MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung "sếp nhà người ta" bán ngân hàng lấy 60 triệu USD chia cho tất cả nhân viên

17-03-2017 - 08:25 AM | Tài chính quốc tế

Năm 2009, Leonard Abess trở nên nổi tiếng vì đã đem chia 60 triệu USD cho tất cả nhân viên sau khi bán ngân hàng City National Bank. Giờ ông đã là 1 tỷ phú kín tiếng.

Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 lên đến đỉnh điểm, giám đốc một ngân hàng ở Miami bỗng chốc trở nên nổi tiếng và được công chúng hết lời ca ngợi thay vì bị người đời bêu riếu như các lãnh đạo khác trong ngành ngân hàng. Lý do là vì ông đã bán ngân hàng của mình đi và đem chia 60 triệu USD cho tất cả nhân viên.

Hành động này hóa ra lại là một toan tính xuất sắc. Leonard Abess đã may mắn thoát khỏi thời kỳ sụp đổ của ngành ngân hàng, với danh dự và cả tài sản đều được bảo toàn. Vài tháng sau, ông được Tổng thống lúc đó là Barack Obama ca ngợi trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội.

Sau khi Abess gần như biến mất trước công chúng. Mới đây ông đã đồng ý gặp phóng viên của Bloomberg, tại Orion Jet Center, một sân bay nhỏ nằm ngay gần Miami. Xuất hiện với bộ râu đã bạc và cổ áo sơ mi mở rộng không cài cúc, ông chia sẻ một cách cởi mở về cuộc sống hiện tại cũng như về quyết định từ 1 thập kỷ trước.

Abess đang cho thuê và vận hành một phần của sân bay, nơi ông thường gặp mặt những người nổi tiếng như Lebron James và Justin Bieber tới đây để nạp thêm xăng cho chuyên cơ riêng của họ.

Ông cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở 1 trong 2 công ty đang dẫn đầu thị trường pinball toàn cầu. Abess hiện chủ sở hữu của hàng nghìn mẫu đất trang trại và rừng trồng cây lấy gỗ, nơi ông sản xuất ra loại siro gỗ thích từng được trao giải thưởng. Ngoài ra ông đang nỗ lực chứng minh rằng kinh doanh những trang trại chanh ở Nam Florida.

Chưa từng xuất hiện trên các bảng xếp hạng người giàu thế giới nhưng theo tính toán của Bloomberg, Leonard Abess hiện có tài sản khoảng 1,3 tỷ USD. Một trong những khoản đầu tư lớn nhất của ông là trái phiếu, lĩnh vực mà người đàn ông 68 tuổi từng hoạt động trong lĩnh vực tài chính thường sử dụng kiến thức để đưa ra quyết định mua bán.

Gần 10 năm trước, Abess bán ngân hàng City National Bank of Florida với giá 1,1 tỷ USD. Ông lấy 60 triệu USD chia cho 471 người đang hoặc đã từng là nhân viên của ngân hàng. Vì hành động này, ông Obama gọi ông là “người đã nhắc nhở chúng ta rằng niềm hi vọng có thể được tìm thấy ở những nơi không ngờ tới”.

Abess cũng lọt vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất của tạp chí TIME năm 2009 (phần giới thiệu về ông được viết bởi cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush) và đã có một bữa tiệc thú vị ngồi giữa vợ chồng Obama cùng Oprah Winfrey. Nhưng Abess nói rằng ông không cảm thấy thoải mái với vai trò là một người có thể “lên mặt dạy đời” trước những tội lỗi của phố Wall.

City National Bank là ngân hàng đã từng gặp khá nhiều rắc rối. Cha của Abess lập ra ngân hàng vào năm 1946, nhưng ông không kế thừa nó mà tự lực xây dựng sự nghiệp, bắt đầu bằng công việc ở một cửa hàng in. Thời kỳ những năm 1990, ngân hàng rơi vào tay một tay buôn cà phê trẻ tuổi người Colombia – người sau đó đã vào tù vì tội gian lận.

Vụ scandal “phủ bóng đen” lên ngân hàng, mặc dù theo Abess trả lời phỏng vấn của New York Times năm 1983 thì hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đó cũng là một cơ hội. Abess đã cứu ngân hàng khỏi nguy cơ phá sản bằng cách trả món nợ 21 triệu USD và mua lại nó với giá 6 triệu USD.

Dưới sự lãnh đạo của Abess, từ chỗ chỉ có tài sản 400 triệu USD, đến thời điểm 2009 ngân hàng đã nắm trong tay 2,75 tỷ USD và 18 chi nhánh. Phần nhiều thành công đến từ một vị khách hàng lớn nhất: ông trùm bất động sản Jorge Perez, người lúc đó cũng là một tỷ phú mới nổi với biệt danh “vua chung cư của Miami”. Đến nay hai người vẫn là bạn và hai gia đình cũng khá thân thiết.

Tài sản của City National ở mức 2,9 tỷ USD tại thời điểm năm 2008, khi Abess bắt đầu bán nó cho Caja Madrid. Tuy nhiên ngay sau đó hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha cũng lung lay, và City National được bán với giá thấp hơn cho Banco de Credito e Inversiones của Chile.

“Động lực làm việc của tôi là để đảm bảo cho sức khỏe của ngân hàng. Đó cũng là triết lý khi tôi bán nó. Tôi không bao giờ quên ơn những con người tuyệt vời đã giúp tôi đi đến đích”, ông nói.

Abess nói rằng làm ngân hàng thì “phải có tâm”. Và lý do ông mua lại sân bay này cũng là để tạo ra việc làm cho địa phương, nơi có nền kinh tế khốn khó. Hiện ông đang sử dụng khoảng 500 lao động.

Tuy nhiên Abess lại nhanh chóng phủ nhận mình đang áp dụng triết lý đầu tư gắn với trách nhiệm xã hội, bởi theo ông tiền vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu và trước hết đây là một khoản đầu tư tốt.

Hiện nay ông kiếm tiền bằng cách khai thác hàng triệu gallon nhiên liệu mỗi năm và phục vụ các chuyên cơ riêng. Sân bay này cũng đem lại nhiều cảm xúc cho Abess. Thập kỷ 30 của thế kỷ trước, dì của ông đã học lái máy bay ở đây và có được bằng lái ở thời điểm mà phụ nữ thường không làm vậy. Từ năm 2006 ông đã thuê lại khu đất này nhưng chỉ bắt đầu đầu tư sau khi rời ngân hàng.

Ông là nhà đầu tư chính của Jersey Jack Pinball, một trong những công ty cuối cùng vẫn còn kinh doanh máy pinball ở thời điểm hiện tại. Các công ty khác đã chuyển sang những thiết bị hiện đại hơn vì pinball lỗi thời. Tuy nhiên Abess tìm thấy một thị trường ngách: ông cung cấp máy cho các nhà sưu tầm, thị trường có quy mô khoảng 50 triệu USD.

Abess là Chủ tịch hội đồng tín thác của ĐH Miami. Ông kiếm được vài trăm triệu cổ tức, mua một trong những biệt thự lớn nhất ở Miami và có 12.000 mẫu trang trại ở Florida, Vermont và Maine.

Nhưng vị “lãnh đạo ngân hàng kiêm nông dân kiêm ông trùm piball” này thề rằng ông không bị ám ảnh bởi lợi nhuận. “Nếu bạn chọn được hạt giống hoàn hảo và tập trung chăm sóc kỹ lưỡng, tự thân những cánh đồng sẽ mang lại mùa màng bội thu”.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên