MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung người tiếp bước Jack Ma chèo lái Alibaba: Đi lên từ kiểm toán viên, kín tiếng đến mức từng bị nhầm là nhân viên tạp vụ nhưng tham vọng không hề kém nhà sáng lập

10-09-2019 - 19:14 PM | Tài chính quốc tế

Từ nhiều tháng nay, Daniel Zhang cùng với 1 nhóm nhỏ nhân viên tập trung cao độ tại một garage ở Thượng Hải. Vị CEO của Alibaba đang triển khai kế hoạch bí mật mà kể cả những đồng nghiệp của ông ở Hàng Châu cũng sẽ cảm thấy điên rồ.

 Zhang muốn thành lập 1 startup ở ngay bên trong gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Đó sẽ là kết hợp của cửa hàng thực phẩm, nhà hàng và ứng dụng giao hàng, sử dụng robot và công nghệ nhận diện khuôn mặt để đẩy nhanh tốc độ giao hàng cũng như thanh toán.

Có tên Freshippo, dự án của Zhang có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của Alibaba, với 150 cửa hàng trên khắp 17 thành phố ở Trung Quốc. Trong buổi chiều cuối tuần gần đây, tại 1 cửa hàng ở Hàng Châu, những thùng nhựa tự động di chuyển khắp hành lang, thu thập hàng hóa để phục vụ các đơn hàng trực tuyến. Những người giao hàng ở ngay gần đó, sẵn sàng vận chuyển hàng trong phạm vi bán kính 1,9 dặm chỉ trong 30 phút.

Ít người biết đến hơn hẳn so với nhà sáng lập, Zhang (47 tuổi) sẽ là người kế nhiệm Jack Ma để chèo lái con thuyền Alibaba sau khi ông nghỉ hưu chính thức. Từ hôm nay, ngoài chức vụ CEO đã đảm nhiệm từ năm 2015, tên của Zhang sẽ có thêm chức danh Chủ tịch Alibaba ở bên cạnh và trở thành người đầu tiên ngoài Jack Ma cùng lúc nắm giữ cả 2 vị trí.

Trong khi Ma là nhân vật được cả thế giới biết đến với những bài phát biểu tràn đầy cảm hứng, Zhang là người từ tốn hơn với giọng nói nhỏ nhẹ và có đôi chút ngắc ngứ khi trò chuyện bằng tiếng Anh với các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí ở Trung Quốc cũng ít người biết đến Zhang. Có giai thoại kể rằng tại trụ sở của Alibaba, phụ huynh của 1 nhân viên từng nhầm lẫn Zhang là nhân viên tạp vụ.

Nhưng Zhang cũng quyết liệt không kém so với người tiền nhiệm. Ông cho rằng điểm độc đáo của Alibaba nằm ở vị thế là công ty có sứ mệnh đem thế giới online và offline gắn kết với nhau trong mọi lĩnh vực mà trước mắt là thực phẩm. Hàng chục sáng kiến mới của Zhang đang dẫn Alibaba tiến sâu vào các lĩnh vực mới mẻ gồm tài chính, y tế, phim ảnh và âm nhạc. Đặc biệt là ở Mỹ, nơi Alibaba niêm yết cổ phiếu, một số nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về tham vọng này. Tuy nhiên Zhang quan điểm đó là vấn đề sống còn.

"Tất cả các mảng kinh doanh đều có vòng đời. Nếu chúng ta không hủy bỏ những mảng đang tồn tại, người khác sẽ làm việc đó. Vì thế tôi thà nhìn thấy chính những mảng kinh doanh mới của chúng tôi kết liễu những thứ cũ kỹ trong nội bộ", Zhang trả lời phỏng vấn của Bloomberg ngay tại trụ sở ở Hàng Châu.

Chợ trực tuyến đã giúp Alibaba trở thành công ty niêm yết lớn nhất Trung Quốc với giá trị vốn hóa vào khoảng 460 tỷ USD, nhưng trong những tháng gần đây đã có một vài dấu hiệu tiêu cực xuất hiện. Kinh tế Trung Quốc trùng xuống, khiến chi tiêu tiêu dùng và ngân sách chi cho quảng cáo bị ảnh hưởng. Cổ phiếu Alibaba giảm giá. Và biểu tình ở Hồng Kông buộc Alibaba phải hoãn vụ IPO kỳ vọng mang lại 20 tỷ USD vốn mới.

Mitchell Green, lãnh đạo của Lead Edge Capital, quỹ đang đầu tư vào Alibaba, nhận định "Zhang phải tìm thấy những động lực tăng trưởng doanh thu mới và do đó ông đang gieo trồng rất nhiều hạt giống mới".

Sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, Zhang theo nghiệp kế toán của cha mình khi theo học ngành Tài chính tại ĐH Thượng Hải. Khi chập chững vào nghề, ông đã chứng kiến những tổ chức tưởng như vững chãi cũng có thể biến mất nhanh chóng như thế nào. Ông đang đi phỏng vấn xin việc tại Barings Bank khi 1 trader đánh mất hơn 1 tỷ USD và khiến định chế tài chính 233 năm tuổi khốn đốn. Sau đó Zhang trở thành kiểm toán tại chi nhánh Trung Quốc của Arthur Andersen và đang làm việc tại đây khi Andersen phá sản vì có liên quan đến vụ bê bối chấn động Enron.

Zhang từng là CFO của công ty game Shanda Interactive ở thời điểm đây là công ty internet lớn nhất Trung Quốc. Đó cũng là nơi Phó Chủ tịch Joseph Tsai – người có ảnh hưởng lớn thứ hai của Alibaba, sau Jack Ma, tìm thấy Zhang năm 2007.

Alibaba là nơi là Zhang thực sự nhận ra bản thân mình. Khi ông mới vào Alibaba, website hot nhất của công ty là Taobao – chợ điện tử giống với eBay – đang thua lỗ và tràn đầy hàng giả. "Tôi sửng sốt khi nhìn vào báo cáo tài chính. Doanh thu? Bằng 0. Quá nhiều lỗ. Bảng cân đối kế toán thậm chí còn tồi tệ hơn", Zhang nói.

Bắt đầu từ năm 2008, Zhang đảm nhiệm phát triển Tmall, chợ điện tử giống với Amazon và hiện vẫn là mảng sinh lời nhiều nhất. Để thu hút đối tác, ông cung cấp những thông tin rất hữu ích về khách hàng: ai đã mua hàng, họ sống ở đâu và loại quảng cáo nào sẽ phù hợp nhất. Doanh thu bùng nổ và Zhang từ từ thu hút được các thương hiệu toàn cầu như bột giặt Tide của P&G và mỹ phẩm SK-II đến Trung Quốc bán hàng trực tuyến. Ông cũng cho thấy Alibaba thực sự nghiêm túc với việc chống hàng giả bằng cách lắp đặt phần mềm phát hiện hàng giả và có hotline để báo cáo vi phạm.

Năm 2009, Zhang và nhóm của ông tạo ra Singles’ Day, ngày hội mua sắm được tổ chức vào ngày 11/11 hàng năm với vô số mặt hàng giảm giá sốc. Zhang đã dành nhiều tháng hối thúc các thương nhân tham gia vào sự kiện này. Doanh thu đạt 135 triệu USD ngay trong năm thứ 2 và đến năm thứ 5 đã tăng lên 5,8 tỷ USD. Năm ngoái con số đạt 31 tỷ USD, vượt xa doanh số của ngày Black Friday ở Mỹ.

Những dự án như Freshippo là một phần trong kế hoạch mà Alibaba lạc quan gọi là "bán lẻ kiểu mới". Ý tưởng được thai nghén bởi CEO Hou Yi của Freshippo, người đang có ý định tự thành lập công ty khi gặp Zhang năm 2014. Sau khi uống cafe cùng nhau, Zhang thuyết phục được Hou Yi gia nhập Alibaba và đầu tư cho anh 100 triệu USD để bắt đầu, không yêu cầu có lãi trong 2 năm đầu.

Freshippo không phải là kiểu dự án chắc chắn sẽ thành công. Trong ngành thực phẩm biên lợi nhuận quá mỏng và có nhiều đối thủ cạnh tranh gay gắt với nguồn vốn dồi dào. Ele.me của Alibaba cũng đang đốt cả núi tiền trong trận chiến với Meituan. Wang Xing, nhà sáng lập của Meituan, trong 1 cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay đã nói rằng Alibaba sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh đến năm 2020. Zhang khẳng định điều đó là sai, và Alibaba quyết tâm sẽ có được ít nhất 50% thị phần trong mảng giao đồ ăn để có được lợi thế trong các mảng có liên quan, ví dụ như dịch vụ thanh toán điện tử.

Có lẽ mở rộng ở thị trường nước ngoài là thách thức lớn nhất của Alibaba. Ma cam kết Alibaba sẽ tạo ra ít nhất một nửa doanh thu là từ thị trường bên ngoài đại lục, một mục tiêu mà Zhang cũng sẽ theo đuổi. Tuy nhiên những con số đang ở cách khá xa mục tiêu. Alibaba đã rót 4 tỷ USD vào Lazada để mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á nhưng vẫn đang gặp khó khăn ở những thị trường chủ chốt ví dụ như Indonesia. Hồi tháng 3 Lazada đã có CEO thứ ba chỉ trong 9 tháng.

Mặc dù nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn rất lớn và giá trị vốn hóa của Alibaba tăng lên, duy trì là việc ngày càng khó. Cổ phiếu Alibaba đã tăng hơn gấp 3 kể từ thời điểm Zhang lên làm CEO (tháng 9/2015) tính đến tháng 6 năm ngoái nhưng đến nay đã giảm 15%.

Những sáng kiến mới cũng khiến Zhang kiệt sức. Kể cả xét theo tiêu chuẩn làm việc 996 hà khắc phổ biến trong ngành công nghệ Trung Quốc (làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày trong tuần), lịch làm việc của ông còn khủng khiếp hơn thế. Không chỉ phải đối đầu với đối thủ, Zhang còn chịu áp lực quá lớn từ những ký ức về Jack Ma khi là người kế nhiệm vị Chủ tịch huyền thoại.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên