Chân dung ông trùm nhà băng, nhà từ thiện vĩ đại đằng sau người thừa kế gia tộc hàng đầu nước Mỹ
David Rockefller là người bạn thân của các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới từ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đến Nelson Mandela tại Nam Phi, từ vua Iran đến Henry Kissinger. David Rockefeller từng đề nghị Tổng thống Jimmy Carter cho phép những người hồi giáo đáng thương đến Mỹ để điều trị y tế.
- 17-02-2017Bí mật kinh doanh thành công của một trong những gia tộc quyền lực nhất châu Âu
- 19-12-2016Những cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" làm lung lay các gia tộc hàng đầu châu Á
- 18-11-20165 gia tộc tài phiệt giàu nhất châu Á
Theo tờ Bloomberg, sự ra đi của David Rockefeller đã đóng một chương tiếp theo trong lịch sử của gia tộc lừng lẫy nhất nước Mỹ.
David Rockefeller là một ông trùm nhà băng, nhà từ thiện, cố vấn Tổng thống kiêm người thừa kế của một trong những gia tộc tiếng tăm nhất ở Mỹ. Ông qua đời ở tuổi 101 và là tỷ phú già nhất thế giới.
Theo phát ngôn viên của gia tộc Rockefeller, ông David qua đời hôm thứ 2 tại nhà riêng ở Pocantico Hills, New York. Nguyên nhân được cho là vì ông bị suy tim sung huyết.
David Rockefeller là cháu ruột duy nhất hiện nay của “ông trùm” dầu mỏ khét tiếng John D. Rockefeller – tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ. Ông cũng là người duy nhất trong số 5 con trai của John D. Rockefeller Jr. dành toàn bộ sự nghiệp của mình cống hiến cho tập đoàn của gia đình và giữ vị trí CEO của Ngân hàng Chase Manhattan trong suốt 35 năm.
Ông cũng là một người bạn thân của các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới từ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đến Nelson Mandela tại Nam Phi, từ vua Iran đến Henry Kissinger. David Rockefeller từng đề nghị Tổng thống Jimmy Carter cho phép những người hồi giáo đáng thương đến Mỹ để điều trị y tế.
Bên cạnh đó, Rockefeller còn nổi tiếng vì các hoạt động từ thiện của ông. Năm 2006, ông đã trích 225 triệu USD từ quỹ Rockefeller Brothers Fund của gia đình để thúc đẩy thay đổi xã hội trên toàn thế giới. Trước đó, ông đã tặng 100 triệu USD cho 2 tổ chức ở New York là Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và trường Đại học Rockefeller.
“Không một cá nhân nào có nhiều cống hiến cả về mặt xã hội lẫn thương mại cho thành phố New York trong suốt một thời gian dài như David Rockefeller. Trong thời gian tôi phụng sự tại City Hall, ông ấy luôn có mặt mỗi khi thành phố kêu gọi”, Cựu thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg chia sẻ trong một bài phát biểu.
Năm 2008, Rockefeller đã dành tặng 100 triệu USD cho trường học cũ của mình – Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts.
“Những đóng góp của David Rockefeller trong kinh doanh, hoạt động từ thiện và chính trị là mối liên kết chặt chẽ, không gì có thể sánh bằng”, Ron Chernow – tác giả của cuốn tiểu sử về John D. Rockefeller năm 1998 cho biết.
Theo tờ Bloomberg, sự ra đi của David Rockefeller đã đóng một chương tiếp theo trong lịch sử của gia tộc lừng lẫy nhất nước Mỹ.
Tuổi thơ giàu có
David Rockefeller sinh ngày 12 tháng 6 năm 1915 tại New York. Ông là con út của John D. Rockefeller Jr. - người đã dành phần lớn thời gian bảo vệ sự nghiệp từ thiện của John cha và Abby Aldrich Rockefeller.
Rockefeller từng tham dự trường Cao đẳng sư phạm thuộc Đại học Columbia ở Manhattan và tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1936. Sau đó, ông theo học tại Trường Kinh tế London và nhận bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Chicago năm 1940. Luận án tiến sĩ của ông mang tên “Những nguồn tài nguyên chưa được sử dụng và sự lãng phí trong kinh tế” đề cập đến việc các nhà tư bản không chỉ tìm kiếm nguồn lợi nhuận tiền bạc mà còn phải phụng sự nhân viên và xã hội.
Năm 1940, ông kết hôn với Margaret “Peggy” McGrath (mất năm 1996). Họ có với nhau 2 con trai và 4 con gái.
Công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp của Rockefeller là soạn thư trả lời cho Fiorello LaGuardia - Thị trưởng thành phố New York lúc bấy giờ, với mức lương 1 đô la một năm. Khi thế chiến thứ II bùng nổ, ông kiên quyết từ chối phục vụ quân đội cho đến khi mẹ ông thúc giục ông tham gia nghĩa vụ quân sự.
Rockefeller từ chối dùng ảnh hưởng của cha mình để nhận hoa hồng sĩ quan, đăng ký phục vụ như một cá nhân. Ông phục vụ quân đội từ năm 1942 đến 1945, được phong làm thuyền trưởng.
