Chặn hàng giả trên mạng xã hội
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 52.613 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm (tăng 36%), chuyển cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%)…
- 10-09-2023Các nước có tốc độ internet nhanh nhất thế giới
- 10-09-2023ChatGPT sụt giảm lưu lượng người dùng
- 10-09-2023Cách đặt lịch đăng kiểm ô tô trên Zalo không phải ai cũng biết
Trước thực trạng trên, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sẽ đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Trong đó, việc kiểm tra, rà soát hàng giả, hàng nhái trên mạng sẽ là ưu tiên số một từ nay đến năm 2025.
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa thông tin, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 52.613 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm (tăng 36%), thu nộp ngân sách Nhà nước trên 344 tỷ đồng (tăng 59%). Chuyển cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%); trị giá hàng hóa tịch thu gần 143 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 93 tỷ đồng.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục Quản lý thị trường cảnh báo: Hình thức làm hàng giả, hàng nhái rất tinh vi, đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng có công nghệ cao, từ hàng hóa phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, giải trí… Địa điểm sản xuất thường không đảm bảo vệ sinh công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng lại bao bì cũ của hàng chính hãng làm cho người tiêu dùng khó nhận biết, phân biệt giữa hàng chính hãng và hàng giả. Đáng chú ý, khi thương mại điện tử phát triển, các sàn thương mại điện tử hay các mạng xã hội đang là mảnh đất màu mỡ để nhiều cá nhân lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc và cả hàng cấm.
Dễ dàng nhận thấy trên các mạng xã hội, hàng giả, hàng nhái được bán tràn lan khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận. Với cùng một sản phẩm, một số người công khai bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá công bố trên website chính hãng của nhãn hàng, đơn vị nhập khẩu trực tiếp. Nhiều nhất là những sản phẩm viên uống chức năng giá chỉ bằng một nửa của đơn vị nhập khẩu. Cùng với đó là hàng nhái các sản phẩm thời trang nổi tiếng như: Hermès, Louis Vuitton, Gucci, Dior... mà các chủ shop đã thay tên các thương hiệu nổi tiếng thành: HM, Hơ mẹt, Luôn Vui Tươi, Louis Vuituoi, Rolexx... Theo đó, kính nhái thương hiệu Dior được bán với giá 150.000 đồng/chiếc, túi nhái thương hiệu Louis Vuitton được bán 420.000 đồng/chiếc. Dép đính logo Hermès nhưng được bán với giá 189.000 đồng/đôi, đồng hồ đeo tay nam được quảng cáo của hãng Rolex được bán với giá 600.000 đồng/chiếc.
Thời gian qua, việc thực thi chống hàng giả, hàng nhái được lực lượng quản lý thị trường sử dụng giải pháp xây dựng những tuyến trọng điểm, địa bàn trọng điểm. Trong địa bàn có những tụ điểm nào nổi cộm về hàng giả thì ưu tiên xử lý những tụ điểm ấy trước. Ví dụ, tại Hà Nội một thời gian dài ở khu vực xung quanh Hàng Gai, Hàng Bông, chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào… bán hàng giả, hàng nhái rất nhiều và khách mua là những người du lịch trong nước và nước ngoài. Hiện tỷ lệ bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở những tuyến địa bàn nổi cộm này đã giảm. Cũng tại Hà Nội, ngành chức năng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, giúp người dân phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, ví dụ tổ chức phòng trưng bày hàng giả, hàng nhái ở 62 Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm). Còn tại TPHCM, ở tuyến Quận 1, trung tâm như chợ Bến Thành hay Saigon Square… lực lượng cũng thường xuyên, liên tục tăng cường việc kiểm tra, xử phạt.
Dịp cuối năm là thời điểm hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại diễn ra hết sức phức tạp. Ông Trần Hữu Linh cho biết: Lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính để bảo vệ thương hiệu. Trước hết là triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại hơn 20 tỉnh, thành phố có nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả. Tiếp đến là triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống trên không gian mạng Internet. Cuối cùng là tổ chức các chuyên đề kiểm tra đột xuất các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội. Việc kiểm tra, rà soát hàng giả và hàng nhái trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến năm 2025.
Tuy nhiên, để chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quan tâm nhiều đến việc phòng ngừa, bởi vì việc kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường hay các lực lượng chức năng như công an hay hải quan chỉ là phần ngọn, khi thấy có dấu hiệu thì đi kiểm tra. Do đó các chủ thể, từ người bán, người sản xuất cho đến người tiêu dùng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả.
Nhấn mạnh công cuộc chống hàng giả không phải nhiệm vụ riêng của cơ quan quản lý, luật sư Nguyễn Tiến Lập - trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nêu giải pháp, cần sự chung tay của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì cần nâng cao "tinh thần chủ động" chứ không phải đợi cơ quan chức năng, còn người tiêu dùng muốn bảo vệ mình thì người tiêu dùng phải trông cậy vào các hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc các luật sư thành một cơ chế hợp tác đa bên để giải quyết vấn nạn trên.
Đại đoàn kết