MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung Nữ hoàng livestream, bán từ tăm bông tới tên lửa, mỗi ngày thu về hàng triệu USD

05-06-2020 - 11:10 AM | Tài chính quốc tế

Trở thành triệu phú ở tuổi 34, người phụ nữ này được coi là ngôi sao trong ngành công nghiệp bán hàng livestream với trị giá 60 tỷ USD.

Huang Wei có thể bán mọi thứ. Hồi tháng 4, Huang, người được biết tới rộng rãi với cái tên Viya, đã bán một quả tên lửa cho một người mua ẩn danh với giá 5,6 triệu USD trong một cuộc đấu giá trực tuyến thông qua livestream. Quả tên lửa Kuaizhou-1A được bán vào ngày 1/4/2020 với giá 40 triệu tệ. Chi phí này bao gồm cả gói phóng tên lửa, sơn tùy chỉnh theo quyền của người mua cũng như quyền sử dụng bệ phóng. Thương vụ là minh chứng rõ nhất cho việc người ta có thể bán mọi thứ qua livestream.

Huang, 34 tuổi, thường là người dẫn chính cho chương trình tạp kỹ diễn ra hàng đêm, bao gồm trò chuyện và bán hàng. Tháng trước, Huang đạt lượng người xem kỷ lục là 37 triệu, nhiều hơn  tập cuối "Game of Thrones", lễ trao giải Oscars hay trận đấu kinh điển vào ngày cuối tuần "Sunday Night Football".

Chân dung Nữ hoàng livestream, bán từ tăm bông tới tên lửa, mỗi ngày thu về hàng triệu USD - Ảnh 1.

Mỗi đêm, khán giả của Viya bỏ ra hàng triệu USD đặt các đơn hàng từ mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo…. Tuy nhiên, người phụ nữ này cũng bán cả nhà và ô tô. Vào ngày độc thân, sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm của Trung Quốc, Viya đã bán được hơn 3 tỷ tệ. Đại dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc, buộc rất nhiều người phải ở nhà, dẫn tới lượng người xem trực tuyến của Viya tăng gấp đôi.

Không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc, Viya là cái tên được Tesla, Procter & Gamble và siêu mẫu chuyển sang làm đẹp Miranda Kerr… thuê để quảng cáo và mở đường cho sản phẩm của họ đến với người tiêu dùng Trung Quốc. Là nữ hoàng trong một hệ sinh thái mua sắm trực tuyến Trung Quốc, năm 2018, Viya có thu nhập 30 triệu USD. Số liệu này được gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba công bố.

Tuy nhiên, trái ngược với thành công của Viya, thị trường bán lẻ truyền thống đang loay hoay. Đại dịch Covid-19 kèm theo suy thoái kinh tế làm giảm doanh số và khách hàng tới những điểm mua sắm truyền thống. Hàng loạt những tên tuổi lớn trong ngành như Forrester Research. J.C. Penney, J. Crew và Pier One Imports đã nộp đơn xin phá sản. Khi vắc xin chống Covid-19 chưa được tạo ra, việc thử quần áo, son môi tại các quầy mỹ phẩm là điều còn được chấp nhận.

"Tôi định vị mình là người giúp khách hàng đưa ra quyết định. Tôi cần suy nghĩ về nhu cầu của họ" Viya chia sẻ vào một đêm cuối tháng 5. Tất cả những gì Viya mặc trên người đều là những thứ được bán trong buổi tối hôm đó. Theo Viya, việc ăn mặc giản dị chính là cách để tạo sự thân mật với những người xem, vốn chủ yếu đều mắc kẹt ở nhà.

"Tôi muốn cung cấp cho những người yêu thích tôi tất cả những thứ họ cần. Từ chuông cửa, thảm, bàn chải đánh răng, đệm, đồ nội thất…", Viya cho biết.

Bán lẻ trực tuyến không phải sự độc quyền của Trung Quốc. Cả Amazon và Facebook đều đã thử nghiệm các tính năng này. Tuy nhiên, thành công nhất vẫn là những người như Viya ở thị trường 1,3 tỷ dân. Tiềm năng của livestream ở Trung Quốc là điều đã bỏ xa phần còn lại của thế giới.

