MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung 'ông chủ' dự án nhà ở công nhân Bắc Ninh hơn 1.500 tỷ đồng ở Bắc Ninh

28-09-2024 - 10:25 AM | Doanh nghiệp

Không chỉ là nhà đầu tư thực hiện dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân hơn 1.500 tỷ đồng ở Bắc Ninh, Bắc Chương Dương của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sơn còn được biết đến liên quan tới hàng loạt lô đất vàng đình đám.

Theo Quyết định số 1729/QĐ-UBND ngày 5/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân khu công nghiệp tại xã Yên Trung (huyện Yên Phong), Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Bắc Chương Dương (Bắc Chương Dương) là nhà đầu tư trúng thầu dự án.

Quy mô khoảng 9 ha, tiến độ thực hiện dự án là 3 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, tổng mức đầu tư gần 1.546 tỷ đồng.

Mục tiêu dự án là xây dựng nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp (nhà ở công nhân) trên địa bàn huyện Yên Phong.

Chân dung 'ông chủ' dự án nhà ở công nhân Bắc Ninh hơn 1.500 tỷ đồng ở Bắc Ninh- Ảnh 1.

Nguồn: Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh

Mặc dù được lựa chọn là nhà đầu tư từ năm 2018 nhưng đến nay, Bắc Chương Dương vẫn đang "om" dự án nghìn tỷ này.

Về Bắc Chương Dương, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 10/2016, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập: Nguyễn Ngọc Sơn (70%), Đặng Anh Tuấn (7%) và Nguyễn Thái An (23%). Ông Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1976) là Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của doanh nghiệp này.

Tháng 8/2017, Bắc Chương Dương tăng vốn lên 250 tỷ đồng, lúc này có sự tham gia của cổ đông mới là ông Vũ Hồng Sơn (10%); ông Nguyễn Ngọc Sơn giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 60%, cổ phần của 2 cổ đông sáng lập còn lại không thay đổi.

Tại đăng ký thay đổi hồi tháng 12/2017, doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn lên gấp đôi, ở mức 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông lúc này là: Đặng Tuấn Anh (7%); Nguyễn Thái An (23%) và Nguyễn Ngọc Sơn (60%).

Đến tháng 3/2022, vốn điều lệ của Bắc Chương Dương là 950 tỷ đồng, cổ đông góp vốn không được tiết lộ.

Tại đăng ký thay đổi gần đây nhất (23/3/2022), ông Nguyễn Ngọc Sơn vẫn đang là Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của doanh nghiệp này.

Ngoài dự án nói trên, Bắc Chương Dương còn từng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (Xuất nhập khẩu Hồng Hà). Doanh nghiệp này vốn là công ty con của Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), được UBND TP.Hà Nội cho thuê 4 lô đất (tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình; phường Thượng Thanh, quận Long Biên; phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm; phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng).

Tại Quyết định số 2736/QĐ-UB ngày 5/6/2018 của UBND TP.Hà Nội, Xuất nhập khẩu Hồng Hà được UBND TP.Hà Nội giao tạm thời quản lý và sử dụng 4 lô đất để làm cơ sở sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp này có trách nhiệm bàn giao lại cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có quyết định thu hồi để thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

Để quản lý, kinh doanh 4 lô đất vàng thủ đô nói trên, Bắc Chương Dương và Xuất nhập khẩu Hồng Hà thống nhất lập pháp nhân mới có tên gọi Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Tân Hồng Hà (Tân Hồng Hà) với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó, Xuất nhập khẩu Hồng Hà nắm 20%, Bắc Chương Dương nắm 70% và cổ đông Nguyễn Thái An sở hữu 10% còn lại.

Đáng chú ý, cổ đông Nguyễn Thái An có nhiều mối liên hệ với Bắc Chương Dương. Như vậy, với việc sở hữu tổng cộng đến 80% vốn của Tân Hồng Hà, đồng nghĩa với Bắc Chương Dương hoàn toàn có quyền quản lý 4 lô đất đúng ra được UBND TP.Hà Nội giao cho Xuất nhập khẩu Hồng Hà tạm quản lý và sử dụng. 

Quay trở lại với doanh nhân Nguyễn Ngọc Sơn, ngoài Bắc Chương Dương, ông Sơn còn là đại diện pháp luật của Công ty CP Tơ lụa Hà Nội.

Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 6/2007, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước.

Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 10/2020, Tơ lụa Hà Nội tăng vốn điều lệ từ 3 tỷ đồng lên 21 tỷ đồng. Đồng thời, người đại diện pháp luật cũng đổi từ ông Vũ Văn Thanh (SN 1965) sang ông Nguyễn Ngọc Sơn.

Tơ lụa Hà Nội từng được biết đến là chủ đầu tư dự án Nhà máy ươm tơ tự động Việt -Ý (xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 12533/ƯĐĐT do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 16/7/2022.

Tuy nhiên, đến năm 2006, dự án này đã bị chấm dứt hoạt động do nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án theo đăng ký.

PV

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên