Chân dung tân Thủ tướng sẽ chèo lái con thuyền Anh trong "cơn bão" Brexit
Nhiệm kỳ của Theresa May sẽ ngập trong những cuộc đàm phán với các lãnh đạo EU mà trong đó có nhiều người đang hối thúc Anh kích hoạt điều 50. Bên cạnh đó còn là nguy cơ suy thoái kinh tế và khả năng Scotland trưng cầu dân ý đòi độc lập.
- 12-07-2016Italy - Cơn bão tiếp theo sắp ập đến châu Âu
- 09-07-2016Ai mới là người nắm trong tay thực quyền kích hoạt Brexit?
- 24-06-2016Thủ tướng Anh David Cameron từ chức
Theresa May đang trên đường quay trở lại London từ miền Trung khi nghe tin mình sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Bà vừa hoàn thành bài phát biểu đầu tiên – và cũng là duy nhất – trong khuôn khổ chiến dịch tranh cử để ngồi vào chiếc ghế này.
Khoảnh khắc ấy – khoảnh khắc chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ sau khi đối thủ cuối cùng bất ngờ bỏ cuộc – là biểu tượng cao nhất tóm gọn con đường tiến đến quyền lực trên chính trường Anh của người phụ nữ 59 tuổi: luôn tập trung vào những công việc thể hiện năng lực của bản thân trong khi các đối thủ lần lượt bỏ cuộc. Trước chiến thắng ngày hôm nay, Theresa May là người phụ trách các vấn đề về nhập cư và an ninh quốc gia.
Giờ đây người phụ nữ này sẽ phải chứng minh bà kiên cường đến mức nào. Trong bối cảnh nước Anh vừa quyết định sẽ rời EU và những lãnh đạo ủng hộ Brexit lần lượt từ chức, May sẽ phải chống lại áp lực buộc nước Anh phải nhanh chóng đàm phán về điều kiện ra đi và cũng phải trấn an các nhà đầu tư đã vội vã tháo chạy và khiến đồng bảng rơi xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1980. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, những năm 1980 cũng là thời kỳ mà nước Anh được lãnh đạo bởi một nữ Thủ tướng: bà Margaret Thatcher.
Những quan sát ban đầu cho thấy May có quá nhiều điểm đối lập với các nhân vật nổi tiếng khác ở Anh. Bà không được công chúng mến mộ như cựu Thị trưởng London Boris Johnson, không có nhiều toan tính chính trị như Bộ trưởng Tài chính George Osborne, không có sự đam mê như “mũi giáo” của phong trào Brexit Michael Gove và cũng không hào hứng nghiêng về chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Euroskeptic) như lãnh đạo đảng đối lập Andrea.
Không nói chuyện phiếm
“Tôi biết mình là một chính trị gia không màu mè”, May từng nói như vậy khi bà thông báo sẽ tranh cử 2 tuần trước. “Tôi không xuất hiện trên tivi, không nói chuyện phiếm quanh bàn ăn trưa, không lui tới các quán bar quen thuộc với các chính trị gia và không thể hiện cảm xúc thái quá. Tôi chỉ cố gắng hết sức để giải quyết tốt nhất công việc trước mắt mà thôi”.
Tuy nhiên người phụ nữ này không hoàn toàn im lặng. Sự nghiệp của bà được tô đậm bởi những khoảnh khắc cứng rắn. Năm 2002, khi vừa mới được bổ nhiệm làm nữ Chủ tịch của đảng Bảo thủ và chịu trách nhiệm về cơ cấu tổ chức của đảng cũng như khích lệ các nhà hoạt động, bà đã khiến mọi người phải sửng sốt khi cho rằng đảng Bảo thủ bị các cử tri gọi đây là “the nasty party” – ý nói đảng này hẹp hòi ích kỷ và không quan tâm đến bộ phận dân nghèo, người thiểu số cũng như người đồng tính.
Một lần nữa, vào năm 2014, khi đang là Bộ trưởng Nội vụ, bà thẳng thừng phàn nàn rằng các cảnh sát ở Anh “phải đối mặt với sự thực” và giải quyết triệt để nạn lạm dụng chức quyền. Lời nói này đã khiến các cảnh sát rất giận dữ.
Đối mặt với tình trạng của nước Anh hiện nay, sự cứng rắn là rất cần thiết. Nhiệm kỳ của May sẽ ngập trong những cuộc đàm phán với các lãnh đạo EU mà trong đó có nhiều người đang hối thúc Anh kích hoạt điều 50. Bên cạnh đó còn là nguy cơ suy thoái kinh tế và khả năng Scotland trưng cầu dân ý đòi độc lập.
Theo Ben Kumar, chuyên gia đến từ quỹ Seven Investment Management, Theresa May sẽ là người đi theo chủ nghĩa thực dụng. Bà sẽ từ từ giải quyết mọi chuyện, theo cách thận trọng.
Trong khi thái độ phản đối Brexit có thể giúp bà có lợi thế trong các cuộc đàm phán với những người đồng cấp ở EU, rắc rối nằm ở quê nhà khi mà bà phải thuyết phục những thành viên ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ. Họ có thể đổ tội không giữ đúng lời hứa cho bà.
Matthew Goodwin, giáo sư nghiên cứu chính trị tại ĐH Kent, nhận định May là người lãnh đạo cẩn trọng lèo lái con thuyền đi qua một trong những thời kỳ biến động nhất trong lịch sử chính trường Anh. Tuy nhiên bà cũng vẫn có những tham vọng mang tính dài hạn như định hình lại nước Anh hay đảm bảo vị thế dẫn đầu của đảng Bảo thủ.
Theresa May bước chân vào Nghị viện Anh từ năm 1997, sau cuộc bầu cử chứng kiến đảng Bảo thủ bị Công đảng của ông Tony Blair “vùi dập”. Trước đó bà từng có 20 năm làm việc trong ngành tài chính, trong đó có thời gian làm việc ở NHTW Anh.
Phong cách của bà là hạ nhiệt vấn đề trước và luôn hướng đến mục tiêu “ổn định chính trị cũng như kinh tế”. Bà bác bỏ ý tưởng tổ chức ngay một cuộc tổng tuyển cử và cũng không muốn kích hoạt điều 50 trong năm nay, cho rằng trước tiên phải thống nhất và làm cho rõ ràng những điều khoản thương lượng.
Tầm nhìn cho tất cả mọi người
Chưa vội kích hoạt điều 50 sẽ đem đến cho Theresa May cơ hội để xây dựng liên minh mà chủ yếu là với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Mặc dù bà Merkel đã nhắc đi nhắc lại rằng bà không muốn sử dụng những cuộc đàm phán không chính thức, May vẫn đặt hi vọng vào con đường này.
Tân Thủ tướng Anh đã đưa ra những mục tiêu đầu tiên: Anh muốn có khả năng tiếp cận thị trường chung châu Âu đồng thời chấm dứt việc công dân EU tự do sống và làm việc ở Anh. Tuy nhiên, vì các nhà lãnh đạo EU tuyên bố khả năng tiếp cận thị trường phải luôn đi kèm với tự do đi lại, những yêu sách của Anh khó có thể được đáp ứng.
Còn trong nước, Công đảng đang rơi vào nội chiến và do đó đảng Bảo thủ sẽ dễ dàng chiếm ưu thế.
May cũng đã đưa ra một số chi tiết trong kế hoạch phát triển kinh tế của mình. Bà ủng hộ Kho bạc Anh sử dụng trái phiếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và muốn Chính phủ tập trung nâng cao sản lượng của nền kinh tế.
Ngoài ra cũng có thể có một số chính sách đến từ Công đảng: yêu cầu minh bạch về lương thưởng của các lãnh đạo doanh nghiệp và các cổ đông sẽ bỏ phiếu về vấn đề này; hạn chế và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các ngân hàng hay buộc các tập đoàn đa quốc gia đóng nhiều thuế hơn.
Bài phát biểu nhậm chức của May cho thấy bà sẽ tận dụng tối đa các cơ hội được ban cho: “Chúng ta cần một tầm nhìn hoàn toàn mới và tích cực cho tương lai của nước Anh. Tầm nhìn ấy không chỉ dành cho thiểu số được hưởng đặc quyền mà là cho tất cả dân chúng”.