MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung Mai Hữu Tín - người "giải cứu" Gỗ Trường Thành

07-04-2017 - 08:56 AM | Doanh nghiệp

Trước Gỗ Trường Thành, ông Mai Hữu Tín đã nổi tiếng với thương vụ giải cứu Giấy Sài Gòn.

Thị trường chứng khoán vừa bất ngờ với thương vụ thoái vốn của CTCP Đầu tư và Xây dựng Tân Liên Phát khỏi CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF) sau nhiều biến cố. Một cái tên mới đã xuất hiện, đó là CTCP Xây dựng U&I (U&I Construction) – công ty công ty thành viên của CTCP Đầu tư U&I (U&I Investment Corporation) do ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Công ty này đã mua hơn 20% vốn cổ phần của Gỗ Trường Thành và trở thành cổ đông lớn nhất.

Ông Mai Hữu Tín không phải là cái tên xa lạ trong giới doanh nhân, tài chính. Ông là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khoá IV (nhiệm kỳ 2011-2014), 2 lần được bầu là Đại biểu Quốc hội và còn là thành viên HĐQT độc lập của Ngân hàng Kiên Long.

Từ võ sĩ Vovinam đến ông chủ Tập đoàn của hơn 30 công ty

Theo thông tin mà ông Tín từng chia sẻ trên báo chí, khi là học sinh lớp 12, Tín đã giành giải vô địch Vovinam toàn quốc.

“Trong Vovinam có võ thuật và võ đạo. Võ thuật giúp tăng cường sức khoẻ và sự tự tin. Võ đạo giúp hành xử văn minh và hướng thiện.” – ông Mai Hữu Tín nói.

Sau đó, Mai Hữu Tín học Đại học Ngoại ngữ và khi còn là sinh viên năm thứ 2, ông làm phiên dịch viên tiếng Anh cho Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Sông Bé. Từ công việc phiên dịch, Mai Hữu Tín tiếp tục làm thuê cho một vài công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam trước khi thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư U&I vào năm 1998, với số vốn 200 triệu đồng. Năm đó, Mai Hữu Tín 29 tuổi.

Sau gần 20 năm, U&I Investment Corporation do ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hiện là công ty mẹ của 39 công ty thành viên và liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, xây dựng, logistics, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, truyền thông và công nghiệp.

Những cái tên thuộc U&I phổ biến với nhiều người hơn cả là Toàn Mỹ - doanh nghiệp cung cấp bồn nước inox đầu tiên tại Việt Nam; Unicons, một công ty xây dựng lớn, hay Unifarm với trang trại nông nghiệp công nghệ cao rộng 500 ha.

Hay những người yêu truyền hình, phim ảnh cũng không xa lạ với HTV3, một kênh giải trí dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên, với toàn bộ phần nội dung do Công ty Cổ phần Truyền thông Trí Việt (TVM), một khoản đầu tư khác của U&I thực hiện.

Toàn Mỹ cũng là một doanh nghiệp được U&I mua lại, rồi Mai Hữu Tín kết hợp với giám đốc Toàn Mỹ để làm công ty truyền thông Trí Việt.

Trong một bài phỏng vấn, ông Tín cho biết vốn điều lệ của U&I là 500 tỷ đồng và ông đang nắm 88%. Hoạt động của U&I nhìn tổng quát cũng giống như các quỹ đầu tư rót vốn và nắm cổ phần ở các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, ông Tín cho rằng doanh nghiệp của ông khác với các quỹ đầu tư ở chỗ luôn tính toán đầu tư lâu dài và hoàn toàn không có ý định thoái vốn nếu khoản đầu tư đó vẫn tốt như họ kỳ vọng.

Việc lựa chọn đầu tư vào một doanh nghiệp tất nhiên là tìm kiếm lợi nhuận hợp pháp và bền vững, nhưng ông Tín cho hay, cũng có khi đầu tư vì “cảm thấy thích thú với một con người, một ý tưởng cụ thể nào đó”. Nhưng các khoản đầu tư như vậy không nhiều lắm.

Trước Gỗ Trường Thành, ông Mai Hữu Tín đã nổi tiếng với thương vụ “giải cứu” công ty Giấy Sài Gòn.

Giải cứu Giấy Sài Gòn

Sau giai đoạn tăng trưởng vượt bậc nhờ nhu cầu tiêu thụ giấy tăng cao, từ năm 2007, SGP rơi vào thời kì khó khăn khi suy thoái kinh tế xảy ra và các nhà đầu tư là Prudential, VIG rút vốn. Đỉnh điểm khó khăn là năm 2011, đối tác Nhật Bản đang chiếm đa số vốn của Giấy Sài Gòn là Daio Paper cũng muốn thoái lui do khó khăn tài chính từ tập đoàn mẹ.

Cùng với đó, chi phí lãi vay để đầu tư dự án nhà máy giấy Mỹ Xuân 2 với tổng vốn 2.500 tỉ đồng có thời điểm lên đến 20%. Đây là giai đoạn mà ông Cao Tiến Vị - người sáng lập SGP từng chia sẻ trên báo chí rằng “có lúc thất bại gần như đã ở trước mặt”.

Tháng 9/2013, Công ty CP Mai và cộng sự (Mai & CO) do ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch HĐQT đã trở thành “vị cứu tinh” của SGP sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần (và nợ) của Daio Paper, với tỉ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỷ đồng mệnh giá. Sau thương vụ “thâu tóm ngược” này, hiện ông Mai Hữu Tín giữ vai trò Chủ tịch HĐQT và người sáng lập SGP là ông Cao Tiến Vị giữ vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.

“Đến năm 2015 này thì Giấy Sài Gòn đã đi vào hoạt động ổn định, tổng công suất đạt 320.000 tấn/năm và dự kiến có lợi nhuận sau một giai đoạn dài khó khăn.” – Ông Mai Hữu Tín cho biết trong một hội thảo năm 2015 – “Doanh thu của chúng tôi năm 2015 khoảng 3.000 tỉ đồng, dự kiến khi vận hành hết công suất năm 2019 sẽ vượt mốc 5.000 tỉ đồng/năm”.

Ông Tín cũng tự tin rằng Giấy Sài Gòn hiện đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp FDI như Vinacraft của SCG Thái Lan, Chính Dư của Trung Quốc hay Toyo Pulppy của Nhật.

“Mảng giấy tissue là mảng kinh doanh lớn nhất của Giấy Sài Gòn và chúng tôi đứng đầu về thị phần giấy này trong nước. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới” - Ông Mai Hữu Tín cho biết.

Với thương vụ mới nhất với Gỗ Trường Thành, nhà đầu tư kỳ vọng rằng ông chủ của U&I có thể “giải cứu” doanh nghiệp này như đã làm với Giấy Sài Gòn.

Mai Linh (Tổng hợp)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên