Đông và Cảng Bến Nghé).
Mới đây, trả lời câu hỏi về ý kiến của thành phố liên quan tới kết luận thanh tra thành phố những sai phạm ở SAMCO, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phóng UBND TP. HCM cho biết SAMCO có hai sai phạm chính: Cho thuê mặt bằng; SAMCO vay tiền của công ty con (vay nội bộ).
Đồng thời, theo ông Võ Văn Hoan, sai phạm của SAMCO chưa để lại hậu quả, UBND Thành phố đã chỉ đạo dứt khoát chuyện cho thuê mặt bằng, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ và ngưng việc vay và doanh nghiệp đã khắc phục. Ông Hoan cũng nhận định sai phạm của SAMCO không lớn.
Mục tiêu tăng trưởng bình quân 8,5%/năm, trở thành biểu tượng quốc gia
Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – TNHH MTV là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo quyết định của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh vào năm 2004.
Tháng 8/2010, SAMCO chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH MTV hoạt theo hình thức Tổng công ty - Công ty con, trực thuộc quản lý của UBND TP. HCM. Đến năm 2015 vốn điều lệ của SAMCO theo đăng ký là 1.796,6 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế vốn góp của chủ sở hữu tăng lên hàng năm và đến cuối tháng 6/2018 đạt gần 1.755 tỷ đồng.
Lĩnh vực kinh doanh: thương mại, sản xuất. Đến thời điểm hiện tại hoạt động chính của SAMCO là sản xuất đóng mới lắp ráp xe buýt, xe chuyên dùng, đại lý kinh doanh mua xe ô tô , dịch vụ sửa chữa xe ô tô, thầu xây dựng công trình và tư vấn xây dựng, kinh doanh cho thuê kho bãi, nhà xưởng.
SAMCO là đơn vị đầu tư phát triển các sản phẩm xe buýt cung ứng cho Thành phố, xe khách và các chủng loại xe vận chuyển khách chuyên dùng. Mảng vận tải hành khách công cộng của SAMCO bao gồm vận tải hành khách trong thành phố và các vùng lân cận.
Mới đây SAMCO công bố định hướng trở thành biểu tượng quốc gia trong ngành cơ khí giao thông vận tải. Trong đó, SAMCO tập trung phát triển ngành kinh doanh cốt lõi gồm sản xuất cơ khí giao thông; phát triển đại lý ô tô; cung cấp dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa bao gồm dịch vụ kho bãi, logistic, cảng biển.
Mục tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm của SAMCO là 8,5%/năm cho giai đoạn 2019 – 2023. Ước tính năm 2019 lợi nhuận trước thuế của SAMCO mẹ là 367 tỷ đồng, đến năm 2023 hơn 508,6 tỷ đồng. Chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của SAMCO đưa ra thấp hơn so với kết quả đạt được của 3 năm liền kề trước đó không phải là trường hợp ngoại lệ đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2017, SAMCO mẹ đạt lợi nhuận trước thuế 658,8 tỷ đồng, tăng đột biến so với năm trước đó nhờ cổ tức và lợi nhuận được chia tăng đột biến. Trong 3 năm trở lại đây, thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia của SAMCO tăng mạnh theo từng năm. Hiện, SAMCO là một trong top các doanh nghiệp của UBND TP. HCM có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
40% lợi nhuận đến từ cụm liên doanh, liên kết ngành ô tô với đối tác ngoại
SAMCO có hơn 20 khoản đầu tư vào các công ty trực thuộc nắm 100% vốn, công ty con nắm giữ trên 51% vốn và công ty liên doanh, liên kết. Danh mục đầu tư vào các công ty chiếm 1/3 tổng tài sản của SAMCO.
SAMCO mẹ có đến 60% lợi nhuận đến từ thu nhập cổ tức, lợi nhuận được chia, thu từ cổ phần hóa các công ty con. SAMCO hợp nhất có khoảng 40% lợi nhuận của SAMCO đến từ các công ty liên doanh liên kết, chủ yếu là 5 liên doanh gồm: Mercedes Benz Việt Nam, Ô tô Isuzu Việt Nam, Vận tải Kumho Samco Buslines, Ô tô Toyotsu Samco và Ô tô Sài Gòn Toyota Tsusho. Trong đó đóng góp lớn nhất là Mercedes Benz Việt Nam, Vận tải Kumho Samco Buslines.
Hầu hết các công ty do SAMCO đầu tư đều hoạt động có lãi, ngoại trừ công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn, CTCP Đóng Tàu An Phú, CTCP Công trình giao thông quận 8, công ty Vận tải Sông Sài Gòn. 7/8 công ty con của SAMCO hoạt động có lãi và hiệu quả hoạt động cao so với quy mô tài sản và vốn pháp định.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, SAMCO và các công ty con có được hiệu quả hoạt động kinh doanh cao nhờ lợi thế về đất đai kho bãi do Nhà nước cấp có chi phí thấp, định giá tài sản thấp và tài sản đã được khấu hao gần hết nhưng vẫn còn giá trị sử dụng cao, cũng như nhiều ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi từ chính quyền TP. Hồ Chí Minh.
BizLive