MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung ông chủ Miniso: Từ công nhân nhà máy trở thành tỷ phú đôla nhờ bán mọi thứ trên đời với mức giá không quá 8 USD/món

16-10-2020 - 17:06 PM | Tài chính quốc tế

Nhà sáng lập chuỗi Miniso vừa trở thành tỷ phú đôla khi công ty niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ.

Một doanh nhân Trung Quốc thành lập nên chuỗi bán đồ gia dụng kiểu dáng đẹp với mức giá phải chăng vừa trở thành tỷ phú đôla. Chuỗi cửa hàng này được hưởng lợi từ xu hướng người tiêu dùng toàn cầu đang hướng tới những hàng hóa giá rẻ khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngân sách chi tiêu của người dùng.

Miniso - công ty có trụ sở tại Guangdong, Trung Quốc vừa thu về 608 triệu USD sau thương vụ IPO trên sàn New York vào ngày thứ 3, biến nhà sáng lập kiêm CEO Ye Guofu thành tỷ phú đôla với khối tài sản trị giá 4 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg. Ông Ye cùng vợ sở hữu 65% cổ phần của Miniso.

Miniso là cửa hàng bán mọi thứ từ đèn tới dép đi trong phòng tắm với thiết kế đầy màu sắc bắt mắt cho biết có tới hơn 95% sản phẩm của họ tại Trung Quốc có mức giá dưới 50 NDT (7,44 USD).

Nhà bán lẻ này ngày một thịnh vượng khi sự khủng hoảng toàn cầu do dịch bệnh gây ra đã đẩy mọi người mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Nó cũng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng đến sự tiết kiệm bắt đầu trong suốt khủng hoảng tài chính từ hơn 1 thập kỷ trước. Theo công ty nghiên cứu Euromonitor International, với các cửa hàng rực rỡ ánh đèn và hàng hóa hiện đại nhưng giá rẻ, Miniso đã chiếm gần 60% thị phần các cửa hàng bán hàng tổng hợp của Trung Quốc không bao gồm các cửa hàng rau củ.

Chân dung ông chủ Miniso: Từ công nhân nhà máy trở thành tỷ phú đôla nhờ bán mọi thứ trên đời với mức giá không quá 8 USD/món - Ảnh 1.

Trong khi đó, thời gian vừa qua những nhà bán lẻ trung cấp từ Brooks Brothers và J. Crew đến chi nhánh Muji tại Mỹ đều đã phải nộp đơn xin phá sản.

"Khi đại dịch khiến sức mua giảm trên toàn cầu, người tiêu dùng tập trung hơn vào những thương hiệu bình dân. Đó là cơ hội lớn cho Miniso. Nền kinh tế càng suy giảm thì càng có nhiều cơ hội và sự phát triển tốt hơn cho những thương hiệu giá rẻ", CEO Yu khẳng định.

Trong ngày đầu tiên giao dịch, giá cổ phiếu Miniso đã tăng 25% trên sàn New York trước khi đóng phiên ở mức 20,88 USD/1 cổ phiếu.

Xuất thân là công nhân nhà máy

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Tencent Holdings và quỹ Hillhouse Capital đã tham gia đầu tư 1 tỷ NDT vào Miniso vào năm 2018 và họ hiện sở hữu 4,8% cổ phần. Số cổ phần đó gộp lại trị giá 614 triệu USD, tức là lãi gấp 4 lần so với 2 năm trước.

Ký tự sau cùng trong tên của CEO Ye nghĩa là "giàu có" trong tiếng Hoa, nhưng vị doanh nhân tới từ Hồ Bắc có khởi đầu khá khiêm tốn. Ye bắt đầu làm công nhân tại nhà máy ống thép và khi nhận thấy nhu cầu với hàng tiêu dùng từ Trung Quốc tăng cao, Ye chuyển sang lĩnh vực buôn bán từ gốm sứ, mỹ phẩm đến đồ thời trang.

Trong một chuyến công tác tới Nhật Bản vào năm 2013, Ye được truyền cảm hứng bởi những cửa hàng giá rẻ tại đất nước này và mang mô hình đó về Trung Quốc. Hiện tại Miniso có hơn 4.200 cửa hàng, 60% ở Trung Quốc, còn lại ở hơn 80 quốc gia khác.

Miniso thường xuyên bị cáo buộc vẽ theo phong cách thẩm mỹ tối giản được phổ biến bởi Muji, nhà bán lẻ thuộc sở hữu của Ryohin Keikaku Co. chuyên cung cấp các mặt hàng gia dụng và phong cách sống không thương hiệu, không logo.

Năm 2016, Miniso và một công ty kết nối đã được lệnh phải bồi thường thiệt hại kinh tế cho LVMH trong một vụ kiện vi phạm thiết kế ở Thâm Quyến, theo một tài liệu của tòa án. Công ty Trung Quốc cũng dính vào một số tranh chấp về bản quyền, trong đó họ cáo buộc các nhà bán lẻ trong nước khác sao chép thương hiệu của mình và có hành vi gian lận trong các chiến dịch tiếp thị.

Ye, 42 tuổi phủ nhận cáo buộc công ty của mình sao chép. "Có thể mọi người hiểu nhầm về chúng tôi. Miniso có thiết kế rất chuyên nghiệp. Điểm cốt lõi của các sản phẩm của chúng tôi là thiết kế đẹp mắt”.

Vẫn chưa có lãi

Việc mở rộng nhanh chóng của Miniso có được nhờ mô hình nhượng quyền thương mại, khiến tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh. Trên thực tế, chỉ 3% các cửa hàng là Miniso trực tiếp điều hành hoạt động. Trong thập kỷ tới, công ty lên kế hoạch mở hàng trăm cửa hàng 1 năm cả ở Trung Quốc và nước ngoài.

Tuy nhiên, công ty vẫn chưa có lãi. Thua lỗ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6 đã thu hẹp 12% xuống còn 37 triệu USD so với 1 năm trước. Công ty cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều của dịch Covid-19 khi doanh thu hàng năm tính đến tháng 6 đã giảm 4,4% xuống 1,3 tỷ đô la.

Chân dung ông chủ Miniso: Từ công nhân nhà máy trở thành tỷ phú đôla nhờ bán mọi thứ trên đời với mức giá không quá 8 USD/món - Ảnh 2.

Miniso cũng đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng trong lĩnh vực bán lẻ giá rẻ từ những gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc như Pinduoduo và Alibaba. Taobao Deals - một nền tảng mua sắm giá rẻ của Alibaba tháng này cũng đã cho ra mắt chương trình bán hàng với mức giá 1 NDT.

"Với Pinduoduo và Alibaba, đặt cược vào bán hàng giá rẻ và mô hình trực tiếp tới nhà sản xuất có thể khiến những thương hiệu như Miniso với định hướng chủ đạo là giá rẻ bị đè bẹp", theo Mark Tanner - nhà sáng lập một công ty nghiên cứu ở Trung Quốc.

Miniso thì nói rằng họ cố gắng duy trì lợi thế về giá thông qua việc tìm nguồn cung ứng ở nước ngoài, đa dạng hóa từ các cơ sở chính là các nhà cung cấp Trung Quốc.

Khi được hỏi về việc trở thành tỷ phú đôla, Ye dừng lại một vài giây rồi nói: "Tôi chưa từng nghĩ về điều đó. Tôi quá bận rộn với những công việc hàng ngày".

Theo Phương Linh

Tổ Quốc

Trở lên trên