MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung "những kẻ buôn vua", gia tộc đứng sau tập đoàn tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ

12-08-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Nhà Koch hiện là gia tộc giàu thứ ba thế giới với tổng tài sản gần 100 tỷ USD, chỉ đứng sau nhà Walton (sở hữu chuỗi siêu thị Walmart) và nhà Mars (sở hữu công ty bánh kẹo Mars).

Koch Industries được thành lập bởi Fred Koch năm 1940. Từ khi người cha qua đời năm 1946, tập đoàn được điều hành và sở hữu phần lớn bởi các con trai của ông, những người được biết đến nhiều hơn với cái tên "anh em nhà Koch" – David và Charles, mỗi người sở hữu 42% công ty. Năm 2018, David (79 tuổi) rời khỏi vị trí vì lý do sức khỏe và qua đời 1 năm sau đó; trong khi Charles (83 tuổi) vẫn là Chủ tịch kiêm CEO.

Koch Industries được Forbes xếp hạng là tập đoàn tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ, với doanh thu hàng năm đạt 119 tỷ USD. Còn theo xếp hạng mới nhất của Bloomberg, nhà Koch hiện là gia tộc giàu thứ ba thế giới với tổng tài sản gần 100 tỷ USD, chỉ đứng sau nhà Walton (sở hữu chuỗi siêu thị Walmart) và nhà Mars (sở hữu công ty bánh kẹo Mars).

Chân dung những kẻ buôn vua, gia tộc đứng sau tập đoàn tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ - Ảnh 1.

Fred Koch tốt nghiệp ngành hóa học tại ngôi trường danh tiếng MIT. Ở tuổi 27, chàng kỹ sư hóa học đã tìm ra phương pháp đột phá cho phép biến dầu thô thành xăng một cách hiệu quả hơn. Phương pháp này cho phép những công ty nhỏ yếu thế trong ngành có thể cạnh tranh tốt hơn với các ông lớn, do đó các tập đoàn dầu mỏ lớn nhanh chóng tấn công Fred.

Sau một loạt vụ kiện từ Universal Oil Products, công ty đã đăng ký bằng sáng chế và đã được cấp phép 1 công nghệ tương tự, ông mang công nghệ của mình tới Liên Xô năm 1929. Không lâu sau đó, ông quay trở lại Mỹ và kết hôn.

Hơn 1 thập kỷ sau, Fred tự thành lập công ty lọc dầu của riêng mình. Ban đầu công ty có tên gọi là Wood River, sau đó đổi tên thành Rock Island và cuối cùng là Koch Industries.

Chân dung những kẻ buôn vua, gia tộc đứng sau tập đoàn tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ - Ảnh 2.

Từ chỗ chỉ hoạt động trong ngành lọc hóa dầu, Koch Industries sau đó đã phát triển mạnh mẽ thành 1 tập đoàn đa ngành, tham gia vào cả những lĩnh vực như nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng, là công ty tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ với doanh thu hàng năm đạt 119 tỷ USD.

Năm 1961, Koch Industries được định giá 21 triệu USD, tương đương mức tăng trưởng tích lũy sau 57 năm là hơn 467.000%. Để dễ hình dung, trong quãng thời gian từ 1/1/1961 đến 1/1/2019, chỉ số S&P 500 tăng gần 4.210%.

Tính đến tháng 6/2019, tập đoàn có 120.000 nhân viên trên toàn thế giới.

Tất cả 4 người con trai của Fred Koch đều đã trở thành tỷ phú sau khi công việc kinh doanh của gia tộc phát triển vượt bậc. Trước khi David qua đời, ông và Charles là những thành viên duy nhất của thế hệ thứ hai vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành tập đoàn. Hai người con trai còn lại của Fred là Frederick và William đã bán hết cổ phần từ năm 1983.

Chân dung những kẻ buôn vua, gia tộc đứng sau tập đoàn tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ - Ảnh 3.

Sau khi người cha qua đời năm 1967, Charles Koch đảm nhận vị trí Chủ tịch kiêm CEO của Rock Island Oil. Khi đó ông 32 tuổi và mới chỉ làm việc ở tập đoàn được hơn 5 năm. Trước khi qua đời, Fred Koch đã có vài lần lên cơn đau tim và do đó ông đã chuẩn bị mọi sự để con trai có thể tiếp quản công ty nếu có điều gì bất trắc xảy ra. Trong 1 cuộc phỏng vấn với tạp chí New York, David Koch đã tiết lộ về cha mình bất chợt lên cơn đau tim trong 1 buổi đi săn chim ở Utah.

Mặc dù có bố mẹ hết sức giàu có, anh em nhà Koch lớn lên trong môi trường mà họ được dạy rất kỹ về tầm quan trọng của sự chăm chỉ. Charles nổi tiếng với câu chuyện kể rằng bố của ông không bao giờ muốn những cậu con trai "trở thành những kẻ vô công rồi nghề". Từ khi còn đi học, họ đã phải làm việc trong thời gian rảnh rỗi. Trong cuốn sách "Sons of Wichita", tác giả Daniel Schulan viết: "Ông ấy [Fred] để chúng [những đứa con trai] làm những công việc chân tay như vắt sữa bò, dọn cỏ, đào rãnh và bất cứ gì mà ông ấy có thể nghĩ ra".

Sau khi tiếp quản vị trí CEO, Charles tiếp tục mở rộng công ty và thực hiện một loạt vụ thâu tóm các công ty trong ngành năng lượng. Tính trung bình dọc theo lịch sử của tập đoàn, Koch Industries đã tái đầu tư tới 90% lợi nhuận ròng.

Năm 1970, người em David Koch mới gia nhập công ty, khởi đầu với vị trí giám đốc dịch vụ kỹ thuật và nhanh chóng thăng tiến. Năm 1978 ông trở thành chủ tịch mảng kỹ thuật của Koch Industries.

Chân dung những kẻ buôn vua, gia tộc đứng sau tập đoàn tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ - Ảnh 4.

Đầu những năm 1990, tập đoàn bắt đầu mở rộng ra ngoài ngành dầu khí. Năm 1995, 1 quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 150 triệu USD ra đời, chuyên tìm kiếm các startup sáng giá. Koch Industries đã đầu tư vào rất nhiều ngành, từ xăng dầu, hóa học, trại chăn nuôi đến tài chính và thương mại, đặc biệt là buôn bán nguyên vật liệu thô, phân bón, kiến trúc, giấy, vận tải và cả mảng phân phối.

Charles áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp dựa trên thị trường (market-based management) tại tập đoàn. Đây là bộ nguyên tắc giúp cho tổ chức có thể thành công trong dài hạn bằng cách cho phép mỗi cá nhân trong tổ chức được quyền quyết định đâu là điều tốt nhất cho công việc của họ.

Koch Industries không đưa ra một bậc thang lương cố định nào. Tập đoàn không gắn tiền thưởng với lợi nhuận của công ty. "Chúng tôi đánh giá một nhân viên đã tạo ra bao nhiêu giá trị cho tập đoàn và thưởng cho họ tương xứng", Charles nói.

Chân dung những kẻ buôn vua, gia tộc đứng sau tập đoàn tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ - Ảnh 5.

Theo tài liệu nộp lên Ủy ban chứng khoán Mỹ SEC, Koch Industries được miêu tả là "có khả năng liên tục tìm ra những phương thức mới để tạo ra giá trị" và mỗi công ty con "đều cố gắng tận dụng sức mạnh của thị trường tự do trong hoạt động kinh doanh của mình để tối đa hóa năng suất và khả năng thích ứng".

Những thương vụ M&A đình đám của Koch Industries có thể kể đến vụ mua lại Georgia-Pacific năm 2005 với giá 22 tỷ USD, mang giấy vệ sinh Quilted Northern và giấy Brawny cùng với cốc giấy Dixie vào danh mục sản phẩm của tập đoàn. Tháng 12/2012, Koch Industries đã chi 7,2 tỷ USD để mua lại công ty sản xuất thiết bị điện Molex.

Tháng 4/2014, Koch Industries kết hợp với Goldman Sachs thâu tóm công ty sản xuất mực in Flint Group với giá 3 tỷ USD. Tháng 11 năm đó, tập đoàn trả 445 triệu USD cho Oplink Communications, 1 công ty chuyên sản xuất linh kiện quang học.

Năm 2015, Kock Industries đóng góp 100 triệu USD cho quỹ đầu tư do Eaglehill Capital Partners lập ra. Quỹ này hướng đến mục tiêu giúp đỡ các vụ thâu tóm doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn cổ phần tư nhân, chủ yếu thông qua phương án tài trợ nợ.

Frederick và William Koch đã không còn tham gia vào hoạt động kinh doanh từ nhiều năm nay. Họ đã bán cổ phần của mình cho Charles và David để nhận về 700 triệu USD. Bộ đôi này từng kiện Charles và David nhưng sau đó mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa.

Frederick chuyển tới Monaco và hiện lấy việc sưu tập tranh làm thú vui tiêu khiển, trong khi William là CEO của Oxbow, 1 công ty năng lượng mà ông lập ra sau khi bán hết cổ phần ở Koch Industries. Tính đến tháng 6/2019, Oxbow là công ty tư nhân lớn thứ 184 ở Mỹ với doanh thu hàng năm vào khoảng 2,5 tỷ USD.

Chân dung những kẻ buôn vua, gia tộc đứng sau tập đoàn tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ - Ảnh 6.

Charles và David Koch đôi lúc được gọi là "những kẻ buôn vua của đảng Cộng hòa". Họ đã chi hàng triệu USD tài trợ cho chiến dịch tranh cử của các ứng viên đảng Cộng hòa trong nhiều năm nay.

Hai người cũng tài trợ cho hơn 250 trường cao đẳng, đại học, tập trung vào các chương trình nghiên cứu và giáo dục. Trong số đó có Viện nghiên cứu con người, 1 tổ chức ủng hộ tự do cá nhân và kinh tế thị trường tự do. Viện Charles Koch cũng có các chương trình đào tạo chuyên nghiệp giúp các cá nhân "đạt được tự do kinh tế thông qua sự nghiệp".

Theo 1 bài báo trên tờ Politico, anh em nhà Koch đầu tư vào chính trị nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào ở Mỹ. Bài báo cho rằng các nhóm luật sư của họ có tổng cộng tới 1.200 nhân viên toàn thời gian hoạt động ở 107 văn phòng trên khắp nước Mỹ, cao gấp 3 lần quy mô của Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa (RNC). Số tiền mà mạng lưới này dự định chi cho các cuộc vận động trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 là 889 triệu USD – cao hơn gấp đôi so với số tiền RNC chi ra.

Trả lời phỏng vấn của AP năm 2014, David từng nói: "Bố tôi rất sợ 1 ngày nào đó chính phủ trở nên quá hống hách... vì thế từ khi David và tôi là những đứa trẻ vị thành viên cho đến hiện tại, chúng tôi vẫn luôn ám ảnh với nỗi sợ đó".

Tham khảo Investopedia

Bài: Thu Hương - Thiết kế: Hoài Linh

Tổ Quốc

Trở lên trên