Chặn “nguồn tiền đen” trên sới bạc online bằng cách nào?
Hàng nghìn tỉ đồng, hàng chục đối tượng vừa bị Cảnh sát điều tra công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ trong vụ án đánh bạc trên mạng lớn nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, doanh thu từ các sòng bài trên mạng mỗi ngày có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.
- 17-03-2018Bộ Công an: 43 triệu tài khoản đánh bạc trong đường dây có cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa
- 16-03-2018Liên tiếp những vụ đánh bạc lớn Công an Phú Thọ triệt phá
- 16-03-2018Hé lộ tang vật 'khủng' đường dây đánh bạc liên quan tướng công an
- 15-03-2018Truy nã 9 đối tượng trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ do cựu Cục trưởng C50 "bảo kê"
- 11-03-2018Ban Bí thư chỉ đạo xử lý vụ án Tổ chức đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền
Trước việc thanh toán tiền mặt qua thẻ điện thoại, hiện vật giá trị lớn như ôtô khi chơi game online, Bộ TTTT đã nhìn ra thực trạng tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn dòng tiền đen này.
Doanh thu hàng nghìn tỉ từ sòng bài online
Điều tra đường dây “đánh bạc, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành, từ cuối tháng 8.2017 đến nay Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố hơn 80 người. Trong số này có ông Nguyễn Thanh Hóa; Phan Sào Nam (39 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, GĐ Cty CP VTC truyền thông trực tuyến - VTC online); Nguyễn Văn Dương (43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC). Công an Phú Thọ ước tính ban đầu, đường dây có hơn 20 triệu tài khoản tham gia với 8 triệu người chơi thường xuyên. Khi phá vụ án, cơ quan điều tra đã thu trên 1.000 tỉ đồng. Chưa có con số chính thức song số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài ước tính chừng 3,6 triệu USD.
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, VTC Online là nơi Phan Sào Nam làm Chủ tịch HĐQT trước đây từng phát hành nhiều game mang tính chất đánh bạc online, lừa đảo người chơi. Một trong số đó có thể kể đến game Phát Lộc (địa chỉ phatloc.vtcgame.vn). Ngoài ra, còn nhiều cổng game khác như Game Rikvip và Tip.Club được cho là do VTC Online phát hành “chui”.
Theo một game thủ từng kiếm được hàng trăm triệu khi chơi bạc online nhận xét, hiện nay game Rikvip đang nổi nhất, hút tới triệu lượt chơi. Theo game thủ này, từ năm 2015, Rikvip đã có mặt trên hai kho ứng dụng Google Play và App Store, người dùng dễ dàng tạo tài khoản và nhận được 200.000 xu từ hệ thống để “khởi nghiệp”. Rikvip chấp nhận nạp tiền thật để đổi xu, mệnh giá thấp nhất là 10.000 đồng và cao nhất là 500.000 đồng. Với 10.000 đồng, người chơi nhận được 10.000 Rik, từ đó họ có thể đổi ra xu và ngược lại để chơi game. Khi người chơi thắng trận và tích lũy được nhiều Rik, họ có thể đổi trực tiếp số tiền ảo này thành thẻ cào điện thoại, hoặc đổi qua các “đại lý” có mặt trên khắp cả nước. Lúc này, tỉ lệ đổi là 80-82/100, tức cứ 100.000 Rik, người dùng sẽ nhận lại 80.000-82.000 đồng, phần còn lại chia cho đại lý.
Theo khảo sát nhanh của PV Lao Động, gõ từ khóa đánh bài online, đánh bạc online thì kết quả Google trả về rất nhiều trang web hiện lên để mời gọi người chơi. Tuy nhiên, truy cập vào các trang web này, hầu như đều không được cấp phép và không có bất cứ địa chỉ Cty để liên hệ tại Việt Nam. Những trang web này hầu như đều lấy tên miền nước ngoài như “.com” “.net” và thường đặt máy chủ ở nước ngoài để tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng. Có thể kể đến baivip.net, nhatnhiba.com, 52labai.com, danhbai.net... Người dùng chỉ cần truy cập và tạo một tài khoản trong vài phút là có thể chơi ngay lập tức.
Chặn bằng cách nào?
Năm 2016, việc chuyển đổi từ tiền ảo trong game trực tiếp sang tiền thật và gửi vào tài khoản ngân hàng bị “tuýt còi” nên các sới bạc online lớn không còn cách nào khác đó là sử dụng thẻ cào, điện thoại, xe hơi để thưởng cược, và tổ chức mô hình đại lý để quy đổi sang tiền mặt cho khách.
Khi được hỏi về giải pháp chặn các nguồn tiền thanh toán trên các game online, ông Đỗ Hữu Trí - Phó Chánh Thanh tra Bộ TTTT - cho biết, Bộ TTTT đã có đề xuất giải pháp ngăn chặn các kênh thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp bằng thẻ cào điện thoại. “Việc ngăn chặn kênh thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp trong đó bao gồm dịch vụ game lậu, game cờ bạc hoặc dịch vụ vi phạm bản quyền trên môi trường số” - ông Trí nói thêm.
Trước đó, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TTTT cuối năm 2017, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - nhận xét, đang có một lỗ hổng pháp lý rất lớn trong quản lý thẻ cào di động. Người đứng đầu cục này cho biết rằng, chính sách pháp luật của Việt Nam có quy định không được dùng thẻ cào thanh toán cho các game chưa được cấp phép, game bài, game lậu... Nhưng thực tế nhà mạng không có cách nào để kiểm soát được thẻ cào thanh toán được đưa vào thanh toán cho dịch vụ nào, dịch vụ đó có phép hay chưa nhà mạng cũng không thể kiểm soát được. “Cần có một văn bản do Thủ tướng ban hành, những thanh toán cho dịch vụ nội dung số không hợp pháp thì các đơn vị phải chịu trách nhiệm ngăn chặn” - ông Lâm nói tại hội nghị.
Lao động