Chân dung người đàn ông nắm trong tay 10.000 tỷ USD, đứng sau một trong những chủ nợ lớn nhất của nhiều công ty và chính phủ trên toàn thế giới
Larry Fink đã xây dựng BlackRock thành tập đoàn quản lý đầu tư lớn nhất từng xuất hiện trên hành tinh. Nhưng liệu một công ty có nên nắm trong tay quá nhiều quyền lực?
- 15-01-2021Rót hơn 10 tỷ USD từ năm 2018, BlackRock cùng những nhà đầu tư lớn của Ant rơi vào tình thế 'lửng lơ', không biết số tiền đã 'đi đâu về đâu'
- 26-05-2020Tàn phá thị trường tài chính, nhưng Covid-19 đang đưa BlackRock thành ông vua mới của phố Wall
- 18-07-2018Bitcoin tăng vọt sau khi BlackRock tuyên bố nghiên cứu tiền mật mã và blockchain
Đi tìm cơ hội ở sân bóng chày
Ngày 16/4/2009, Rob Kapito đến sân vận động Yankee mới được khánh thành. Nơi đây đang diễn ra trận bóng giữa đội tuyển bóng chày Yankee - niềm tự hào của người dân New York và đội tuyển Cleveland Indian. Nền kinh tế đang trong tình trạng hỗn loạn, sau khi cuộc khủng hoảng thế chấp của Mỹ làm rung chuyển hệ thống tài chính toàn cầu, và phố Wall đang tuyệt vọng. Nhưng người đàn ông hói đầu từng là 1 trader trái phiếu này không đến đây để xem một trận bóng chày.
Kapito đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật không chỉ làm thay đổi vận mệnh công ty mình -tập đoàn đầu tư BlackRock, mà còn làm thay đổi cả bộ mặt của ngành tài chính. Giám đốc điều hành của Ngân hàng đầu tư Barclays Capital Bob Diamond đang theo dõi trận đấu từ khán đài riêng tại sân vận động Yankee. Biết được điều này, Kapito muốn có được trò chuyện gấp và kín đáo và với người bạn cũ nên ông đã đặt vé và tìm đường đến quận Bronx.
Ngân hàng Anh - Barclays đã mạo hiểm mua lại những tài sản trên thị trường Mỹ của Lehman Brothers khi ngân hàng này sụp đổ vào năm 2008, nhưng thương vụ này nhanh chóng bế tắc khiến cho chính Barclays cũng rơi vào khủng hoảng. Đầu năm 2009, Barclays đã cố gắng huy động tiền gửi và tránh được sự can thiệp của chính phủ Anh qua gói cứu trợ. Điều này nghĩa là Barclay sẵn sàng bán đi những mảng kinh doanh có lãi, bao gồm cả công ty tiên phong về quản lý tài sản của mình - Barclays Global Investors (BGI). Thậm chí ngân hàng này sẵn sàng "bán mình" đi từng phần một.
Vào đầu tháng 4, Barclays đã chấp nhận bán iShare – quỹ ETF đang phát triển rất nhanh của BGI để đổi lấy 4,2 tỷ USD theo lời đề nghị của công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại London - CVC. Thỏa thuận này có điều khoản quan trọng, quy định rằng: Trong vòng 45 ngày, Barclay có thể tự do đàm phán với các bên khác đưa ra mức giá hấp dẫn hơn so với CVC. Điều này đem đến một cơ hội mà BlackRock có thể kịp thời nắm bắt.
Đêm đó, đội Yankees đã thua tuyển Cleveland, nhưng Kapito đã bỏ lỡ hoàn toàn trận đấu. Ông lao đến khán đài riêng của Barclays, gõ cửa mời Diamond ra bên ngoài trò chuyện. Diamond gật đầu đồng ý và cả hai ra ngoài đi dạo.
"Ông muốn chơi cờ caro hay muốn chơi cờ vua?" Chủ tịch công ty BlackRock hỏi Diamond và đưa ra lời đề nghị của mình.
Fink (ngồi giữa) cùng với Susan Wagner và Robert Kapito vào năm 2009. Cả hai đều là thành viên của nhóm giám đốc điều hành do Fink và Ralph Schlosstein lựa chọn vào năm 1998, nhằm giúp họ thành lập công ty đầu tư mới – chính là công ty BlackRock sau này. (Ảnh: Mark Peterson / Redux / eyevine)
Kapito cho rằng Barclay không nên bán iShares cho CVC mà nên bán toàn bộ BGI cho BlackRock và nhận về một lượng tiền và cổ phiếu lớn trong công ty sau sáp nhập. Bằng cách này, Barclays sẽ có được số vốn cần thiết để tránh được sự can thiệp của chính phủ qua gói cứu trợ, mà vẫn được hưởng lợi từ mảng quản lý tiền của mình nhờ sở hữu đáng kể cổ phiếu trong BlackRock. Nhờ vậy Barclay sẽ trở thành gã khổng lồ trong thế giới đầu tư.
Diamond đáp: "Đó là một lời đề nghị cực kỳ hấp dẫn". Trên thực tế, trước đó hội đồng quản trị đã phê chuẩn cho Diamond nghiên cứu về việc bán đi toàn bộ hoạt động kinh doanh của BGI, đồng thời Diamond cũng cho rằng BlackRock là một bên mua tiềm năng. Chính vì vậy, Diamond đã nhận lời đưa sếp của mình - John Varley đến gặp Kapito và Larry Fink (giám đốc điều hành của BlackRock) vào ngày hôm sau. Hai tháng sau, thỏa thuận trị giá 13,5 tỷ USD giữa hai bên đã được xác lập và công bố trên toàn thế giới.
Mặc dù xuất hiện những mâu thuẫn trong thời gian đầu, thời gian đã chứng tỏ thương vụ là một thành công phi thường. BlackRock đã trở thành công ty quản lý tài sản lớn nhất hành tinh với những sản phẩm đầu tư dành cho tất cả mọi đối tượng trong xã hội, từ những người hưu trí, các nhà tài phiệt giàu có cho đến các quỹ đầu tư quốc gia. Ngày nay, BlackRock đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất trong hầu hết mọi công ty lớn của Mỹ cũng như một số công ty quốc tế. Công ty này là một trong những chủ nợ lớn nhất của nhiều công ty và chính phủ trên toàn thế giới. Ngoài ra, nền tảng công nghệ Aladdin của công ty này cũng cung cấp hệ thống liên kết thiết yếu cho các nhóm ngành đầu tư toàn cầu.
Cán mốc 10.000 tỷ USD
Vào cuối tháng 6 năm nay, BlackRock đang quản lý khối tài sản khổng lồ 9.500 tỷ USD, tương đương với quỹ hưu trí của khoảng 35 triệu người Mỹ được công ty quản lý vào năm 2020. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng gần đây, BlackRock có thể sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào ngày 13/10 với con số vượt qua mốc 10.000 tỷ USD. Cuối năm nay, tổng tài sản công ty đang quản lý có khả năng sẽ vượt qua mức này.
Cụ thể, 10.000 tỷ USD này tương đương với tổng giá trị của tất cả các quỹ đầu cơ, các công ty vốn cổ phần tư nhân và ngành vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu. Điều này đã đưa tên tuổi của ngài Fink (hiện đã 68 tuổi) từ một nhà quản lý tài chính được đánh giá cao giờ đây được liệt vào hàng ngũ hiếm hoi những giám đốc điều hành được tôn trọng bậc nhất trên toàn cầu.
Ngày nay "Larry" là vị vua không có gì phải bàn cãi của Phố Wall. Thành lập một công ty đầu tư trái phiếu nhỏ cách đây mới ba thập kỷ, ông đã xây dựng nó thành một đế chế tài chính lớn mạnh chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, quyền lực luôn đi kèm với sự chú ý. BlackRock đã trở thành tâm điểm chỉ trích của cả chính quyền cánh tả lẫn cánh hữu.
Thậm chí nhiều ông trùm Phố Wall cũng lặng lẽ bày tỏ sự lo lắng về quy mô khổng lồ của công ty này. BlackRock gần đây đã gây ra nhiều tranh cãi khi George Soros cáo buộc công ty này đã phạm phải một "sai lầm kinh khủng" khi đổ tiền của các nhà đầu tư vào một đất nước mà nhà nước nắm quyền kiểm soát nền kinh tế vô cùng sát sao như Trung Quốc.
(Còn tiếp)
Tham khảo Financial Times