Chân dung lập trình viên giỏi nhất Trung Quốc: “Cậu IT” sở hữu số tài sản hơn 400 triệu USD chỉ nhờ viết code
"Ngành IT hiện nay ở đầu của sự phát triển. Có thể nói IT là vua của các nghề. Vừa có tiền, vừa có quyền, lại được xã hội trọng vọng...", những thứ tưởng như chỉ có trong các dòng văn mẫu hóa ra vẫn tồn tại ngoài thực tế.
- 17-06-2021PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu: "Kinh doanh hay chơi chứng khoán, 17-18 tuổi cũng có thể trở thành tỷ phú; còn bác sĩ thường ổn định kinh tế khi tóc đã muối tiêu"
- 17-06-2021Nữ tỷ phú lắm chiêu "bọc lông" cho siêu xe Lamborghini: Người bình thường tròn mắt thán phục, các chuyên gia và dân mê xe lại lắc đầu ngán ngẩm!
- 14-06-2021Vỡ mộng vì trường học khác xa thực tế, thủ khoa đại học chuyển hướng kiếm tiền nhờ "ăn mày quá khứ": Điểm số không đảm bảo tương lai an toàn, nhưng tiền thì có!
Nói đến nghề lập trình viên, không ít người có ấn tượng rằng họ là những gã hay mặc áo kẻ sọc, tay xách ba lô, đầu tóc bù xù, không biết xã giao, chỉ biết viết mã. Hơn nữa, nhóm người này thường làm việc khuya và suốt ngày làm thêm giờ, chắt chiu cuộc sống để đổi lấy mức lương cao, nên hầu hết không được lòng mọi người.
Nhưng tất nhiên trong giới lập trình viên cũng có những ngoại lệ. Nhiều gã khổng lồ Internet được tạo ra từ các lập trình viên, chẳng hạn như Lôi Quân của Xiaomi, Steve Jobs của Apple, hay Bill Gates… Đất nước tỷ dân Trung Quốc cũng có một "cậu IT" như vậy, người chỉ nhờ vào tài năng viết mã mà hiện có giá trị tài sản ròng lên tới hơn 2,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 400 triệu USD.
Anh ấy là Cai Jingxian, lập trình viên "cấp thần" của Alibaba, có biệt danh "Duolong", người một tay gây dựng nên nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng Taobao.
Cai Jingxian
Cai Jingxian sinh năm 1976, trong một gia đình nông dân ở tỉnh Chiết Giang. Ngay từ thuở nhỏ, tính cách của anh đã rất nhút nhát, bị giáo viên nhận xét là gần như vô hình trong lớp. Anh gặp nhiều khó khăn với các môn học ngôn ngữ, nhưng lại thể hiện tài năng đặc biệt trong môn toán.
Năm 1994, Cai được nhận vào Đại học Hàng Châu, ban đầu muốn đăng ký học chuyên ngành máy tính, nhưng sau đó bị chuyển sang học chuyên ngành khoa học sinh học. Nhưng điều này không cản trở tình yêu của anh với công nghệ và máy tính. Trong suốt 4 năm đại học, anh dành phần lớn thời gian trong thư viện, trong phòng máy tính và thậm chí vì tò mò nên từng đến tháo máy tính ở văn phòng giáo viên thành từng phần để xem linh kiện bên trong. Sau khi bị la mắng, anh đã ngoan ngoãn lắp nó trở lại bình thường.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh nhận được lời đề nghị từ một công ty ở Nhật Bản, nhưng cuối cùng từ chối để chọn vào đầu quân cho tập đoàn Alibaba, khi đó vẫn còn vô cùng non trẻ.
Cai Jingxian, thứ ba từ trái sang, một trong những người đầu tiên gây dựng nền móng cho Alibaba.
Bước ngoặt xảy ra vào năm 2003, khi eBay gián tiếp thâm nhập thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của Alibaba.
Ngày 9/4/2003, CEO Jack Ma gọi Cai Jingxian đến văn phòng và giao cho anh ta một bản hợp đồng mới. Ông hỏi: "Cậu có muốn tham gia vào một dự án bí mật không?".
Cai không thể đọc hiểu bản hợp đồng vì nó được viết bằng tiếng Anh. Anh hỏi thẳng: "Nó vẫn là viết code phải không?"
Jack Ma đáp: "Đúng, là viết code".
Dường như chỉ chờ câu khẳng định của ông chủ, Cai Jingxian đã không cần đọc hợp đồng mà đồng ý tham gia ngay vào việc phát triển dự án mới một cách không do dự. Lúc đó, anh không hề biết rằng dự án mà mình sắp tham gia có tên là Taobao, thứ sau đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh, cũng như cách sống của vô số người dân Trung Quốc.
Cùng với hai lập trình viên khác, trong vòng một tháng, anh đã xây dựng hoàn thiện một trang web tên là "Taobao", bao gồm tất cả các hệ thống giao dịch và hệ thống diễn đàn. Sau khi chính thức ra mắt, với sự gia tăng liên tục của lượng truy cập và nhiều vấn đề bất ngờ khác, việc bảo trì các công cụ tìm kiếm đã trở thành công việc hàng ngày của anh.
Tại thời điểm này, lợi thế về lập trình của Cai đã từng bước được thể hiện. Từ năm 2003 đến năm 2007, anh đã một mình xây dựng và duy trì công cụ tìm kiếm Taobao. Bên cạnh đó, anh cũng đảm nhiệm việc duy trì hệ thống tệp tfs, hệ thống khóa giá trị, bộ nhớ cache, khung giao tiếp...
Nhờ những nỗ lực của đội do Cai Jingxian dẫn đầu, thị phần của Taobao đã tăng từ 8% lên 59% trong hai năm kể từ khi ra mắt vào năm 2003, vượt qua eBay Trung Quốc, khiến nó giảm mạnh thị phần từ 79% xuống 36%. Thành công đó đã đặt nền móng vững chắc cho việc niêm yết của Alibaba lên sàn chứng khoán năm 2014.
Trước ngày công ty niêm yết, trong bản cáo bạch cuối cùng của Alibaba, công ty đã thêm vào ba "đối tác" mới, một trong số đó là Cai Jingxian. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép anh nắm giữ một số lượng lớn cổ phần của công ty, thậm chí có quyền tham gia bỏ phiếu để xác định ứng cử viên cho ban giám đốc. Nên biết rằng ở hiện tại, Alibaba có hàng trăm nghìn nhân viên nhưng chỉ có không quá 40 đối tác. Và không giống như các giám đốc điều hành và lãnh đạo cao cấp khác của công ty, Cai là người duy nhất trở thành đối tác với tư cách là lập trình viên cấp cao.
Năm 2017, anh lọt vào danh sách những tỷ phú của Tạp chí Hurun Report với giá trị tài sản 2,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 400 triệu USD.
Nhưng chức vụ mới và thu nhập khủng chẳng khiến anh thay đổi chút nào. Là một người bị ám ảnh về lập trình, Cai vẫn gần như sử dụng tất cả thời gian rảnh của mình để viết code, trừ lúc vào căng tin để ăn, khi ngủ và lúc đi vệ sinh. Hiện tại, khi đã là kỹ thuật viên hàng đầu của tập đoàn với chức vụ tương đương phó chủ tịch, anh vẫn không có văn phòng riêng mà ngồi làm việc cùng các đồng nghiệp khác. Chỉ cần có người gặp sự cố kỹ thuật, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ. Thậm chí, vì lý do này anh còn được mệnh danh là "quân sư quét rác" của tập đoàn. "Nếu bạn gặp khó khăn, hãy tìm Duolong" là câu nói được lan truyền trong nhóm kỹ thuật của Alibaba.
Cai Jingxian từng nói: "Bởi vì tôi đang làm những gì mình thích, giải quyết vấn đề và viết code khiến tôi cảm thấy rất mãn nguyện".
Theo các nhân sự trong ngành chia sẻ, các đoạn mã do Cai viết ra hầu như không cần phải thử nghiệm. Đó cũng là một trong các lý do khiến anh được mệnh danh là "lập trình viên cấp thần" của công ty.
Shu Du, tổng giám đốc Alibaba Video Cloud, từng kể một câu chuyện về anh như sau: "Một lần, nhóm của chúng tôi phải giải quyết một vấn đề kỳ lạ là máy chủ bị sập mà không có lý do. Chúng tôi mất ba ngày nhưng không tìm ra nguyên nhân. Vì vậy, tôi đã đến hỏi Cai. Tôi thấy anh ấy liếc nhìn nó khoảng 3 phút và sau đó đưa ra đáp án cho vấn đề. Chúng tôi hoàn toàn đứng hình khi thấy nó".
Theo Shudu, trước năm 2009, Alibaba không có một nhóm riêng nào chịu trách nhiệm để giải quyết các lỗi kỹ thuật. Thường vào nửa đêm, Cai bị gọi dậy để giải quyết và khắc phục sự cố. Thậm chí khi được đồng nghiệp nhờ, anh vẫn luôn cáng đáng hộ mà không hề từ chối.
"Cai là một người kì lạ, luôn ngồi một góc để giải quyết vấn đề khó khăn của người khác. Anh ấy ngồi trước máy tính ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, liên tục bận rộn với Taobao và những dự án khác của Alibaba", Xingdian, giám đốc công nghệ của Alibaba kể lại. "Anh ấy thậm chí có thể giải quyết một số vấn đề kỳ lạ của người khác một cách nhanh chóng, ngay cả khi chưa bao giờ đụng đến".
Một đồng nghiệp của Cai cũng từng chia sẻ: "Anh ấy làm những việc một mình nhưng tương đương với cả một đội. Ví dụ như viết một hệ thống tệp, công việc đòi hỏi lượng lớn nhân sự, có khả năng là một nhóm dự án, hoặc thậm chí toàn bộ công ty. Nhưng anh ấy tự làm một mình từ đầu đến cuối. Nó đã được hoàn thành trong một thời gian ngắn. Và thậm chí đó không phải là tất cả công việc của anh ấy, bởi anh ấy còn làm nhiều việc khác cùng lúc".
Nhưng với Cai, quan điểm của anh lại đơn giản hơn nhiều.
Anh nói: "Không có cái gọi là thần thánh ở đây. Mọi thứ thực sự bắt đầu từ việc thực hiện các dự án. Khi mới bắt đầu, tôi thực sự không hiểu gì cả. Ví dụ, khi tôi tham gia Alibaba năm 2000, tôi thậm chí còn không hiểu gì về Java. Khi bạn gặp một vấn đề trong công việc, hãy tìm kiếm thông tin, sau đó tìm hiểu và hiểu nó. Chỉ cần bạn sẵn sàng bỏ thời gian và công sức thì tự nhiên bạn sẽ làm được".
"Cuối tuần mình cho con đi chơi Cung thiếu nhi, trong lúc chờ thì cầm máy tính xem tài liệu hay viết code. Nhiều trường hợp thực sự không có đường tắt, chỉ phụ thuộc vào bạn có chịu dành thời gian hay không thôi", anh chia sẻ thêm.
"Hãy học cách tóm tắt. Ví dụ, nếu bạn thường làm một số công việc lặp đi lặp lại, bạn có thể tạo một công cụ để giải phóng bản thân khỏi công việc lặp đi lặp lại này. Tìm ra vấn đề, giải quyết chúng và không bỏ qua chính vấn đề đó. Các kỹ sư phải cố gắng để đạt được sự xuất sắc trong viết mã, cho dù đó là hiệu suất, hay sự đơn giản và sang trọng, họ phải cẩn thận đánh bóng công việc của chính mình".
Cai Jingxian không giỏi ăn nói, không giỏi ngoại giao, không chơi mạng xã hội. Nhìn chung, mọi người rất khó để nhìn thấy anh ở nơi công cộng.
Có một khu vườn nhỏ trong khuôn viên của Alibaba, nơi các nhân viên sẽ đi dạo vào thời gian rảnh. Nhưng Cai hầu như không bao giờ đến đó. Mỗi ngày, anh đều chỉ tới quán cà phê gần công ty nhất để ăn sáng, sau đó trở về chỗ ngồi và gõ máy tính.
Anh được mọi người nhận diện với mái tóc đầu đinh và chiếc túi đựng máy tính đeo vai màu đen, trông giống như một sinh viên đại học. Bàn làm việc của anh thậm chí còn đơn giản hơn, với một cuốn sổ, điện thoại di động, và một chiếc cốc giữ nhiệt được tặng trong một sự kiện của công ty.
Năm 2010, một cuộc thi bóng bàn được tổ chức trong nội bộ nhân viên. Trận chung kết được diễn ra tại khu giải trí, chỉ cách chỗ Cai ngồi khoảng 20m. Tất cả mọi người đều bị thu hút quanh bàn bóng, chỉ có anh dường như vẫn bị mắc kẹt trên ghế làm việc trong toàn bộ thời gian này.
Có lẽ thành công của Cai Jingxian là do anh đã chọn đúng ngành và đi theo đúng người. Nhưng, lý do cơ bản nhất chính là tình yêu của anh với lập trình. Còn trong mắt cộng sự, tài năng của Cai ngoài thiên phú thì chính là đến từ việc học tập và làm việc chăm chỉ, giống như câu nói huyền thoại của Lý Tiểu Long: "Ta không sợ người luyện 10.000 chiêu, ta chỉ sợ người luyện một chiêu 10.000 lần".
Nguồn: Tổng hợp
Pháp luật và Bạn đọc