Sau đó ông gia nhập Ngân hàng Chase National Bank - nơi ông chú Winthrop Aldrich làm Chủ tịch; trong khi bố và ông nội ông là 2 cổ đông lớn nhất của ngân hàng này.
Mặc dù được thừa kế tài sản giàu có nhưng David Rockefeller vẫn đi làm bằng tàu điện ngầm trong suốt một thập kỷ và làm việc tại nhiều phòng ban khác nhau bao gồm vị trí giám sát hoạt động kinh doanh khu vực Mỹ Latin, cho đến khi ông chính thức trở thành Giám đốc điều hành thay McCloy năm 1960.
Sự nghiệp tại The Chase Bank
Trong suốt những năm 1960, Rockefeller đã dùng tên tuổi của gia đình và những mối liên hệ toàn cầu để gia tăng số chi nhánh nước ngoài của The Chase Bank từ 11 lên 73. The Chase cũng là ngân hàng phương Tây đầu tiên mở chi nhánh ở Moscow và Bắc Kinh, sau đó có hoạt động cho vay vốn ở Châu Phi, Châu Á và Mỹ Latin. Rockefeller thuê Giáo sư quản lý Peter Drucker làm cố vấn đặc biệt và thành lập các phòng Nhân sự, Marketing và Kế hoạch.
Một số người chỉ trích cho rằng, vì tập trung vào các hoạt động quốc tế nên Rockefeller đã bỏ bê công việc điều hành The Chase. Vào đầu những năm 1970, các khoản đầu tư bất động sản của ngân hàng này trên bờ vực lung lay, lỗ trái phiếu khiến họ phải điều chỉnh lợi nhuận, gặp phải nợ xấu và nhiều vấn đề về công nghệ.
Citibank – sau này trở thành Citigroup Inc., đã đóng cửa giao dịch cổ phiếu của The Chase Bank. Rockefeller rơi vào tình thế vừa phải giải quyết thiếu hụt nội bộ của ngân hàng vừa phải mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu.
Giai đoạn năm 1975 là thời điểm khó khăn với Rockefeller khi ông phải cố gắng duy trì vị trí của mình. Cố vấn Richardson Dilworth từng nói với ông rằng ông còn rất ít thời gian để vực dậy The Chase Bank trong chuyến bay trực thăng qua sông Hudson. Tuy nhiên, một tuần sau đó, Hội đồng quản trị công ty đã cho ông thêm thời hạn 1 năm để tái cấu trúc hoạt động quản trị và vay vốn. Ông tiếp tục điều hành ngân hàng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1981, ở tuổi 66.
Trung tâm Rockefeller
David Rockefeller ước tính tài sản của cha ông đã hao hụt 110 triệu USD trong vòng 20 năm để duy trì trung tâm Rockefeller. Vào tháng 1 năm 1995, Rockefeller khi đó đã 79 tuổi, phải bay sang Nhật để cố gắng thuyết phục Mitsubishi không đưa trung tâm này vào tình trạng phá sản.
Một năm sau, Rockefeller mua lại trung tâm này với sự hợp tác của Goldman Sachs Group Inc. Năm 2001, tập đoàn này bán nó cho nhà phát triển bất động sản New York Tishman Speyer Properties thu về một khoản lợi nhuận, đồng thời chấm dứt 7 thập kỷ của trung tâm dưới sự kiểm soát gia đình.
Rockefeller thừa hưởng truyền thống từ thiện của gia đình. Ông đã cho đi hơn 900 triệu USD trong suốt cuộc đời mình. Năm 1940, ông gia nhập Hội đồng quản trị của Viện Nghiên cứu Y khoa Rockefeller do ông nội ông thành lập năm 1901. Một thập kỷ sau đó, ông kế nghiệp cha mình trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị trong suốt 25 năm. Viện được đổi tên thành Đại học Rockefeller vào năm 1965.
Với tình yêu nghệ thuật từ người mẹ truyền lại, Rockefeller có một bộ sưu tập các tác phẩm hiện đại và ấn tượng với giá trị hơn 500 triệu USD vào đầu những năm 1990. Sau khi mẹ ông qua đời vào năm 1948, Rockefeller tham gia Hội đồng quản trị Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, giữ vị trí Chủ tịch trong suốt 16 năm.
Rockefeller là một người nhanh nhẹn và minh mẫn kể cả khi đã bước sang tuổi 90. Ông đến văn phòng lúc 10 giờ sáng và ra về lúc 5 giờ hàng ngày. Ông tập thể dục trước khi đi làm, và thi thoảng uống một ly rượu trắng trong bữa trưa.
Sau khi Rockefeller qua đời, thế hệ lãnh đạo tiếp theo của gia tộc này sẽ là "The Cousins" – chắt của John D. Rockefeller. David Rockefeller từng cho biết ông tin tưởng 6 người con và các cháu của mình sẽ tiếp tục kế thừa hoạt động từ thiện và di sản của gia đình.
"Nếu chúng học được những điều quan trọng về cuộc sống và biết cách lãnh đạo, đó sẽ là di sản lớn nhất của tôi. Tôi có lý do để tin rằng chúng sẽ làm được", Rockefeller chia sẻ trong cuộc phỏng vấn vào tháng 5 năm 2007.