Chân dung Nữ hoàng livestream, bán từ tăm bông tới tên lửa, mỗi ngày thu về hàng triệu USD - Ảnh 2.

Thói quen mua sắm trực tuyến gắn bó với người tiêu dùng là công cụ quan trọng của các nhà bán lẻ. Từ nền tảng công nghệ đến phương tiện thanh toán không tiền mặt đều đã được hoàn thiện ở mức hoàn hảo tại Trung Quốc. Thậm chí, Alibaba còn thành công khi xóa mờ khoảng cách giữa giải trí và mua sắm. Livestream không chỉ là kênh bán hàng, nó còn là nơi người ta tìm đến để giải trí.

"Tôi không thể không xem các buổi livestream của Viya", Linda Qu, một công nhân công nghệ 30 tuổi ở Hằng Châu, chia sẻ. Sau khi cho con trai 4 tuổi đi ngủ, Qu bắt đầu đắm mình vào các livestream của Viya trong lúc tập yoga hoặc xem tivi trên ghế băng. Gần như mọi livestream, Qu đều mua thứ gì đó. Việc mua hụt những thứ đẹp và tốt chính là điều khiến Qu trở lại các buổi livestream của Yiya.

Tầng lớp trung lưu đang lên ở Trung Quốc chính là mảnh đất màu mỡ mà mọi doanh nghiệp đều muốn chiếm lĩnh. Theo báo cáo từ Viện toàn cầu McKinsey, Trung Quốc đóng góp 1/3 tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu từ năm 2010 đến 2017. Vai trò này được dự báo sẽ tiếp tục khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi từ đại dịch. Và trong 10 năm tới, tăng trưởng tiêu dùng ở Trung Quốc dự kiến bằng và Mỹ và Tây Âu cộng lại.

Chân dung Nữ hoàng livestream, bán từ tăm bông tới tên lửa, mỗi ngày thu về hàng triệu USD - Ảnh 3.

Trở lại với Viya, gần như tất cả các đêm, người phụ nữ này đều thực hiện livestream từ một phòng thu nhỏ nằm ở trụ sở của cô, một nhà kho 10 tầng nằm ở trung tâm công nghệ Hàng Châu, Trung Quốc. Chương trình chỉ là một phần của doanh nghiệp 500 người có tên Tập đoàn Qianxun. Đây là nơi quản lý hàng chục người livestream cũng như hệ thống phân phối và bán lẻ.

Không dừng lại ở những gì đang diễn ra, Qianxun muốn trở thành nhà tư vấn quảng cáo, thậm chí trở thành đại lý cho những thương hiệu mong muốn tiếp cận khách hàng thông qua mạng lưới KOL của mình. Trong tháng này, Qianxun sẽ kêu gọi đầu tư và dự kiến IPO muộn nhất vào năm 2025.

"Năm nay là bước ngoặt của ngành công nghiệp này. Tôi đã nói điều này ngay cả trước khi đại dịch xảy ra", Alves Huang, CEO của Qianxun, người còn được biết tới với cái tên Aoli, cho biết. "Tuy nhiên, đại dịch đẩy nhiều nhà bán lẻ truyền thống lên mạng cùng với nhiều người nổi tiếng tham gia vào ngành công nghiệp này. Nó gây ra sự chú ý ở mọi nơi".

Huang là anh chồng của Viya trong khi chồng cô là chủ tịch công ty. Hiện tại, Viya chính là ngôi sao được các nhãn hàng săn đón nhất. Công ty này sẽ mở rộng lên 100 người trong vòng vài năm tới.

Tuy nhiên, để đi được vào lòng khách hàng, những người Viya không chỉ phải chọn lựa sản phẩm, biết cách nhận xét, tư vấn mà còn phải có giá cạnh tranh. Ngành công nghiệp này cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và tinh tế tương đương thậm chí là nhiều hơn so với các hình thức bán hàng khác.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên