MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc ngỏ ý lần 2 với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ muốn đầu tư vào “kho báu” thuộc Top 2 thế giới tại Việt Nam

13-04-2024 - 07:45 AM | Doanh nghiệp

Tại cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đã có đề nghị hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển ngành khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, chiều 9-4, tại Thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc. 

Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG) Liu Leiyun, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành công nghiệp khoáng sản then chốt, trong đó có đất hiếm là ngành công nghiệp chiến lược, là nền tảng để phát triển nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nghiên cứu và triển khai hợp tác trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với luật pháp của Việt Nam.

Giới thiệu về thế mạnh của Tập đoàn, ông Liu Leiyun cho biết Tập đoàn mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị khác để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng.

Được biết, đây là lần thứ hai Tập đoàn Trung Quốc này "ngỏ lời" đầu tư vào đất hiếm Việt Nam. Trước đó, tại buổi làm việc với Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc hôm 23/11/2023, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cũng đã trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ hội hợp tác giữa Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành.

Theo số liệu thống kê của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng khoáng sản đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới với khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc với trữ lượng 44 triệu tấn.

Do đó, Việt Nam là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn khiến không ít nhà sản xuất bán dẫn "thèm muốn". Trong khi toàn thế giới đang chạy đua để có được nguồn cung các khoáng sản quan trọng này, thì việc khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Tập đoàn nắm 37,6% hoạt động khai thác đất hiếm của Trung Quốc

Về Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc, hiện có trụ sở tại tỉnh Giang Tây được thành lập vào tháng 12/2021. Đây là kết quả của sự sáp nhập ba trong số 6 doanh nghiệp 'thống trị' ngành đất hiếm của Trung Quốc bao gồm: Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (CHALCO), Tập đoàn Minmetals Trung Quốc và Tập đoàn Ganzhou Rare Earth Group, mỗi công ty nắm giữ 20,3% cổ phần trong liên doanh mới.

Hiện, Ủy Ban giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này (31,21%), còn lại là hai cổ đông nhỏ gồm công ty nghiên cứu China Iron & Steel Research Institute Group và Grinm Group Corporation Ltd.

Chân dung Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc ngỏ ý lần 2 với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ muốn đầu tư vào “kho báu” thuộc Top 2 thế giới tại Việt Nam- Ảnh 1.

Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đang chiếm 37,6% hoạt động khai thác đất hiếm ở Trung Quốc, bao gồm gần 70% sản lượng đất hiếm nặng và khoảng 42% quặng đã chế biến trong nước.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đạt hơn gần 3,8 tỷ CNY (531 triệu USD). Trong năm tài chính 2022, Công ty đạt doanh thu gần 3,8 tỷ CNY (531 triệu USD), tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng trưởng vượt trội so với năm trước đó, tăng 116,65%, đạt 415 triệu CNY (58 triệu USD).

Sự tăng trưởng của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với đất hiếm trên toàn cầu. Trong năm 2022, nhu cầu toàn cầu đối với đất hiếm ước tính tăng khoảng 10% so với năm trước. Đất hiếm là một nhóm các nguyên tố hóa học có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm sản xuất động cơ điện, pin, màn hình, thiết bị điện tử và quân sự.

Đất hiếm giúp Trung Quốc củng cố vị thế trong cuộc chơi công nghệ cao, thiết bị quân sự và ô tô điện

Trong bối cảnh các quốc gia khác đang nỗ lực tăng cường sản xuất đất hiếm, Trung Quốc vẫn duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực này. Và Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.

Do vậy, việc sáp nhập 3 công ty này nhằm mục đích tích hợp các nguồn tài nguyên thượng nguồn, tăng sức mạnh định giá của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu và sử dụng đất hiếm để tạo lợi thế chiến lược cho đất nước. Nhờ đó, họ có thể kiểm soát mức giá các loại đất hiếm quan trọng như dysprosium và terbium một cách dễ dàng hơn, góp phần làm thay đổi và tăng cường tầm quan trọng của Trung Quốc hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với tầm quan trọng ngày càng lớn của đất hiếm, như các loại sản phẩm công nghệ cao (máy tính, điện thoại…), thiết bị quân sự (laser, radar…) và đặc biệt là trong việc sản xuất pin dành cho ô tô điện – sản phẩm đang được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm vào thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa các công ty sẽ giúp tăng cường hợp tác về mặt công nghệ, giúp cho công ty hợp nhất tối đa hoá việc sản xuất.

Trung Quốc cũng được biết đến là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm hơn 70% nguồn cung toàn cầu trong năm 2018, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Dựa trên dữ liệu năm 2021, tập đoàn này sẽ có hạn ngạch khai thác 52.719 tấn (31% tổng hạn ngạch quốc gia của Trung Quốc) và 47.129 tấn hạn ngạch luyện kim (29% tổng hạn ngạch quốc gia). Công ty TNHH Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 62% nguồn cung cấp đất hiếm nặng trên toàn quốc.

Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc không giấu tham vọng trở thành nhà sản xuất đất hiếm lớn thứ hai của đất nước sau Công ty TNHH Công nghệ cao Đất hiếm Trung Quốc.

Tri Túc

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên